Cải lương xưa: Đoàn Nam Phong

Cải lương xưa: Đoàn Nam Phong

01/05/2017
913 Lượt xem

(CLV) – Một buổi tối thập niên 50 (thế kỷ XX), ba mẹ tôi hân hoan chuẩn bị bữa cơm thịnh soạn chiêu đãi một vị khách qu‎ý. Bọn trẻ chúng tôi đã biết trước, đó là nữ NS Tư Kim Hoàng (không phải NS Kim Hoàng, bạn cô Như Mai).

Cô Tư là một đào võ lừng danh cùng thời với những ngôi sao Ba Hui, Năm Kim Thoa, Tư Thanh Tùng, Ba Thanh Loan… đặc biệt thành công trong các vai giả trai. Vai để đời của cô là Triệu Khải (vở Trảm Triệu Khải). Tuyệt vời, ấn tượng nhất là khi nhận chiếu vua truyền xử trảm, Triệu Khải – Tư Kim Hoàng đã hiển lộng đầy đủ sắc nét bi, hận, nộ, cuồng qua diễn xuất hình thể, nội tâm với vũ đạo uy mãnh phức hợp rất tổn hao thần, lực, đòi hỏi một sự khang kiện vững vàng nơi người biểu diễn.

Hình minh hoạ

Hình minh hoạ

Bữa cơm ba mẹ tôi mời cô Tu cũng như những lần đón tiếp bằng hữu đàn ca tài tử địa phương hay nghệ sĩ thân quen ở các đoàn hát phương xa lưu diễn đến, có khác chăng, là dịp mẹ tôi bày tỏ tình cảm giữa chị chồng và em dâu. Chồng cô Tư là bác vật (kỹ sư) Giang Văn Chánh, con trai ông cai tổng Nhâm ở Ngã Năm (Sóc Trăng). Ông Chánh là em cô cậu của mẹ tôi. Ông đã từng xuất vốn lập gánh cho vợ hát, nhưng phải giải thể vì thế chiến thứ hai. Mẹ tôi và cô Tư không có cảnh bi nộ “chị chồng – em dâu” mà lại giao hảo đẹp bởi hai bên một là nghệ sĩ, một là fan hâm mộ. Khi chuyện vãn với ba mẹ tôi ở phòng khách sau bữa cơm, bất chợt cô chỉ tấm ảnh 9×12 gắn trên tường: “Ủa! Sao có ảnh ông này?” Tôi mau mắn đáp: “Dạ, ông là k‎ý giả Thanh Tâm Trần Tấn Quốc. Con là độc giả ruột, xin hoài ông mới cho, con mua khuôn kính treo lên đó”. Cô cho biết ông Thanh Tâm là anh kế cô.

Đoàn CL Nam Phong được thành lập bởi vợ chồng soạn giả Giáo Út – Chín Bia. Cô Chín là em ruột hai cô Năm Phỉ, Bảy Nam. Cô không đứng trên sàn diễn mà thích làm nhà quản l‎ý với công việc chồng chất đầy phiền toái nhiêu khê. Đã vậy, nhiệm vụ mỗi đêm của cô là “diễn thuyết”. Lúc ấy, người ta dùng động từ này để chỉ công việc mà đoàn hát nào cũng phải có, không có không được. Khi vở tuồng chỉ còn một màn nữa là kết thúc, một thành viên có khả năng giao tiếp, trang phục chỉnh tề, chờ màn nhung hé mở một khoảng rộng hơn mét, vội bước ra tiền trường cúi chào khán giả, bắt đầu giới thiệu vở diễn tối đêm sau với lời lẽ văn hoa bay bướm nội dung, hình thức của vở cũng như tài ca diễn của các nghệ sĩ chính, thứ; mời khán giả đêm mai đến ủng hộ, đồng thời giới thiệu cho bạn bè người thân… Nếu đêm nay là đêm chót thì người thuyết trình xúc cảm nói lời từ giã, cảm ơn nhiệt tình của địa phương và công chúng… Ngày nay việc này được thực hiện qua máy phóng thanh từ hậu trường.

Đa số tuồng tích đoàn Nam Phong đều do soạn giả Giáo Út biên soạn. Diễn viên của đoàn không có ngôi sao, nên khi đến Bạc Liêu có tăng cường cô Tư Kim Hoàng trong vở Hoàng Phi Hổ quy Châu, cô thủ vai Hoàng Phi Hổ. Không rõ cô học vai từ lúc nào, hay nhờ sự lành nghề của người nhắc tuồng mà cô ca diễn trơn tru thuần thục, cử động hình thể chuẩn mực, lớp bi thì động viên cao nội tâm, lớp hùng thì nhập hệ sở trường thao túng sàn diễn như long tranh hổ vờn. Các diễn viên khác rất phấn chấn khi cùng tác nghiệp với danh tài, ai nấy trổ hết năng lực cống hiến cho khán giả, đồng thời thu hẹp cự ly chênh lệch với bậc đàn chị.

Hình minh hoạ

Hình minh hoạ

  • Hoàng Dưỡng vai Trụ vương rất đúng, đạt một hôn quân tàn bạo, vô luân bức tử chú ruột, dâm loạn thần thê, sa đọa với Bá Lạc đài… nhất nhất đầy đặn bản lĩnh.

  • Văn Thường: một Tỷ Cang ngu trung, cái chết được báo trước vẫn không dám tránh do đạo lý “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, thời nay chê dại, thời xưa thương cảm. Và Văn Thường tạo được đồng cảm cao từ công chúng.

  • Ngọc Yến (con gái soạn giả Giáo Út): ca diễn trung bình vai Giã Thị.

  • Kim Giác là diễn viên triển vọng, vào vai chính Đắc Kỷ khá thành công về ca lẫn diễn, lớp đi bán rau “vô tâm” để đuổi tận giết tiệt Tỷ Cang đã rất sống động nhờ phối hợp tốt với bạn diễn Văn Thường.

  • Giáo Út vai Thái sư Văn Trọng rất oai phong nhờ ngoại hình và đài từ rổn rảng. Kích động, hào hứng nhất là lúc giáng thập điều hùng tráng, đưa kịch cảnh bốc cao qua cây côn tiên đế truyền cho “tiên đả hôn quân, hậu diệt loạn thần”.

Vở Hoàng Phi Hổ quỵ Châu công diễn cách nay nửa thế kỷ đã gợi cho ta sự dị biệt giữa quan điểm sống thời phong kiến, lệ thuộc và thời dân chủ tự do qua hai nhân vật Tỷ Cang và Hoàng Phi Hổ. Xưa, người ta sùng bái Tỷ Cang trung quân và đem chuyện Hoàng Phi Hổ để mạt sát nhau khi có chuyện bất hòa trong đời thường: “Mày là quân phản Trụ đầu Châu”. Nay, cụm từ kia đã cáo chung, bởi người ta cho rằng động thái bỏ Trụ về Châu là sáng suốt, trái lại Tỷ Cang là kẻ ngu trung tiêu cực.

Cuộc sống thực tế và sân khấu có những tác động hỗ tương, và hôm qua không phải hôm nay, càng không phải ngày mai. Sân khấu muốn tồn tại, phát triển trong tư thế cấp tiến, thiết nghĩ, phải dựa vào tác động qua lại giữa hai chủ thể ấy để hiểu rõ, nắm chắc nhân sinh quan đương đại. Từ đó sẽ bật ra đáp án thích nghi cho những sáng tạo mang tầm vóc vĩ mô, giúp cải lương sớm quay về thời hoàng kim vốn có.

Riêng cô Tư Kim Hoàng mấy năm sau đó, đã thành lập một đoàn CL toàn nữ ban với nhiều ngôi sao thuộc trường phái DIỄN, nhưng chẳng thành công bởi trường phái CA đang ở thế áp đảo.

Nguồn tin: Hồ Quang – BSK. Ảnh: CLVN


5/5 - (7 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *