“Bên dòng Long Khốt”: Vở cải lương xuất sắc về đề tài chiến tranh biên giới

“Bên dòng Long Khốt”: Vở cải lương xuất sắc về đề tài chiến tranh biên giới

15/12/2022
709 Lượt xem

(CLV) – Vừa qua, tại Liên hoan Cải lương toàn quốc, vở cải lương “Bên dòng Long Khốt” về đề tài chiến tranh biên giới đã đạt giải xuất sắc. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Toàn Thắng, tác giả kịch bản “Bên dòng Long Khốt“, để hỏi về những chuyện hậu trường…

Xin chia vui với nhà văn. Cảm xúc của ông như thế nào khi đứa con tinh thần của mình đạt giải cao nhất trong liên hoan sân khấu chuyên nghiệp?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Tôi vui, nhưng để nói thật lòng, thì chỉ một phần nhỏ là do vở diễn đạt giải. Phần lớn niềm vui của tôi là ở chỗ, tôi đã làm được một điều gì đó cho các chú, các anh, những người đã quên thân mình cho Tổ quốc, bằng khả năng còn hạn chế của mình. Bởi vì, như một nhà thơ người Pháp đã viết, Tổ quốc được dựng lên bằng xương máu tiền nhân.

Xin chia sẻ cảm xúc này với nhà văn. Ông đã xây dựng kịch bản này như thế nào? Bởi theo như chúng tôi được biết, đây rõ ràng là một đề tài rất khó?

Bên dòng Long Khốt: Vở cải lương xuất sắc về đề tài chiến tranh biên giới - ảnh 1

“Bên dòng Long Khốt” là đề tài hiếm hoi về chiến tranh biên giới, đã đạt giải xuất sắc.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Trước đó ít tháng, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên có đặt vấn đề về kịch bản này, cũng nói rõ đây là chủ trương của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An. Đạo diễn cũng nói đây là đề tài khó, nên muốn tôi viết kịch bản. Chúng tôi cũng đã hợp tác với nhau nhiều năm, nên hoàn toàn hiểu ý nhau. Đạo diễn cũng nói thêm rằng, phải khai thác làm sao cho vừa đủ độ. Vừa nói được tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước, sự dũng cảm cũng như tình người của bộ đội tình nguyện Việt Nam.

Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với nhau, việc của tôi là đem tất cả những ý đồ đó thành kịch bản văn học. Tôi nói với đạo diễn Triệu Trung Kiên rằng sẽ cố gắng hết sức, bắt đầu từ một câu chuyện thật. Là khi người dân Campuchia bị dồn ép đến bước đường cùng, bắt buộc phải chạy trốn sang phía Việt Nam, có một đoàn người đem theo một con voi. Câu chuyện này tôi đọc ở đâu đó, nhưng lại rất ấn tượng. Bởi nó nói được sự thiện lương của người dân. Và tôi bắt đầu kịch bản từ câu chuyện đó. Lại càng làm cho kịch bản này khác hẳn với những kịch bản mà tôi đã từng viết.

Cũng rất vui, vì sau đó hai diễn viên đảm nhiệm nhân vật con voi con đạt giải thể hiện hình tượng xuất sắc. Đó là một giải đột xuất của Liên hoan, nhằm tôn vinh những sáng tạo của diễn viên. Và khi giải quyết xong nút thắt này, tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng kịch bản.

Được biết là nhà văn đã vào Long An để cùng làm việc với đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên. Có phải do ông quá lo lắng cho vở diễn này?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Đúng vậy. Thật ra nỗi lo ấy của đạo diễn nhiều hơn. Triệu Trung Kiên có nói với tôi là rất lo, bởi lần này Long An là chủ nhà, nếu vở diễn không tốt thì quả thật cũng không ổn lắm. Bởi lần này, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An chủ trương giao vai cho dàn diễn viên trẻ. Họ rất tài năng, nhưng rõ ràng là chưa được cọ xát với những liên hoan tầm cỡ toàn quốc. Nên ngay khi thu xếp xong việc, tôi vào Long An, cùng làm việc với đạo diễn. Nhưng ngay buổi đầu tiên theo dõi đạo diễn làm việc, tôi gần như không lo lắng gì nữa.

Triệu Trung Kiên có cách làm việc rất khoa học. Anh phân tích tâm lý nhân vật cho diễn viên rất kỹ, để họ sống với nhân vật, để nhân vật chính là mình. Còn tôi, với vốn hiểu biết còn hạn hẹp của mình, thì giúp đạo diễn trong việc đẩy những câu thoại lên một tầm mới. Chúng tôi làm việc với nhau ăn ý. Tôi gần như không quan tâm đến việc dàn dựng, bởi đó là chuyên môn của đạo diễn, mà chỉ xem với tư cách người khán giả đầu tiên. Chỗ nào thấy gờn gợn, sau buổi tập, tôi góp ý thẳng với đạo diễn.

Bên dòng Long Khốt: Vở cải lương xuất sắc về đề tài chiến tranh biên giới - ảnh 2

Từ trái qua phải: Phó đạo diễn Mai Thắm, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng và đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, nhưng người góp phần làm nên “chiến thắng” của vở diễn.

Tất nhiên là có tranh cãi, thậm chí còn gay gắt, nhưng tất cả chỉ để cho vở diễn ngày một tốt hơn. Và cho đến khi đạo diễn hoàn thành xong đường dây vở diễn, tôi bắt đầu thấy yên tâm gần như hoàn toàn.

Cũng có ý kiến cho rằng “Bên dòng Long Khốt” không mạnh mẽ, quyết liệt như điều người ta mong muốn về một vở diễn về đề tài chiến tranh? Là tác giả kịch bản, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Thú thật là tôi ít khi quan tâm đến những ý kiến về những tác phẩm của mình. Bởi đối với tôi, khi đã là vở diễn, người ta có quyền nhận xét. Tôi chỉ biết làm tốt nhất công việc của mình. Nhưng nếu để trả lời một cách đầy đủ nhất, thì tôi phần nào đồng ý. Bởi vì, bản thân chiến tranh đã quá tàn khốc, nên ngày hôm nay, việc đem hết những sự tàn khốc ấy lên sân khấu là điều tôi không muốn làm.

Điều tôi muốn nói, là chiến tranh lại là cái cớ để tình người được nở rộ như hoa đúng mùa. Những lúc cam go nhất, con người ta lại đoàn kết với nhau, yêu thương nhau. Nhất là lại là nhân dân hai nước, cách nhau chỉ một dòng sông Long Khốt. Nếu không có chiến tranh, dòng sông ấy lại là nơi nhân dân hai bên gặp gỡ, như câu hát mà tôi viết cho anh bộ đội Việt Nam đóng quân ở đồn biên phòng Long Khốt: “Anh bên này Long Khốt/ Em bên kia Long Khốt/ Anh thiệt tình rất dốt/ Không dám tới ngỏ lời”.

Còn nếu xem kỹ, thì vở diễn này khốc liệt lắm đấy. Có hy sinh của bộ đội tình nguyện, có sự ra đi của cô gái Khme trong trẻo vô ngần, có nạn diệt chủng. Và có cả cái chết của chú voi con Xô Van. Nhiều người khi xem xong nói với tôi, cảnh con voi bị quân Khme Đỏ giết làm họ dâng cảm xúc lên đến tận cùng. Có điều, tôi và đạo diễn Triệu Trung Kiên thống nhất với nhau rằng đây là một vở kịch hát, nên cách gì cũng phải làm cho thật lãng mạn. Sự lãng mạn vượt lên trên cái khốc liệt của chiến tranh, để khán giả thấm thía được cái giá của hòa bình.

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Toàn Thắng. Chúc nhà văn ngày càng có nhiều tác phẩm sân khấu xuất sắc hơn nữa.


"Thầy Ba Đợi" – hòa điệu cải lương hai miền

Vở “Thầy Ba Đợi” được xem là công trình kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương của nghệ sĩ hai miền Nam – Bắc Vở “Thầy Ba...

“Dòng xoáy nghiệt ngã” tiếp tục lên sàn tập cải lương

(CLV) – Chiều 6.4, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) đã chính thức lên sàn tập vở Dòng xoáy nghiệt ngã. Dòng xoáy nghiệt ngã của tác...

‘Ngàn năm mây trắng’: Sức hút mãnh liệt của nghệ thuật truyền thống

(CLV) – Tối 9/10, vở “Ngàn năm mây trắng” được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và gây được tiếng vang lớn. Ngàn năm mây trắng là...

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: laodongthudo.vn

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *