Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa?

Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa?

Chưa phân loại
25/01/2020
681 Lượt xem

Đầu Xuân, phóng viên Báo Người Lao Động gặp gỡ các nghệ sĩ có nhiều tâm huyết để lắng nghe tâm tư của họ về những bất cập và giải pháp để giúp sàn diễn cải lương được bảo tồn và phát triển.

Nhìn lại 103 năm hình thành và phát triển, sân khấu cải lương vẫn giữ những giá trị tư tưởng, nghệ thuật, xã hội và nhân văn, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể và cần được nhà nước bảo trợ bằng mọi hình thức.

Những giải pháp để “cứu” cải lương trong năm 2020 đã được các nghệ sĩ đặt ra trong mùa Xuân mới.

NSND Bạch Tuyết cho rằng “vấn đề rạp hát để biểu diễn là cốt lõi”, vai trò quản lý của nhà nước cần hướng tới việc bảo tồn những giá trị nghệ thuật của cải lương và triển khai các giải pháp khả thi hơn nữa.

Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa? - Ảnh 1.

NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Phượng Liên, nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vở “Kiều Nguyệt Nga” – một tác phẩm đỉnh cao của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang

NSND Bạch Tuyết phân tích: “Cải lương đang có nhiều bất cập và những bất cập này tồn tại đã nhiều năm, khiến cải lương gần như rơi vào khủng hoảng. Cải lương không còn đậm đà bản sắc như vốn có, thiếu hơi thở thời đại, trì trệ… khiến khán giả thờ ơ, thậm chí quay lưng. Lý do chính là thiếu hình thức thể hiện mới mẻ, thiếu rạp hát đúng chuẩn, lại bị tác động của cơ chế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, công nghệ giải trí khiến không ít tác giả, đạo diễn, diễn viên… rơi vào sự lúng túng, chạy theo thị hiếu dễ dãi, càng khiến cải lương lao dốc. Khắc phục được hạn chế này sẽ tạo tiền đề để sàn diễn khởi sắc”.

NSND Bạch Tuyết tin rằng hoạt động cải lương sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm 2020.

Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa? - Ảnh 2.

NSND Bạch Tuyết trong vai Thái hậu Dương Vân Nga

NSND Ngọc Giàu thì cho rằng khâu kịch bản hiện nay thiếu là do lực lượng tác giả yếu, kịch bản chưa truyền tải được thông điệp mà xã hội, công chúng quan tâm. “Công chúng cứ phải xem sự than khóc của những ông hoàng, bà chúa mà không thấy những vấn đề đang cần lắng nghe, suy ngẫm” – bà nhận xét.

Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa? - Ảnh 3.

NSND Ngọc Giàu và NSƯT Ngọc Đáng trong vở “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”

Với NSƯT Vân Hà là khao khát những sáng tạo âm nhạc trong nghệ thuật cải lương, để mỗi vở diễn tạo được điểm nhấn. “Đạo diễn cải lương trẻ ngày càng hiếm, lực lượng sáng tác âm nhạc cho sân khấu cải lương cũng thiếu. Lĩnh vực ca kịch dân tộc hiện đại hiện đang là một lỗ hồng lớn. Cần phải gấp rút đào tạo để bổ sung cho sự thiếu hụt này” – NSƯT Vân Hà góp ý.

Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa? - Ảnh 4.

NSƯT Vân Hà trong vở “Ngũ hổ bình tây” của sân khấu cải lương xã hội hóa Chí Linh, Vân Hà công diễn vào tối mùng 9 tết Canh Tý

Cùng băn khoăn về vấn đề này, TS Lê Hồng Phước (Trường ĐH KHXH và NV TP HCM) cho biết trước đây, các đoàn cải lương đều có những ban nhạc riêng với 8 – 10 nhạc công. Hiện nay, dàn nhạc mỗi đoàn chỉ có 3 nhạc công. “Nhạc công như thế này thì không thể đáp ứng yêu cầu vở diễn. Cải lương thiếu âm nhạc thì không thể tồn tại” – TS Phước nhìn nhận.

Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa? - Ảnh 5.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

Theo NSND – đạo diễn Trần Ngọc Giàu, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chính sách đối với nghệ thuật cải lương cũng cần phải được quan tâm. “Các chính sách dành cho sân khấu cải lương đã trở nên bất cập, không theo kịp tình hình phát triển của kinh tế thị trường. Cần phải trang bị cơ sở vật chất phù hợp, đáp ứng hoạt động sáng tạo nghệ thuật của cải lương; các phương tiện thông tin đại chúng cần ưu tiên thời lượng và giờ phát sóng phù hợp, thuận lợi để quảng bá cho cải lương nhằm tạo một thế hệ khán giả mới, làm sao để ngay từ tuổi nhỏ đã biết thưởng thức cải lương…” – ông nói.

Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa? - Ảnh 6.

NSND – đạo diễn Trần Ngọc Giàu

NSND Thanh Vy trăn trở, tương lai của nghệ thuật cải lương là giới trẻ. Thách thức của người làm nghề là phổ biến cải lương thành đại chúng. Cần phổ cập nghệ thuật cải lương qua các kênh thông tin phổ biến như YouTube, Zalo, Facebook…

NSND Thanh Vy nhấn mạnh: “Cần đầu tư cho tác giả viết ra những kịch bản cải lương hay nhất, ca ngợi chân-thiện-mỹ, ca ngợi tình yêu, lòng hiếu thảo, thủy chung… và đặt những vấn đề xã hội, gia đình chạm đến trái tim khán giả trẻ”.

Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa? - Ảnh 7.

NSND Thanh Vy

Đứng ở góc độ đào tạo, NSND Trần Minh Ngọc bày tỏ: “Cải lương là di sản phi vật thể của nhân loại, cần được bảo vệ khẩn cấp. Phải trả cải lương lại về cho nhân dân, nhất là khán giả trẻ. Từ đó cho thấy, cần sự liên thông giáo dục văn hóa nghệ thuật với trường học. Nhà nước, Chính phủ phải bảo trợ, chỉ đạo Bộ GD-ĐT đưa nghệ thuật cải lương vào học đường”.

Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa? - Ảnh 8.

NSƯT Đức Hải và NSND – đạo diễn Trần Minh Ngọc

Các đơn vị xã hội hóa nghệ thuật cải lương đang trông chờ vào sự hỗ trợ của TP HCM để có tác phẩm đỉnh cao. “Chúng tôi cần sự trợ vốn để đầu tư dàn dựng, có vậy mới hạ được giá vé, vì tiền thuê rạp quá cao. Không ổn định được điểm diễn khó mà làm cho sàn diễn sáng đèn thường xuyên” – NSƯT Kim Tử Long nói.

Bàn tròn đầu Xuân: Lối đi nào cho sàn diễn nở hoa? - Ảnh 9.

NSƯT Kim Tử Long và NSƯT Ngọc Huyền

Vậy để sàn diễn nở hoa, điều trọng tâm mà TP HCM cần tháo gỡ chính là tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ phát huy tài nghệ, từng bước xây dựng lộ trình vực dậy sân khấu cải lương với chiến lược cụ thể. Nhiều hội thảo, tọa đàm được tổ chức, nhưng để làm được những điều đã nói vẫn còn khoảng cách quá xa.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *