Bảo tồn nghệ thuật truyền thống ở Hải Phòng: Bảo tồn là phải đầu tư
Không sáp nhập chung theo mô hình Trung tâm VHNT tỉnh hay Nhà hát nghệ thuật truyền thống, TP Hải Phòng vẫn giữ nguyên 5 đoàn nghệ thuật công lập, và đặc biệt, hiện đều đang hoạt động hết công suất. Sân khấu Hải Phòng còn mời thêm nhiều tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ từ TƯ và các thành phố lớn tới để hợp tác dàn dựng những tác phẩm quy mô, chất lượng cao.
Đó là ghi nhận của Văn Hóa khi tiếp cận với Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”. Đề án đã giúp cho đời sống hoạt động nghệ thuật của thành phố Hoa phượng đỏ trở nên sôi động và đánh dấu một điểm sáng nghệ thuật trên cả nước.
Đã xác định bảo tồn là phải đầu tư tốt
Nhiều vị lãnh đạo của các đoàn nghệ thuật Hải Phòng cho biết, 10 năm trở lại đây, kịch hát dân tộc gặp nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư dành cho sân khấu truyền thống rất ít và không thể tiếp cận được khán giả. Giới nghệ sĩ Hải Phòng vô cùng lo lắng khi chứng kiến các địa phương khác sáp nhập các đoàn nghệ thuật một cách cơ học, khiến nhiều thương hiệu cứ mai một dần. Đứng trước bài toán làm sao để bảo tồn và phát triển tốt các loại hình kịch hát tiêu biểu, tháo gỡ những khó khăn cho sân khấu truyền thống, xuất phát từ nhu cầu cần có những chương trình nghệ thuật tốt để phát trên sóng PT-TH, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở VH-TT xây dựng Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”.
Tháng 11.2019, Sở VH-TT Hải Phòng được giao phối hợp với Đài PT-TH cùng các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện Đề án này. Theo đó, các đoàn nghệ thuật sẽ biểu diễn chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, ca múa nhạc tổng hợp với các chủ đề, nội dung tư tưởng, nhằm khơi dậy, tôn vinh truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên cùng những nét đặc trưng của vùng đất, con người Hải Phòng xưa và nay. Đặc biệt, Đề án phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá những thành tựu đổi mới, nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội của TP trong giai đoạn mới. Những buổi diễn được truyền hình trực tiếp hoặc ghi hình phát lại, sau đó sẽ tổ chức lưu diễn tại các quận, huyện của thành phố.
Qua 12 số tương ứng với 12 tháng triển khai thực hiện, Đề án đã thu hút được sự chú ý, hưởng ứng và đánh giá cao của đông đảo khán giả. Nhiều chương trình đáp ứng tiêu chuẩn, bám sát chủ đề tư tưởng theo yêu cầu, được dàn dựng công phu, đảm bảo chất lượng, đã được các đài PT-TH trong cả nước tiếp sóng. Các tác phẩm đều có quy trình lựa chọn rất khắt khe từ bước thẩm định nội dung kịch bản, đôn đốc giám sát quá trình dàn dựng, duyệt chương trình, quyết định công diễn…, và đặc biệt, được phát trailer liên tục trước 7 ngày trên các kênh sóng vào nhiều khung giờ khác nhau để quảng bá. Sau khi lên sóng trực tiếp vào thứ 7, các tác phẩm tiếp tục được phát lại nhiều lần trên tất cả các kênh PT-TH Hải Phòng.
Mỗi tuần sẽ có một tác phẩm sân khấu mới
Đánh giá sau 1 năm thực hiện Đề án, Giám đốc Sở VH-TT Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ: “Nghệ thuật chuyên nghiệp Hải Phòng khởi sắc chính là nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố trong việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đề án đã cụ thể hóa sinh động về triển khai thực hiện chủ trương chính sách bảo tồn phát triển văn hóa nghệ thuật, đánh thức tiềm năng của sân khấu Hải Phòng, không những giữ vững được thương hiệu nghệ thuật của từng loại hình sân khấu mà còn xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Đề án cũng đã tạo một thói quen thưởng thức nghệ thuật đối với nhân dân Hải Phòng, qua đó nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”.
Từ tháng 11.2020, Hải Phòng đã tiến thêm 1 bước nữa, đó là quyết định tăng số lượng chương trình truyền hình trực tiếp với tần suất 2 lần/tháng (24 số/năm) vào thứ Bảy tuần giữa và cuối mỗi tháng, hoặc thời điểm có các sự kiện, hoạt động chính trị lớn của thành phố, đất nước. Số buổi lưu diễn cũng được tăng lên 15 buổi/ tác phẩm (trước là 10 buổi/tác phẩm). Việc tăng số lượng chính là đáp ứng nhu cầu thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật chất lượng của người dân địa phương và đó cũng là lý do chương trình luôn thu hút được đông đảo khán giả. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại mà nhiều tác phẩm trong Đề án không chỉ có trên 1.000 khán giả tới xem trực tiếp tại Nhà hát mà còn có trên 10.000 khán giả xem trực tiếp qua các kênh PT-TH. Đề án còn hướng tới sẽ có một chương trình nghệ thuật biểu diễn được truyền hình trực tiếp vào ngày thứ 7 hằng tuần để tạo một địa chỉ quen thuộc cho nhân dân TP.
Tăng số lượng cũng chính là tăng áp lực, khó khăn mà Hải Phòng phải đối diện, bởi lực lượng diễn viên ở các đoàn nghệ thuật hiện nay đang rất thiếu, tuổi đời trung bình khá cao do yêu cầu tinh giản biên chế và chưa có cơ chế đặc thù thu hút tài năng nên không tuyển được người trẻ để thay thế. Số lượng kịch bản về thành phố, mảnh đất, con người Hải Phòng chưa nhiều và tính thời sự cũng không phong phú. Hiện nay, nguồn nhân lực của các đoàn chỉ có tầm 15 đến 25 biên chế, dẫn tới việc triển khai các chương trình, vở diễn tương xứng với mức độ quan tâm và vị thế của thành phố sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở VH-TT Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Đề án đều đánh giá hiệu quả rõ rệt cũng như cả những khó khăn mà các đơn vị nghệ thuật đang gặp phải. Thành phố đã đề nghị Sở VH-TT cùng các cơ quan tập trung vào các giải pháp để hoàn thành yêu cầu của Đề án như: Đặt hàng kịch bản, tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân, đào tạo lực lượng nghệ sĩ, diễn viên trẻ kế cận, nghiên cứu đổi mới sáng tạo nội dung, hình thức thể hiện các tác phẩm, có chính sách thu hút nhân tài… Trước mắt năm 2020 này, Hải Phòng sẽ tăng chỉ tiêu biên chế thêm 30 suất cho 5 đoàn nghệ thuật để bổ sung vào lực lượng diễn viên đang rất mỏng. Trong quá trình thực hiện Đề án, Hải Phòng cũng đã giải quyết việc thiếu nhân lực bằng cách điều tiết diễn viên ở nhiều nơi cùng tham gia dàn dựng một chương trình để đáp ứng yêu cầu với những tác phẩm cần đông người. Một số chương trình, vở diễn như Thành phố Mặt trời lên của Đoàn Ca múa; Một truyền tích Hoa Phượng, Giấc mơ ếch xanh của Đoàn Múa rối; Tôi và chúng ta của Đoàn Kịch nói; Huyền thoại Bà Đế của Đoàn Cải lương có sự tham gia của các đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng từ TƯ và Hà Nội, tạo thêm được sự phong phú và hấp dẫn.
Giữ nguyên cả 5 đoàn nghệ thuật, mạnh dạn đầu tư và phát triển Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”, tạo cơ hội và động lực cho nghệ sĩ cống hiến…, có thể nói, Hải Phòng không chỉ tìm được hướng đi đúng cho nghệ thuật kịch hát dân tộc mà giúp tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật lành mạnh cho người dân. Sự quan tâm và đầu tư hiệu quả đã giúp cho các đoàn nghệ thuật công lập ở thành phố Cảng hồi sinh và phát triển ở một tầm cao mới.
THÚY HIỀN
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.127127 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98753 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95543 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93976