Bức ngôn đồ Đại Việt

Bức ngôn đồ Đại Việt

Chưa phân loại
17/12/2019
771 Lượt xem

Hai mươi bảy năm, sau lần bị quân dân nhà Trần đánh tan tác hơn 50 vạn quân, giặc Nguyên Mông lại xâm lăng Đại Việt lần thứ hai. Thái tử Thoát Hoan nhận chức Trấn Nam Vương, theo sách lược của Minh Lý Tích Ban, dùng kế “chiết chi phạt mộc”, “nội công ngoại kích” để mong thu phục nước ta. Một trong những âm mưu quan trọng của chúng là tiến hành việc gây chia rẽ trong hoàng tộc nhà Trần, nhử món mồi phú quý vinh hoa để lung lạc và mua chuộc các quan lại. Lúc này Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và Sứ thần Trần Di Ái đã thuận lòng theo giặc.

Minh Lý Tích Ban cũng dùng của cải mua chuộc được Vương Gia Trần Kiện. Trần Kiện có một tướng quân dưới trướng là Nguyễn Phục văn võ song toàn, lại bôn ba khắp nơi từ nhỏ nên thông thạo đường lối của mọi miền đất nước. Tích Ban biết rằng Nguyễn Phục chính là người có đủ khả năng thảo bức Ngôn Đồ Đại Việt trong đó vừa có những yếu tố địa lý, vừa có cả sách lược của nhà Trần kháng Nguyên, mà chủ yếu là những chiến thuật của Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh đã họp bàn trên bến Bình Than. Có được bức Ngôn Đồ, giặc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc xâm lược nước ta.

Để dễ mua lòng Nguyễn Phục, Tích Ban bày kế cho Trần Kiện nhận Bảo Trâm – một nữ nô làm con nuôi rồi mang nàng gả cho Nguyễn Phục – hầu trói buộc Phục bằng nghĩa tình gia tộc và bả phú quý vinh hoa.

Nguyễn Phục có cha là Nguyễn Địa Lô đã lưu lạc hơn 10 năm không gặp. Nay Địa Lô là nô bộc tâm phúc của Trần Hưng Đạo. Ngày ông nhận được tin con cũng là ngày ông biết Phục đã phản bội. Quá đau đớn và giận dữ, ông đã giết chết kẻ đưa tin và vì thế mang trọng tội vì giết người mà chưa tra xét phân minh. Song Trần Hưng Đạo hiểu lòng ông, tha cho án tử. Tuy nhiên, Hưng Đạo Vương không phê chuẩn lời tâu của Địa Lô cho ông đi truy tìm Nguyễn Phục để lấy lại bức Ngôn Đồ, không để nó rơi vào tay giặc.

Nhưng Địa Lô bất kể quân pháp, bắt trộm ngựa lên đường tìm đứa con phản nghịch. Trên đường đi ông kiệt sức ngã ngất tại doanh trại của quản quân Nguyễn Thế Lộc.

Lại nói về Nguyễn Phục vì lóa mắt trước lợi danh đã đồng ý nộp cho giặc bức Ngôn Đồ. Song Bảo Trâm dẫu rất yêu chồng cũng không thể nhắm mắt để cho chồng phạm tội. Trong đêm nàng lén lấy trộm bức Ngôn Đồ. Việc bị phát giác, Trần Kiện và Minh Lý Tích Ban buộc Phục phải tự tay giết vợ để tỏ rõ lòng trung. Nguyễn Phục lòng đầy đau đớn và cay đắng, không biết tính lẽ nào. Giết vợ thì chàng không nỡ mà quay về nẻo chánh đường ngay thì đã muộn mất rồi.

Vừa may lúc ấy quân của Nguyễn Thế Lộc kịp đến giải vây cho Bảo Trâm. Tích Ban, Trần Kiện và Nguyễn Phục dẫn tàn quân tháo chạy. Đến biên giới Phục bỗng hồi tỉnh. Sự kiên cường của Bảo Trâm đã đánh thức lương tâm chàng. Phục nhất quyết không giao bức Ngôn Đồ, chàng giết được Tích Ban song cũng bị Trần Kiện chém trọng thương.

Phút cuối cuộc đời, trong lúc quân ta đang thắng giặc khắp nơi, kẻ phản bội Nguyễn Phục đã được cha già tha thứ tội và vợ chàng cũng mở rộng vòng tay đón linh hồn chàng trở lại với quê cha đất tổ, dù rằng linh hồn lầm lạc ấy đã vĩnh viễn rời khỏi thế gian.


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *