Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt

Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt

20/02/2023
1203 Lượt xem

(CLV) – Kịch bản về sử Việt trong cải lương tuồng cổ luôn truyền tải những thông điệp nhân văn, đầy tính giáo dục đến với công chúng nhưng xem ra kịch bản này ngày càng ít

Cách đây không lâu, nghệ sĩ Công Minh – người em trai thứ 9 của cố NSND Thanh Tòng đã tái dựng vở cải lương tuồng cổ “Tô Hiến Thành xử án”, thu hút đông người xem tại Nhà hát Trần Hữu Trang.

Viết không dễ

Sân khấu Huỳnh Long cũng có kế hoạch tái dựng vở “Mặt trời đêm thế kỷ” của cố soạn giả Bạch Mai viết về nhân vật Nguyễn Huệ. Trong số những vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử có sức lan tỏa rộng, phải kể đến những tác phẩm của hai thương hiệu lớn là Minh Tơ, Huỳnh Long như: “Câu thơ yên ngựa”, “Tô Hiến Thành xử án”, “Bức ngôn đồ Đại Việt”, “Bão táp Nguyên Phong”, “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Ngọn lửa Thăng Long”, “Anh hùng bán than”, “Trưng Nữ Vương”, “Má hồng soi kiếm bạc”, “Xuân về trên đỉnh Mã Phi”…

Đây không chỉ là những vở cải lương tuồng cổ mẫu mực mà còn là những bản anh hùng ca về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm và khát vọng bảo vệ hòa bình của dân tộc Việt Nam trên sân khấu của một bộ môn nghệ thuật đặc sắc.

Phần lớn những vở cải lương tuồng cổ về đề tài lịch sử đều được lấy cảm hứng từ những nhân vật có công lao, có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhiều bài học về công lao dựng nước, giữ nước, nhân sinh quan và phẩm chất tốt đẹp của những nhân vật lịch sử đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Theo những người trong cuộc, thời gian gần đây khó tìm được kịch bản hay về đề tài sử Việt, không ít diễn viên cải lương tuồng cổ chủ yếu là biểu diễn chứ không rành sáng tác. “Viết đề tài sử Việt không dễ. Câu chuyện về các nhân vật muốn có tính xung đột, hấp dẫn thì phải hư cấu, mà không am tường chính sử, hư cấu trật là rất nguy hại” – NSƯT Trường Sơn cho biết.

Nghệ sĩ Hữu Huệ góp thêm: “Viết kịch bản dựa theo sử Việt để có đủ “hỉ, nộ, ái, ố” và đúng đặc trưng của tuồng cổ là trình diễn vũ đạo và võ thuật có thể nói là rất khó”.

Cải lương tuồng cổ khát kịch bản sử Việt - Ảnh 1.

NSƯT Phượng Loan (trái) và nghệ sĩ Đức Lợi trong tác phẩm “Mặt trời đêm thế kỷ” của Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long năm 2001

Thiếu nhân sự kế thừa

Sân khấu cải lương đến nay đã có nhiều vở diễn hay, giá trị về đề tài lịch sử xoay quanh các nhân vật kỳ tài như: Quang Trung – Nguyễn Huệ, danh nhân Nguyễn Trãi với vụ án oan “Lệ chi viên”, Tả quân Lê Văn Duyệt, người thầy đáng kính Chu Văn An; danh sĩ Ngô Thì Nhậm…; các vở diễn khai thác những vương triều thịnh trị như: đời Lý, Trần hay những mốc chuyển giao có tính bước ngoặt trong lịch sử dân tộc liên quan đến các nhân vật nổi tiếng như: Dương Vân Nga, Lý Chiêu Hoàng hoặc các nữ tướng như: Hai Bà Trưng, Bùi Thị Xuân, Triệu Thị Trinh…

“Thế nhưng, hiện nay những kịch bản về sử Việt viết riêng cho cải lương tuồng cổ lại rất khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là những người trẻ chưa đủ kiến thức để tiếp nối con đường sáng tác kịch bản cải lương tuồng cổ vì không có được sự chuẩn bị kịp thời. Điều này đã tạo lỗ hổng lớn về lực lượng sáng tác cải lương tuồng cổ” – NSND Trần Minh Ngọc trăn trở.

Các nhà chuyên môn cho biết vào năm 1981, Hội Sân khấu TP HCM có tổ chức lớp tập huấn về viết kịch bản cải lương tuồng cổ cho các nghệ sĩ biểu diễn của hai gia tộc Minh Tơ, Huỳnh Long. Sau lớp học này đã nổi lên các cây bút như: Thanh Tòng, Bạch Mai, Bo Bo Hoàng, Bửu Truyện, Thanh Bạch (chồng của nghệ sĩ Bạch Lê – PV)… lực lượng này đã cho ra đời nhiều kịch bản được xem là chuẩn mực của cải lương tuồng cổ. “Hiện nay, gần như các sàn diễn tuồng cổ phải tái diễn những vở cũ, thậm chí phải diễn những vở theo tích của Trung Quốc. Tuồng cổ sử Việt mới khan hiếm vì không ai viết kịch bản. Có thể nói cần sớm có kế hoạch đào tạo nhân sự kế thừa về sáng tác kịch bản cải lương tuồng cổ” – NSND Trần Minh Ngọc bức xúc.

Gia giảm khâu kiểm duyệt

Tác giả Cẩm Tâm bộc bạch: “Đặc trưng của cải lương nói chung và tuồng cổ nói riêng là phải có cặp đào kép chánh để ca diễn, để thể hiện tính trữ tình; cần có những đoạn khai thác diễn biến tâm lý về sự mâu thuẫn, xung dột dẫn đến cao trào cho vở diễn. Để làm được việc này bắt buộc phải hư cấu một nhân vật, một mối tình trong kịch bản. Việc hư cấu này bị cho là nhân vật lịch sử sao lại bi lụy, sướt mướt; làm mờ nhạt ý chí kiên cường. Nếu không có những tình tiết này vở cải lương tuồng cổ sẽ bị khô cứng, nên chăng khâu kiểm duyệt cần có sự gia giảm phù hợp”.


Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt (*): Cần sự quan tâm đúng mức

(CLV) – Đầu năm 2023 đến nay, sàn diễn cải lương tuồng cổ tại TP HCM liên tục sáng đèn nhưng để duy trì các suất diễn về đề...

5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *