Các nhà hát ‘bắt tay’ đưa làn gió mới vào sân khấu

Các nhà hát ‘bắt tay’ đưa làn gió mới vào sân khấu

Chưa phân loại
14/09/2020
537 Lượt xem

Ở Việt Nam, mỗi nhà hát đều có đặc thù riêng nhưng khi họ bắt tay kết hợp các loại hình nghệ thuật trên cùng một sân khấu lại là “món lạ” – “ngon, hay dở” còn tuỳ vào khán giả nhưng đó là sự chuyển mình đáng ghi nhận.

Rút ngắn khoảng cách giữa sân khấu và khán giả

Ngày 18/9 tới đây Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ chính thức khởi công vở diễn Cây gậy thần mở màn cho dự án Huyền sử Việt (dự án phản ánh những huyền thoại về tứ bất tử, bốn vị thánh trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam, được xây dựng thành 4 kịch bản: Chử Ðồng Tử, Tiên Dung; Tản Viên Sơn Thánh; Phù Ðổng Thiên Vương và Công chúa Liễu Hạnh. Trong năm 2020, dự án tập trung thể hiện hình tượng Chử Ðồng Tử.. Hai loại hình nghệ thuật là xiếc và cải lương kết hợp với nhau nhằm tạo ra sự mới mẻ cũng hy vọng sẽ thu hút khán giả đến với sân khấu.

NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải Lương Việt Nam cho biết ban đầu, khi mới lên ý tưởng hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc trong một vở diễn, anh cũng rất lo lắng. Nhưng qua buổi diễn thử nghiệm, khán giả rất thích thú, giới chuyên môn cũng nhận xét tích cực khiến anh và ê kíp sáng tạo yên tâm, tự tin hơn.

Các nhà hát 'bắt tay' đưa làn gió mới vào sân khấu

NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng.

Về dự án kết hợp xiếc và cải lương lần này, NSND Triệu Trung Kiên cũng vẫn mong muốn tạo ra khác biệt cho khán giả khi thưởng thức một vở diễn có hai loại hình nghệ thuật kết hợp. “Cái lợi là diễn viên cải lương sẽ tiếp cận được những kỹ năng phụ trợ do xiếc giúp đỡ. Ngược lại diễn viên xiếc có cơ hội tiếp cận diễn viên cải lương để nâng cao tính sân khấu, cách diễn xuất. Việc bổ trợ nhằm cộng sinh, cộng hưởng cho nhau, tạo ra những điều mà khán giả chưa được thấy, chưa được xem”, NSND Triệu Trung Kiên nói.

Chia sẻ về dự án, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Nếu đưa một sản phẩm cải lương biểu diễn tại Rạp Xiếc Trung ương thì thực sự đó là không gian mới cho các nghệ sĩ. Ngay việc kết hợp cũng đã gợi ra sự tò mò cho khán giả bởi sự lạ và khác. NSND Tống Toàn Thắng cũng bày tỏ, trước đây từng có tác phẩm xiếc lồng ghép, mang tính chất kịch, thoại, song chưa hẳn thành một vở diễn có nội dung về ca, ở đây là ca cải lương”.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho hay, có thể thấy trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang thiếu khán giả, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cách thức làm mới này đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa sân khấu và khán giả hiện nay.

NSND Triệu Trung Kiên nói: “Bằng cách kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong một vở diễn sân khấu, những người thực hiện có thêm nhiều đất để thử sức, để khám phá và thỏa mãn khả năng sáng tạo của mình. Đối với các nghệ sĩ biểu diễn sự kết hợp này sẽ mang đến cơ hội để họ được cọ xát, giao lưu với các đồng nghiệp ở nhiều loại hình nghệ thuật khác. Song đây cũng là thách thức buộc họ phải học hỏi và khám phá, đa dạng hóa năng lực diễn xuất của bản thân. Nghệ thuật là sáng tạo, đòi hỏi sự dấn thân, cái mới có rủi ro nhưng cũng đầy hứa hẹn sự bất ngờ thú vị cho sân khấu”.

Xẩm, Chèo, Cải Lương, Xiếc… trong cùng một vở diễn

Mới đây lần đầu tiên trên sân khấu Việt Nam vở kịch Ngàn năm mây trắng lấy cảm hứng từ nàng Tô Thị, hòn Vọng Phu có sự kết hợp độc đáo giữa 4 loại hình sân khấu truyền thống: cải lương, chèo, xẩm và hát văn Huế. Vở diễn là sự kết hợp giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam cùng một số nghệ sĩ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát VOV.

Các nhà hát 'bắt tay' đưa làn gió mới vào sân khấu

Cảnh trong vở ‘Ngàn năm mây trắng’.

Theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng là những không gian, những câu chuyện được kể lại mang tính tự sự và mỗi không gian được xử lý dưới một hình thức sân khấu riêng của từng loại hình sân khấu truyền thống. Khi nàng Tô Thị được tin chồng mất qua lời kể của người em kết nghĩa được các nghệ sĩ cải lương thể hiện với những làn điệu độc đáo như: Chiêu quân, Vọng cổ, Lý chiều chiều, Hoài cổ.

Nàng Tô Thị lang thang đi tìm chồng ở một vùng sơn cước và gặp một gánh hát chèo được ông trùm gánh hát chèo kể lại câu chuyện về một người tưởng như là chồng nàng bằng hình thức sân khấu chèo dân gian với những làn điệu chèo cực độc đáo như: Vỉa ngâm, Lẩy Kiều, Bản Tiểu.

Không gian thứ ba được thể hiện là Tô Thị đến một vùng cao gặp một bà già hát rong cùng một đứa bé và lại được nghe kể về một người đồn là chồng nàng với những làn điệu xẩm như: Xẩm ba bậc, Xẩm chợ, Ngâm sa mạc… Không gian cuối cùng là ngôi đền Tứ Phủ khi nàng và Trương Lỗ tới thì gặp cô Đồng với những làn điệu hát văn Huế như: Trống quân, Hát Tử vi…

Có thể nói sự khéo léo trong xây dựng tình huống hợp lý từ chuyện nàng Tô Thị trên đường đi tìm chồng, đi qua nhiều những vùng đất khác nhau, ở mỗi vùng lại gặp một loại hình nghệ thuật khác nhau… khiến người xem thích thú. Nhiều khán giả sau khi xem vở diễn không khỏi thán phục các nghệ sĩ, thậm chí, có người còn ví vở diễn là một “bữa tiệc” âm nhạc dân tộc với rất nhiều “món ngon”.

Tiếp sau đó, cải lương Nhật thực kết hợp múa hình thể, kịch mặt nạ, hát bội do Nhà hát thể nghiệm Thế giới trẻ phối hợp với sân khấu Sen Việt thực hiện…cũng là một sự kết hợp táo bạo, dám thay đổi của đơn vị nghệ thuật này.

Hay như trong quá trình xây dựng vở xiếc Phù thủy đại chiến, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mời ảo thuật gia Nguyễn Việt Hoàng (biệt danh Ảo thuật gia J) cộng tác để thực hiện tiết mục kết hợp giữa nghệ thuật ảo thuật với các màn đu dây trên không, nhào lộn, thăng bằng, tung hứng… của các nghệ sĩ xiếc.

Liên kết nghệ thuật, làm mới sân khấu mở ra hướng đi mới cho sân khấu liệu có phải là xu hướng tất yếu để sân khấu vẫn kéo được khán giả tới rạp trong thời buổi công nghệ 4.0?… Câu hỏi được đặt ra cho những người hoạt động lĩnh vực sân khấu nói riêng, lĩnh vực nghệ thuật nước nhà nói chung…

Tình Lê


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *