Bích câu kỳ ngộ

625 Lượt xem
·
·
01/10/2017

Bích Câu kỳ ngộ (chữ Hán: 碧溝奇遇, Cuộc gặp gỡ lạ lùng ở Bích Câu) là truyện Nôm của Việt Nam, dài 678 câu thơ lục bát, kể về sự tích một người học trò tên là Trần Tú Uyên gặp nàng Giáng Kiều ở đất Bích Câu (Bích Câu có nghĩa là ngòi biếc, nay thuộc thành phố Hà Nội).

Giới thiệu sơ lược

Bích Câu kỳ ngộ nguyên là một tiểu thuyết bằng chữ Hán, xuất hiện trong tập Truyền kỳ tân phả của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748). Có người cho rằng tập truyện này là của Đặng Trần Côn (? -1745), nhưng học giả Trần Văn Giáp dựa vào nhiều tài liệu lại khẳng định là của Đoàn Thị Điểm.

Truyện thơ Bích Câu kỳ ngộ tuy chỉ là bản dịch ra chữ Nôm, song do thành công về nghệ thuật nên được phổ biến rộng rãi hơn so với nguyên bản.

Theo Dương Quảng Hàm thì phần nhiều các truyện Nôm cũ của Việt Nam thường mượn sự tích ở sử sách hoặc tiểu thuyết của Trung Quốc, nhưng truyện Bích Câu thì không thế, tức nội dung hoàn toàn là của Việt Nam.

Lược truyện

Bích Câu kỳ ngộ là một câu chuyện truyền kỳ xảy ra dưới triều Hồng Đức nhà Lê (tức thời vua Lê Thánh Tông, ở ngôi từ năm 1460 đến 1497).

Theo GS. Dương Quảng Hàm thì truyện này có thể chia làm 4 hồi và có nội dung đại để như sau:

Hồi I. Tú Uyên gặp Giáng Kiều, về ốm tương tư:

Tú Uyên, một thư sinh nghèo, cha mẹ mất sớm. Một lần đến Bích Câu, thấy phong cảnh đẹp bèn làm nhà ở đấy học. Một hôm nhân tiết xuân, Tú uyên đi chơi hội chùa Ngọc Hồ, nhặt được một chiếc “lá hồng” có đề một câu thơ. Chàng định họa lại thì thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp trước cửa tam quan, liền đi theo, nhưng đình Quảng Văn thì thiếu nữ bỗng biến mất. Về nhà, chàng ngày đêm tưởng nhớ người đẹp đến sinh bệnh.

Hồi II. Tú Uyên kết duyên cùng Giáng Kiều:

Một người bạn học là Hà sinh đến thăm, khuyên chàng không nên tơ tưởng nữa, nhưng Tú Uyên vẫn không sao quên được. Chàng đến đền Bạch Mã bói thẻ. Đêm ấy, chàng nằm mộng thấy một vị thần dặn sớm mai ra đợi ở Cầu Đông. Hôm sau, Tú Uyên ra cầu đứng đợi đến chiều tối, thì thấy có một ông lão bán tranh tố nữ mà hình dạng giống hệt người thiếu nữ đã gặp hôm trước. Chàng liền mua bức tranh về treo ở thư phòng. Cứ đến bữa ăn, dọn hai cái bát, hai đôi đũa, mời người trong tranh cùng ăn.

Một hôm Tú Uyên bận việc ở trường nên về muộn. Về nhà thấy có một mâm cơm thịnh soạn bày sẵn, chàng lấy làm lạ nhưng vẫn ngồi vào ăn. Hôm sau chàng giả bộ đi đến trường, nhưng đi được một quãng liền quay trở lại nhà, nấp vào một chỗ. Một lát sau, một thiếu nữ từ trong tranh bước ra lo việc bếp núc, nhà cửa. Tú Uyên mừng rỡ, bước ra chào hỏi. Thiếu nữ cho biết tên là Giáng Kiều, vốn là người cõi tiên, vì có tiền duyên với chàng nên xuống hạ giới. Nói rồi, nàng hóa phép ra lâu đài nguy nga với đầy đủ người hầu hạ.

Hồi III. Giáng Kiều giận Tú Uyên bỏ đi, sau lại trở về:

Vợ chồng sống hạnh phúc trong ba năm, thì Tú Uyên đâm ra rượu chè say sưa. Giáng Kiều khuyên can nhưng vô hiệu, bèn bỏ đi. Đến lúc tỉnh rượu, Tú Uyên hết sức đau khổ và hối hận. Một hôm vì tuyệt vọng, chàng định quyên sinh thì Giáng Kiều bỗng hiện về tha lỗi cho chồng. Hai người lại sống với nhau mặn nồng hơn xưa.

Hồi IV. Tú Uyên và Giáng Kiều lên cõi tiên:

Sau hai vợ chồng có được một con trai, đặt tên là Chân Nhi. Nghe lời Giáng Kiều, Tú Uyên học phép tu tiên. Một hôm sau khi dặn dò Chân Nhi ở lại cõi trần, hai vợ chồng cùng cưỡi hạc bay lên cõi tiên.



Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung liên quan

12:21
Phàn Lê Huê Phá Hồng Thủy Trận
03/02/2024
·
1782 Lượt xem
12:21
Tứ Tử Đăng Khoa
03/02/2024
·
274 Lượt xem
12:21
Anh hùng chiêu anh quán
19/09/2023
·
6159 Lượt xem
12:21
Kim Hồ Điệp
06/09/2023
·
2717 Lượt xem
12:21
Trảm Trịnh Ân
24/08/2023
·
1908 Lượt xem