Cải lương: ‘Bọn trẻ tụi con nhiều đứa giỏi nhưng không gặp thời!’

Cải lương: ‘Bọn trẻ tụi con nhiều đứa giỏi nhưng không gặp thời!’

Chưa phân loại
10/11/2019
596 Lượt xem

“TP.HCM đang loay hoay, đầu tư cho cải lương một cách không chiến lược mà chỉ đầu tư cho từng chương trình, từng thời điểm”.

Trong đợt hoạt động mừng Trăm năm sân khấu cải lương tháng 12-2018, các suất diễn tái hiện những hình ảnh cải lương xưa của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang rất được khán giả thích thú - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong đợt hoạt động mừng Trăm năm sân khấu cải lương tháng 12-2018, các suất diễn tái hiện những hình ảnh cải lương xưa của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang rất được khán giả thích thú – Ảnh: DUYÊN PHAN

Đó là trăn trở của đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, tại tọa đàm Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương tại Sài Gòn (1955-1975) vào sáng 8-11 ở Hội Sân khấu TP.HCM.

Đó có lẽ cũng là một lý do để giới làm nghề cùng ngồi lại, nhìn về thời hoàng kim của cải lương và đối chiếu với hiện tại xem sân khấu cải lương hiện nay “bị gãy khâu nào”.

Nên viết thêm nhiều bài bản mới

Đạo diễn – NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng có nhiều yếu tố tạo nên sự bền vững của sân khấu cải lương nhưng yếu tố quan trọng là âm nhạc, bài bản. Dẫn lời nghệ sĩ Tám Danh – thầy mình, bà nói cải lương có âm nhạc mang tính chất tự sự, trữ tình và âm nhạc chính là bản sắc của cải lương.

Ngày xưa, tác giả Mộng Vân đã viết rất nhiều bài bản cải lương, thời đoàn cải lương Nam Bộ, các soạn giả cũng chú ý viết nhiều bài bản mới nhưng sau này ít đi, người ta lại đưa nhiều vào các bài lý. Vì vậy, theo bà Ca Lê Hồng, các tác giả nên đầu tư phát triển viết thêm nhiều bài bản mới phù hợp hơi thở cuộc sống hôm nay để góp phần phát triển sân khấu cải lương.

Ngay cả việc đưa tân nhạc vào cải lương, ông Trần Ngọc Giàu cũng có nhiều băn khoăn: “Có một nghịch lý là khi nhạc sĩ sáng tác nhạc mới trên nhạc cụ truyền thống của cải lương thì đa số các nhạc công cải lương không đánh được vì họ không đọc được bài, không được học ký âm…”.

Khôi phục Trung tâm nghiên cứu sân khấu cải lương?

Tại tọa đàm, NSƯT Lê Tứ bày tỏ tâm tư: “Nhiều nghệ sĩ thế hệ trước gặp gỡ chúng tôi nói rằng: Bọn trẻ tụi con nhiều đứa giỏi, có khả năng nhưng không gặp thời! Nhưng không ít khán giả thường hay trách nghệ sĩ trẻ ca không hay bằng thế hệ trước. Điều đó đúng thôi. Trong thời hiện tại, bảo tụi tôi kiếm một vai để đời như các cô các chú đi trước là không bao giờ có”.

Về kịch bản cải lương, ông Trần Ngọc Giàu cho rằng vì thiếu kịch bản nên sân khấu cải lương hôm nay hay vay mượn từ kịch nói nhưng lẽ ra người chuyển thể phải biên tập lại kịch bản kịch nói rồi mới viết bài ca, thay vì chỉ đặt bài ca cho kịch bản kịch nói nên khó có thể hay.

Ông góp ý: “Tôi nghĩ chúng ta nên có những công trình nghiên cứu bút pháp của các soạn giả nổi tiếng như Trần Hữu Trang, Hà Triều – Hoa Phượng, Viễn Châu… để từ đó tổng kết, rút ra kinh nghiệm”.

Liên quan đến việc đầu tư cho phát triển cải lương, giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang – ông Trần Ngọc Giàu đưa ra một so sánh đáng lưu ý: Cải lương xuất phát từ vùng đất Nam Bộ và hình thành phát triển rực rỡ ở vùng đất Sài Gòn – TP.HCM, lan tỏa khắp cả nước. Nhưng sau giải phóng, cải lương quốc gia lại nằm ở… Hà Nội.

Nhà hát Cải lương VN được đầu tư rất nhiều trong khi Nhà hát Trần Hữu Trang là nhà hát cấp 2, nhà hát địa phương nên chế độ cho nghệ sĩ, lãnh đạo không bằng với Nhà hát Cải lương VN (được xếp loại 1). “Ở đây tôi không nói về quyền lợi mà nói về sự đầu tư để phát triển sân khấu cải lương” – ông Giàu nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cũng cho biết: “Năm năm nay tôi thiết tha với đề án khôi phục Trung tâm nghiên cứu sân khấu cải lương. Trên cơ sở nghiên cứu đó, chúng ta ứng dụng vào thực tế, thực tiễn, kiểm chứng qua khán giả xem cái gì người ta chấp nhận, cái gì không để từ đó có sự thay đổi”.

Theo soạn giả Đăng Minh, tính đến năm 1955, sân khấu cải lương đã vào khoảng 33 tuổi. Giai đoạn 1955 – 1975 là thời kỳ bộ môn nghệ thuật sân khấu độc đáo này phát triển toàn diện nhất từ hình thức sân khấu đến nội dung các vở diễn, phong cách nghệ thuật của mỗi đoàn hát…

Giai đoạn này cả miền Nam có hơn trăm đoàn hát lớn nhỏ từ nông thôn đến thành thị với nhiều trường phái, màu sắc khác nhau, trong đó có hai trường phái cơ bản là màu sắc, hương xa, kiếm hiệp, cổ trang và trường phái tâm lý xã hội.

LINH ĐOAN


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *