(CLV) – Đa số khán giả trẻ không biết chị vì lâu rồi chị không xuất hiện trên sân khấu tại Việt Nam. Còn những người đã từng biết...
Bí mật cuộc đời “Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga”
(CLV) – Đêm 26/11/1978, diễn xong vở “Thái hậu Dương Vân Nga” ở rạp hát Cao Đồng Hưng, nữ nghệ sĩ Thanh Nga bước lên chiếc Volkswagen sơn màu xám nhạt. Chiếc xe này đưa chị ra đi vĩnh viễn vào lúc hơn 23h hôm ấy, sau phát súng quái ác của một kẻ lạ mặt, chấm dứt cuộc đời của một nhan sắc cải lương ở tuổi 36.
Hàng vạn khán giả Sài Gòn và giới nghệ sĩ cải lương rơi nước mắt, khóc một tài hoa từng làm rạng rỡ nền vọng cổ nói chung…
Sau cái chết của Thanh Nga, đã có quá nhiều giả thuyết được đưa ra. Và báo chí vẫn luôn lật lại những trang hồ sơ ngõ hầu lý giải một phần đời của người phụ nữ tài hoa bạc mệnh này.
Một bộ phim tài liệu về nữ nghệ sỹ cải lương Thanh Nga sẽ được Trung tâm Băng nhạc Lạc Hồng phát hành dưới dạng DVD vào trung tuần tháng 6/2007. Đây được coi là một phim tư liệu công phu nhất, tái hiện cả một thời đoạn trong lịch sử sân khấu cải lương Nam Bộ, thông qua nhân vật chính là nữ nghệ sỹ Thanh Nga – một hiện tượng đặc biệt của sân khấu Việt Nam.
Bộ phim bắt đầu từ tuổi lên 10 của Thanh Nga, khi ấy chị bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa – dưỡng phụ của Thanh Nga – làm bầu gánh.
Nhờ Nhạc trưởng Út Trong của Đoàn Thanh Minh rèn luyện cho nhiều bài bản cổ nhạc, Thanh Nga được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt khi mới 8 tuổi, bắt đầu chính thức diễn trên sân khấu qua vai đào con trong các tuồng như: “Phạm Công Cúc Hoa”, “Đồ Bàn Di Hận”, “Lửa Hờn”… Biệt hiệu “Thần đồng Thanh Nga” có từ giai đoạn này. Rèn luyện cho chín muồi, chị bước vào vai chính đầu tiên lúc 16 tuổi: Vai sơn nữ Phà Ca trong vở tuồng “Người vợ không bao giờ cưới”…
Những nghệ sĩ bậc thầy như Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, cô Ba Thanh Loan đã nỗ lực dìu dắt Thanh Nga. Chị đã gây ấn tượng sâu đậm trong giới mộ điệu qua những vai diễn như Xuân Tự trong vở “Áo cưới trước cổng chùa”, Giáng Hương trong vở “Sân khấu về khuya”, Diệp Thúy trong vở “Đôi mắt người xưa”, Uyên trong vở “Ngã rẽ tâm tình”, Trinh trong vở “Con gái chị Hằng”, Mía trong vở “Bọt biển”…
Chính lối ca chân phương và cách diễn thật thà, chân chất đã đưa Thanh Nga bước thẳng đến đài vinh quang, trở thành nghệ sĩ đoạt Huy chương vàng đầu tiên của Giải Thanh Tâm ở tuổi 16.
Sau thành công rực rỡ với vai diễn đầu tiên trong phim nhựa màu “Đôi mắt người xưa” hồi đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Thanh Nga đã trở thành một trong những minh tinh màn bạc xuất sắc ở miền Nam trước năm 1975.
Rồi Thanh Nga trở thành một trong những diễn viên xuất sắc ở miền Nam và là diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Á Châu tổ chức năm 1973 tại Đài Bắc với vai cô gái Huế trong phim “Nắng chiều”, là đại diện gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969, được Thủ tướng Indira Gandhi đón tiếp.
Thanh Nga in đậm trong trí nhớ khán giả qua phim “Loan mắt nhung” của đạo diễn Lê Dân.
Sau giải phóng miền Nam, trả lời phỏng vấn trên báo chí tại TP HCM và Hà Nội, Thanh Nga đã có lần bày tỏ ước muốn được tham gia diễn xuất trong những vai diễn của nền điện ảnh cách mạng. Có những đạo diễn miền Bắc đã lên kế hoạch mời Thanh Nga đóng phim như đạo diễn Trần Phương, đạo diễn Hải Ninh…
Sự ra đi đột ngột và vĩnh viễn của Thanh Nga đã làm cho cơ hội thử sức những vai diễn của nền điện ảnh xã hội chủ nghĩa không còn. Sau năm 1975, Thanh Nga chỉ kịp xuất hiện trong 2 bộ phim sân khấu hóa là “Làm lại cuộc đời” và “Tiếng trống Mê Linh”.
Nếu giải Thanh Tâm đưa “Phà Ca” sáng lên như ngôi sao mới mọc (1958), thì cũng đưa vào đời một Thanh Nga bắt đầu biết mộng mơ biết làm thơ. Và những lời đồn đại, cả giấy mực viết ra, là có thật về chuyện Thanh Nga có người yêu đi vào chiến khu theo cách mạng, tâm đầu ý hợp với anh chàng bạn diễn Út Hậu, hay mối tình thầm kín của Thanh Nga và soạn giả Hà Triều năm 18 tuổi…
Mối tình thầm kín của Hữu Phước dành cho Thanh Nga, đến ngày trở thành đôi tình nhân đẹp trên sân khấu với nghệ sĩ Thành Được, cuộc hôn nhân tan vỡ đầu tiên với người đàn ông tên Mẫn…
Hồng nhan bạc phận, Thanh Nga phải sống những ngày đoạn trường và đối mặt với dư luận cay nghiệt của một đời nghệ sỹ. Từ chỗ tưởng như ngã quỵ, Thanh Nga chỉ còn tình yêu sân khấu, thành công nối tiếp thành công đã giúp cô đứng lên với một người bạn bên cạnh, tay trong tay đến giờ phút cuối cùng trong cuộc đời, đó là ông Phạm Duy Lân.
Thanh Nga và chồng từng có những ngày rất hạnh phúc. Sau ngày sinh đứa con trai đầu lòng (và cũng là duy nhất) Phạm Duy Hà Linh, năm 1973, vợ chồng Thanh Nga về ở đường Ngô Tùng Châu từ năm 1974. Đó cũng là nơi ông Lân mở văn phòng luật sư riêng và hoạt động điện ảnh của Thanh Nga nhộn nhịp với nhiều thành công.
Thử nhìn lại những chặng đường nghệ thuật của nữ nghệ sĩ tài hoa, nhan sắc này: Một Thanh Nga điệu nghệ bên cạnh má Bảy Phùng Há trong vở “Phụng Nghi Đình”, với Thanh Sang trong vở “Bên cầu dệt lụa”, hoặc xuất hiện cùng Hữu Phước, Hương Lan trong vở “Giữa chốn bụi hồng”…
Nhiều người mến mộ chị bởi dáng dấp mảnh mai đài các và bởi giọng ca “chiêu hồn” một thuở, giọng ca rất tự nhiên mới là đặc biệt. Nó không mùi mẫn, cũng không sướt mướt khóc than. Thế mà khi chị ngân, cách rung ở làn hơi lại nghe buồn như tiếng khóc.
Theo nhận định của giới nghiên cứu kịch trường, thì trong 36 năm sống, Thanh Nga đứng dưới ánh đèn màu ngót 28 năm.
NSƯT Bạch Tuyết tâm sự: “Giấc mơ về chị vẫn luôn có trong tôi, từ ngày còn là một khán giả nhỏ. Lời khuyên của chị ngày nào đối với tôi như một định mệnh. Tôi bước vào nghệ thuật và trở thành nghệ sĩ. Cả trong đời thường, tôi vẫn len lén mải mê quan sát chị. Thanh Nga là người chẳng bao giờ phải ồn ào, không phải hoạt náo để bày tỏ vị trí ngôi sao lớn, chị cũng không sa vào chuyện hậu trường của bất kỳ ai nhưng đầy đủ ân cần với cả đồng nghiệp và khán giả”.
Ông Thanh Tâm, tác giả kịch bản cho biết, để thực hiện bộ phim tư liệu này là cả một quá trình tìm hiểu và sưu tập rất công phu về những sự kiện. Công cuộc tìm kiếm và xử lý các tư liệu vô cùng rộng và hiếm, có những lúc tưởng chừng như thất bại vì những gì còn lại của nữ nghệ sĩ Thanh Nga quá ít và lại quá hiếm do những biến động thuộc về lịch sử và về nhiều nguyên nhân khó khăn khác…
Chỉ tính riêng công việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu… cũng kéo dài hơn 10 năm. NSƯT Bạch Tuyết là người đọc lời bình cho bộ phim. Doanh thu của bộ phim này sẽ được tặng cho những nghệ sĩ già neo đơn, không nơi nương tựa…
Ở thời điểm gần như không còn đi diễn, nhưng hễ nhắc đến nghề, nghệ sĩ Hà Linh lại nói say sưa với sự đam mê không ngôn từ...
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.137831 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98864 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95684 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94132
Để lại một bình luận