Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt (*): Cần sự quan tâm đúng mức

Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt (*): Cần sự quan tâm đúng mức

21/02/2023
816 Lượt xem

(CLV) – Đầu năm 2023 đến nay, sàn diễn cải lương tuồng cổ tại TP HCM liên tục sáng đèn nhưng để duy trì các suất diễn về đề tài lịch sử, các gánh hát rất cần sự hỗ trợ

Gần đây 3 vở sử Việt được dàn dựng mới trên sân khấu tuồng cổ như: “Má hồng soi kiếm bạc” (Sân khấu Ba thế hệ về với cội nguồn của NSƯT Kim Tử Long), “Thủy chiến” (Sân khấu Chí Linh – Vân Hà) và “Nguyễn Hữu Cảnh” (Nhà hát Trần Hữu Trang) cho thấy nỗ lực của các nghệ sĩ trong tìm kiếm kịch bản sử đáp ứng nhu cầu khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Nguồn nhân lực sáng tác kịch bản

Đa số các nghệ sĩ của sân khấu cải lương tuồng cổ đã từng đoạt HCV Giải Trần Hữu Trang, họ thuần thục vũ đạo, võ thuật, các bài bản tuồng cổ, trong số đó có các nghệ sĩ có thể làm tốt công tác biên tập, sáng tác, dàn dựng như: Bạch Long, Chí Linh, Bảo Kiếm, Cẩm Tâm, Hữu Huệ, Thanh Sơn, Công Minh, Chí Bảo… Lực lượng này rất cần quy tụ lại để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn mà theo gợi ý của tác giả Ngô Hồng Khanh, đặt hàng họ chuyển thể những kịch bản của cải lương, kịch nói thành cải lương tuồng cổ.

Trên thực tế, sân khấu đã từng có nhiều tác phẩm gây ấn tượng đặc biệt đối với khán giả như: “Rừng trúc” (Nhà hát Tuổi Trẻ), “Mỹ nhân và anh hùng”, “Thiên mệnh” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Ngàn năm tình sử” (Sân khấu IDECAF), “Nỏ thần” (Kịch Hồng Vân), “Tả quân Lê Văn Duyệt” (Nhà hát Kịch TP HCM)…

“Với sân khấu cải lương nói chung, tuồng cổ nói riêng, đề tài lịch sử luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc dựng kịch lịch sử cũng hết sức khó khăn, nếu làm không khéo cũng dễ sa vào việc minh họa lịch sử. Nếu lực lượng vừa kể trên được bồi dưỡng, tập huấn, họ sẽ đóng góp tích cực cho sàn diễn cải lương tuồng cổ nhiều kịch bản sử Việt hấp dẫn, giúp giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản cải lương tuồng cổ về đề tài lịch sử” – tác giả Ngô Hồng Khanh bày tỏ.

Theo các nhà chuyên môn, cần sớm có sự tiếp sức của nhà nước, đó sẽ là “bà đỡ” để những vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử luôn có một sức sống mới mẻ, chứa đựng tính thẩm mỹ – giáo dục cao và có khả năng chinh phục khán giả trẻ. Nếu không quyết liệt đầu tư cho nguồn nhân lực sáng tác ngay bây giờ thì sàn diễn của cải lương tuồng cổ ngoài số ít kịch bản sử Việt thì vẫn phải khai thác các nội dung của Trung Quốc như: Võ Tắc Thiên, Bao Công, Hoàn Châu công chúa, Lữ Bố; các nhân vật ăn khách của phim Trung Quốc như: Lan Lăng Vương, Anh hùng xạ điêu, Hoa Mộc Lan…

Kho tàng lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện, chân dung nhân vật nổi tiếng, cần có lớp tập huấn hay trại sáng tác giúp các tác giả biết cách khai thác chất liệu để có nguồn kịch bản hay. PGS-TS Trần Trí Trắc cho rằng với đề tài lịch sử, đòi hỏi nghệ sĩ phải am hiểu, nếu hư cấu quá sai lệch thì khán giả sẽ khó chấp nhận. Ông dẫn chứng một ví dụ gần đây, xem vở về Lê Lợi trả gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm nhưng Lê Lợi lại đứng trên cầu Thê Húc trong đêm trăng vàng. “Cầu Thê Húc xây dựng vào thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn, trong khi Lê Lợi ở thế kỷ XV thì làm sao đứng trên cầu Thê Húc để trả gươm thần? Hư cấu nhưng phi lịch sử, vở diễn sử sẽ bị khán giả phê phán, quay lưng” – PGS-TS Trần Trí Trắc nói.

Một hạn chế khác cũng hay xảy ra trong thời gian qua là không ít trường hợp âm nhạc cải lương tuồng cổ đã vay mượn âm nhạc từ các nước khác. Rất cần có lớp tập huấn, bồi dưỡng để các nhạc sĩ tham gia sáng tác cải lương tuồng cổ biết cách vận dụng âm nhạc ngũ cung của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. “Cố NSND Thanh Tòng khi ông sáng tác vở “Tô Hiến Thành xử án” đã đưa bài “Lý cây bông” – dân ca Nam Bộ – vào âm nhạc cải lương tuồng cổ, nên âm nhạc của vở diễn nghe rất ngọt mà cũng rất thuần Việt” – NSND Thanh Hải thông tin.

Cải lương tuồng cổ khát kịch bản sử Việt (*): Cần sự quan tâm đúng mức - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Rạng ngọc Côn Sơn” được NSƯT Kim Tử Long dàn dựng theo phong cách cải lương tuồng cổ

Tạo đầu ra cho vở sử Việt

Sân khấu cải lương tuồng cổ là đặc sản của đời sống văn hóa tại TP HCM, khi được chăm sóc tốt sẽ làm cho công chúng thêm hiểu, thêm yêu mến lịch sử nước nhà qua các vở diễn.

NSƯT Ca Lê Hồng đề xuất: “Cần có nhiều hình thức hỗ trợ đầu ra cho các vở diễn về sử Việt để lan tỏa mạnh mẽ hơn những thông điệp lịch sử đến với công chúng; chẳng hạn nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư dựng vở mới hay hỗ trợ giá vé cho các suất diễn ở vùng nông thôn”.

NSƯT Kim Tử Long – người rất tâm huyết với Sân khấu Ba thế hệ về với cội nguồn – cho biết: “Các vở diễn về đề tài lịch sử mà tôi đã dựng như “Rạng ngọc Côn Sơn” hay “Tiếng trống Mê Linh” có kinh phí dàn dựng rất cao, gấp đôi, thậm chí gấp 3 một vở diễn đề tài đương đại. Nếu các vở diễn về sử Việt có được hỗ trợ kinh phí dựng vở, thuê rạp, giảm giá vé… thì gánh hát sẽ giảm lỗ, khán giả cũng có cơ hội thưởng thức”.

“Vừa làm bầu vừa tổ chức phát hành vé, tôi gặp quá nhiều áp lực. Nếu có hỗ trợ đầu ra cho vở cải lương tuồng cổ sử Việt sẽ là động lực để lực lượng đạo diễn trẻ lao vào sáng tạo mới” – nữ đạo diễn trẻ Dương Kim Tiến bộc bạch.

Theo những người trong cuộc, sàn diễn cải lương tuồng cổ TP HCM rộ lên nhiều suất diễn đầu năm nhưng tuổi thọ của vở diễn ngắn, khó trụ đến suất thứ 3. Ðây là lý do mà các sân khấu xã hội hóa ngại chọn dựng mảng đề tài lịch sử vì mức đầu tư quá cao, mà khả năng thu hồi vốn là rất khó.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-2


Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt (*): Giải pháp để tuồng cổ thoát nguy

(CLV) – Theo các nhà chuyên môn, nhà nước cần có chính sách đãi ngộ hợp lý để cải lương tuồng cổ về đề tài sử Việt phát huy...

Cải lương cần liệu pháp mạnh để hồi sinh

(CLV) – Theo giới chuyên môn, cải lương cần quy hoạch phát triển lâu dài, nhà nước đầu tư vở diễn cho các đơn vị xã hội hóa để...

Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *