Cải lương qua một thế kỷ: Khi quê hương dâng tiếng

Cải lương qua một thế kỷ: Khi quê hương dâng tiếng

Chưa phân loại
30/01/2019
574 Lượt xem

Xin nói ngay quê hương ở đây là khí hồn sông núi đã quện chặt trong dòng ca nhạc kịch dân tộc – cải lương, loại hình nghệ thuật từng có những lúc vươn tới đỉnh cao thịnh vượng nhưng nay đang thao thức về dòng chảy tới tương lai.

Chương trình Vầng trăng cổ nhạc do HTV tổ chức.

Chương trình Vầng trăng cổ nhạc do HTV tổ chức.

Ở cột mốc ghi dấu hành trình một thế kỷ (1918-2018), nền cải lương cùng lúc chứng kiến nhiều hoạt động kỷ niệm.

Các đài phát thanh truyền hình, nhất là ở phía Nam, đồng loạt mở cửa những chương trình định kỳ cũng như không định kỳ của mình, với quy mô lớn hơn và sự đầu tư tập trung hơn. Như Đài truyền hình TPHCM có “Chuông vàng vọng cổ”, “Vầng trăng cổ nhạc”; Đài tiếng nói TPHCM có “Bông lúa vàng”; Đài phát thanh truyền hình Sóc Trăng có “Nhà nông tài tử tranh tài”; Đài phát thanh truyền hình Đồng Tháp có “Tài tử miệt vườn”…

Nhiều đơn vị biểu diễn, từ công lập đến xã hội hóa, cũng có sự đầu tư kỹ càng hơn cho các vở diễn để tham dự liên hoan sân khấu và đến với khán giả trong dịp đặc biệt này, như vở “Thầy Ba Đợi” có sự tham gia của nhiều thế hệ nghệ sĩ từ cả ba miền Bắc – Trung – Nam, hay vở “Thái hậu Dương Vân Nga” của sân khấu Lê Hoàng, vở “Rạng Ngọc Côn Sơn” của nhóm nghệ sĩ Kim Tử Long

Tại hàng loạt cuộc tọa đàm, hội thảo, các đơn vị chức năng văn hóa của nhà nước cùng các hội nghề nghiệp (sân khấu cải lương và những lĩnh vực liên quan), các nhà nghiên cứu và giới văn nghệ sĩ tiếp tục khẳng định, tôn vinh những giá trị của cải lương ở phương diện nghệ thuật lẫn tác động xã hội; mổ xẻ những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho nền cải lương; tìm kiếm những giải pháp để tiếp tục phát triển bộ môn nghệ thuật dân tộc này.

Tại TPHCM, sự kiện cải lương xuống phố đi bộ Nguyễn Huệ cùng một diện mạo tráng lệ và nội lực hùng hậu vào những ngày đầu năm 2019 đã thực sự thu hút sự quan tâm và để lại trong lòng người mộ điệu nhiều cảm xúc: tự hào, thổn thức lẫn hy vọng.

Tự hào vì cải lương không chỉ đặc sắc mà đã đi vào lòng người bao thế hệ. Thổn thức vì gốc rễ cải lương tuy đã bám chặt dưới lòng đất nhưng do gặp mây mù vần vũ nên cây không thể xanh tươi. Hy vọng bởi cải lương đã làm được cái điều: khiến người ta phải nhớ đến và không muốn đánh mất.

Báo chí và mạng xã hội thì liên tục truyền tin các sự kiện và đưa ra những góc nhìn về triển vọng của cải lương – bi quan có, lạc quan có. Phải nói hiếm có loại hình nghệ thuật dân tộc nào lại nhận được sự yêu thương và quan tâm đến vậy!

Theo dõi các trang mạng đăng tải ca cổ hay cải lương, người ta dễ thấy những mục đăng mới, nhất là có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng, nhanh chóng thu hút hàng ngàn rồi hàng chục hàng trăm ngàn lượt xem. Song song đó cũng có không ít bình luận nêu mối lo ngại cải lương đang chết dần khi sự chia cách với quá khứ vàng son cứ ngày càng dài thêm, khi người ta không tin thế hệ trẻ có thể giữ nổi những “thành quách” mà các thế hệ đi trước đã dựng nên cho nền cải lương.

Sự “trách cứ” cũng đã diễn ra suốt mấy thập kỷ kể từ sau khi kết thúc thời kỳ thịnh vượng gần nhất của cải lương vào khoảng nửa cuối thập niên 1990. Hàng loạt nguyên nhân đã được phân tích tại không ít cuộc hội thảo, từ vĩ mô (như thiếu chiến lược bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc, thiếu chuẩn đào tạo, thiếu sự chăm lo…) đến vi mô (thiếu sàn diễn, thiếu kịch bản…); từ khách quan (như sự va đập các giá trị cũ – mới trong xã hội, những thách thức của mô hình sân khấu kịch hát trong kỷ nguyên số và truyền thông đa phương tiện, hay áp lực cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí mới cùng sự đa dạng phương tiện nghe nhìn) đến chủ quan (ví như các đài truyền hình có thể dành một số khung giờ thuận lợi hơn cho người xem để phát sóng cải lương thay vì phần lớn đều phát vào những giờ quá khuya hoặc lúc trẻ em đi học, người lớn đi làm)…

Vậy mà cho tới cuộc hội thảo gần đây nhất vào cuối năm 2018 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, trong thư mời viết tham luận trước đó, ban tổ chức đã bày tỏ sự mong mỏi nhận được những “đề xuất giải pháp khả thi”, cả những “kiến nghị chính sách, cơ chế đặc thù cho cải lương” cùng những “đãi ngộ văn nghệ sĩ”. Có thể nhận ra mong muốn “chấn hưng sân khấu cải lương” của các cơ quan quản lý văn hóa nhưng giải pháp cũng như phương án triển khai cụ thể thì vẫn… mông lung.

Thông tin từ buổi họp mặt diễn ra mới đây giữa lãnh đạo TPHCM với giới văn nghệ sĩ, chính quyền thành phố sẽ vận động thêm kinh phí từ xã hội để có kế hoạch hỗ trợ tổ chức biểu diễn các vở diễn lớn đến với công chúng, dự kiến mỗi quí một lần. Trước mắt như thế cũng đáng mừng.

Nếu theo cách nhìn của một nghệ sĩ lão thành – “cải lương cũng chính là dòng sống”, thì với tính thích nghi cao vốn có của loại hình nghệ thuật này, hãy từng bước tạo điều kiện cho nó sống tốt, tin rằng nó sẽ tự biết cách tìm thấy chính mình trong dòng thời đại.

Điều đáng mừng nữa là các sân chơi ca cổ ở các tỉnh ĐBSCL vẫn thu hút đông đảo người chơi ở mọi độ tuổi, từ U10 đến U90! Và cho dẫu cải lương chưa vươn tới được một bộ phận khán giả trẻ, mới ở thị thành nhưng đối với họ, cải lương là cái gì đó “lạ mà quen”. Thật sự không biết dựa vào điều gì nơi một người có gần nửa thế kỷ coi cải lương nhưng tôi đã tin ngay nhận định này khi tình cờ bắt gặp trên báo. Phải chăng đó là thứ mà nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết gọi là “âm cảm nguồn cội”? Nếu đúng là vậy, đó chẳng phải là một yếu tố nền tảng cho niềm tin vào sự vực dậy cải lương hay sao?

Đặng Đào


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *