100 năm cải lương và giấc mơ “hồi sinh”

100 năm cải lương và giấc mơ “hồi sinh”

Chưa phân loại
08/03/2019
670 Lượt xem

Không phải đến năm 2018, tròn 100 năm cải lương, chúng ta mới biết được thực trạng đáng buồn của cải lương mà từ khá lâu, trong sự phát triển như vũ bão của các phương tiện nghe nhìn, cải lương – di sản văn hóa phi vật thể đã manh nha có nguy cơ biến mất nếu Nhà nước không kịp thời có những giải pháp…

Trong tháng 12 này, kỷ niệm 100 năm cải lương, ở thành phố Hồ Chí Minh đã có hai cuộc tọa đàm khoa học “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương” do Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh kết hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 7/12 và tọa đàm “Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương – Giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 27-12. Tất nhiên, điều quan trọng là hội thảo, tọa đàm có giúp ích được gì cho sân khấu cải lương trước nguy cơ “hấp hối”.

Ai cũng hiểu những giá trị của sân khấu cải lương trong đời sống. Đó là một di sản văn hóa phi vật thể mang đặc trưng riêng của Nam bộ cần được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cải lương sẽ đi về đâu sau 100 năm hình thành và phát triển vẻ vang? Nhìn lại 100 năm cải lương, nhìn lại lịch sử vàng son của cải lương, nhiều nghệ sĩ không khỏi ngậm ngùi.

Cải lương cần được cấp cứu bằng sân khấu biểu diễn.

Cải lương cần được cấp cứu bằng sân khấu biểu diễn.

NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ: “Nhìn lại quá khứ vàng son, chúng tôi đều nuối tiếc. Chân dung của sân khấu cải lương hôm nay có màu ảm đạm hơn và ít niềm vui.

Trong nhiều năm qua đã có nhiều cố gắng và giải pháp, nhưng chưa đủ để vực cải lương dậy. Còn quá nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, môi trường trở thành rào cản sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Sân khấu cải lương chịu sự tác động của thị trường, bị động, lúng túng chạy theo thị hiếu dễ dãi. Cải lương không còn đậm đà bản sắc, thiếu đi hơi thở thời đại, vì thế khán giả thờ ơ, ngần ngại với loại hình nghệ thuật này”.

Ông nhấn mạnh: “Phải thành lập ngay trung tâm nghiên cứu sân khấu cải lương để nơi này sẽ tham mưu, định hướng, tìm ra những giải pháp khả thi cho việc phục hồi các giá trị nghệ thuật của sân khấu cải lương”.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, giảng viên Khoa văn hóa học Trường Đại học Trà Vinh bộc bạch: “Theo tôi có 4 yếu tố tác động đến sự tồn tại và phát triển của cải lương gồm đội ngũ làm nghề (soạn giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc công…), lực lượng khán giả, các bộ quản lý, các nhà phê bình nghệ thuật. Đội ngũ làm nghề không có đất dụng võ vì thu nhập thấp.

Các soạn giả có dụng công viết tuồng hay mà công lao đền bù không xứng nên họ phải chuyển sang phục vụ loại hình khác. Vì thiếu tuồng hay nên khán giả dần xa rời cải lương. Nghệ sĩ mà không có khán giả làm sao thăng hoa.

Công tác quản lý nhiều bất cập như nhà nước thiếu quan tâm và đầu tư. Rạp hát không. Tiền lương nghệ sĩ thấp. Công tác lý luận phê bình chưa đúng hướng, xa rời nhu cầu thưởng thức của công chúng. Bốn khâu này đều yếu nên cải lương rất khó hồi sinh”.

Vở Dương Vân Nga được dựng vào dịp 100 năm cải lương.

Vở Dương Vân Nga được dựng vào dịp 100 năm cải lương.

Liên hoan sân khấu cải lương 2018 có lẽ là liên hoan cuối cùng chứng kiến sự bùng cháy của nhiều đoàn nghệ thuật cải lương trước khi sáp nhập. Một liên hoan rất nhiều nỗi niềm.

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, người mê đắm với sân khấu cải lương chia sẻ: “Tôi chứng kiến nỗi niềm của nhiều đoàn cải lương trước nguy cơ sáp nhập, nhiều tâm tư, nhiều nỗi buồn. Có nhiều đoàn diễn như là lần cuối được cháy trên sân khấu. Nhưng tôi tin cải lương không thể chết nếu mọi người cùng chung tay duy trì và phát triển nó”.

Cải lương đang trong thời điểm “hấp hối”. Đó là sự thật. Làm thế nào để vực dậy một nền sân khấu đã từng rực rỡ. Bởi vẫn còn đó những nghệ sĩ mê đắm với cải lương. Họ là những ông bà bầu tư nhân như Hoàng Song Việt, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Kim Ngân con ruột cố nghệ sĩ Kim Ngọc, đôi nghệ sĩ Chí Linh – Vân Hà.

Những nghệ sĩ này tự bỏ tiền túi ra thành lập công ty, thành lập sân khấu, tìm kiếm kịch bản hay để dựng tuồng và hát phục vụ khán giả. Nhưng tình yêu của họ sẽ kéo dài đến bao giờ khi họ tồn tại bằng kinh phí tự thân. Trước đây, cũng có nhiều ông bà bầu tư nhân nhiệt huyết đã dốc cạn hầu bao vì cải lương. Họ là những người “tử vì đạo”, với mong muốn cải lương sẽ được hồi sinh.

“Giấc mộng đêm xuân” được diễn nhân dịp kỷ niệm 100 năm cải lương.

“Giấc mộng đêm xuân” được diễn nhân dịp kỷ niệm 100 năm cải lương.

Nhưng cải lương liệu có thể hồi sinh hay không khi những tiếng nói của họ chỉ như những “cánh én báo tin vui”. Cải lương miền Nam cần nhiều hơn thế. Điều mà sân khấu cải lương miền Nam thiếu không phải là tình yêu nghề, không thiếu những nghệ sĩ sẵn sàng đam mê, cống hiến mà họ cần sự chung tay của chính quyền từ những ước nguyện thiết thực nhất, có một sân khấu riêng dành cho cải lương.

NSƯT Kim Tử Long

Chúng ta đã đặt ra rất nhiều câu hỏi làm sao vực dậy cải lương. Những câu hỏi đó mới chỉ là lý thuyết, để thực hành rất khó khăn. Muốn sáng đèn sân khấu cải lương không phải ở các buổi hội thảo mà nằm ở vấn đề một vở diễn hay của các đoàn công lập, các đoàn xã hội hóa có đến được với công chúng hay không. Đó là điều ta cần phải làm.

nghe si kim tu long toi lam moi viec deu la vi cai luong

Nhà nước đã bỏ ra 137 tỷ để xây dựng nhà hát Trần Hữu Trang, nhà hát cho cải lương, đó là hạnh phúc cho những người làm nghề. Nhưng tiếc thay, Nhà hát hiện nay không hoạt động, hoặc hoạt động trong sự vắng khách. Hội diễn sân khấu năm 2018 có 32 đoàn với 32 tác phẩm rất hay nhưng tất cả đều nằm trong kho, không có cơ hội đến với công chúng.

Tôi đã bỏ ra hơn 800 triệu thuê dựng vở đi hội diễn nhưng diễn 2 đêm ở Nhà hát Bến Thành rồi cũng xếp kho vì không có rạp. Điều tôi mong mỏi và là mơ ước của tất cả nghệ sĩ, hãy cho cải lương một sân khấu riêng đúng nghĩa chứ không phải sân khấu đa năng, lúc hội họp, lúc tổ chức event. Điều đó rất bất công với cải lương.

Nhà nước bỏ ra nhiều tiền để các nhà hát dựng vở, tốn kém, lãng phí vì tác phẩm không đến được với công chúng. Trong khi các đoàn xã hội hóa họ không lấy tiền của Nhà nước, họ tự xoay xở tiền dựng vở. Điều họ cần là có một Nhà hát để hoạt động.

Thay vì bảo trợ, bỏ tiền dựng vở, nhà nước chỉ cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho cải lương có rạp hát. Chúng tôi tự bỏ tiền túi ra dựng tác phẩm đưa cho các nhà phê bình duyệt. Sau đó, hãy để cho chúng tôi được diễn trong Nhà hát của mình, lời hay lỗ chúng tôi tự chịu, Nhà nước không cần bù lỗ.

NSND Giang Mạnh Hà:

Cải lương là di sản nghệ thuật phi vật thể có giá trị của nhân loại, cần được bảo vệ. Ngoài cải lương còn có tuồng và chèo. Nhưng cải lương đang đứng trước nguy cơ tàn lụi. Người xem vắng, tác giả kịch bản cũng vắng.

Cải lương thiếu trầm trọng những tác phẩm mới, phản ánh được tinh thần thời đại. Khán giả của cải lương cũng thưa vắng dần. Điều mà các nghệ sĩ mong mỏi là làm sao cho cải lương có một sân khấu đúng nghĩa để có thể hoạt động và sáng đèn hàng đêm.

Điều đó không quá khó khăn, chỉ cần sân khấu nhỏ như Thầu Quê, Minh Châu, sửa chữa lại, mục đích chỉ dành cho sân khấu cải lương, tạo điều kiện cho các đơn vị xã hội hóa biểu diễn, giúp họ có cơ hội đến với khán giả với tinh thần giúp đỡ, hỗ trợ sân khấu biểu diễn. Tôi mong mỏi các anh em nghệ sĩ hãy nói lên tiếng nói của mình trong thời điểm khó khăn này.

Tôi cũng muốn nghe tiếng nói của khán giả để biết họ cần cải lương thay đổi như thế nào để phù hợp với đời sống hôm nay. Cải lương hiện nay thiếu sự cọ xát thực tế của anh em nghệ sĩ và khán giả muốn đến với sân khấu cải lương. Vì thế, xem chừng các giải pháp vẫn chỉ nằm trên giấy mà thôi.

Mai Hoa


Đánh giá bài viết

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *