Bản Dạ cổ hoài lang là tác phẩm lâu đời, có truyền thống trăm năm mang biểu tượng văn hóa của dân Nam Bộ. Thế nhưng, nguồn gốc ra đời của nó thì có lẽ không nhiều người biết.
Từ cậu bé nghèo đến nghệ sĩ nổi tiếng
Cao Văn Lầu, sinh ngày 22/12/1892, quê ở Long An. Năm 4 tuổi, cậu bé Lầu theo cha mẹ cùng 20 gia đình trong xóm bỏ quê nhà, xuôi về Bạc Liêu khai hoang, lập nghiệp. Tại đây, cha mẹ ông dù đã cố gắng làm lụng nhưng phận nghèo vẫn mãi đeo bám chẳng tha. Lên 8 tuổi, Lầu được gởi vào chùa, làm chú tiểu chùa Vĩnh Phước học chữ Nho và kinh Phật. Đến năm 1903, cậu bé Lầu được cha cho theo học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp ở trường làng. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, buộc Lầu phải thôi học từ năm lớp nhì (tức lớp 4).
Vì vậy, ông phải làm lụng vất vả, đứng ra cáng đáng nuôi sống gia đình. Năm 16 tuổi, gần nơi ông ngụ cư có một người đàn ông mù nhưng ngón đàn rất tài hoa. Người này từng dạy rất nhiều học trò, có tên là Lê Tài Khí (còn gọi Hai Khị hay Nhạc Khị). Qúa hâm mộ ngón đàn của người đàn ông này, Cao Văn Lầu xin cha dẫn đến gặp mặt theo học. Cũng nhờ tài năng thiên bẩm vốn có, chỉ trong trong một thời gian ngắn, ông đã sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ, sau đó, trở thành một nhạc sĩ nòng cốt trong ban cổ nhạc của thầy. Đến khi soạn giả Mộng Vân lập gánh hát ông được mời về làm nhạc trưởng.
Chơi nhạc không chỉ giúp ông thỏa mãn đam mê mà còn tạo điều kiện để ông đỡ đần kinh tế cho gia đình. Thời điểm ấy, chàng thanh niên 20 tuổi như ông vẫn chưa hề có ý nghĩ sẽ thành gia lập thất. Phải đến lúc, gia đình thúc giục mãi, ông mới thành hôn với cô gái vùng biển Bạc Liêu tên Trần Thị Tấn. Tuy nhiên, sóng gió hôn nhân ập đến với hai vợ chồng chỉ sau 3 năm cưới nhau. Vì mãi không có con, nên mẹ của ông đòi ông phải trả vợ về nhà mẹ đẻ, bởi quan niệm “tam niên vô tử bất thành thê” (3 năm không con không thành vợ).
Phận làm con không thể cãi lời mẹ, ông buồn bã vô cùng nhưng vợ ông nói: “Má không cho mình làm vợ chồng thì em về với ba má em. Anh kiếm vợ khác để có con cho má vui”.
Thế rồi, chần chừ mãi, một buổi chiều nọ, ông nắm tay dìu bà đi hết bờ ruộng này đến bờ ruộng khác, nói lời chia tay vợ trong nước mắt. Đó mãi là cuộc chia ly sầu thảm, khắc sâu vào lòng ông bà…
Nguồn gốc ra đời bản Dạ cổ hoài lang
Kể từ ngày buộc phải bỏ vợ, cứ mỗi chiều ông lại mang cây đàn ra bờ ruộng gảy những khúc nhạc bi ai. Lấy nhạc nói lên nỗi lòng, hình bóng và tình yêu thương dành cho người con gái bất hạnh ấy chẳng thể nào xóa nhòa. Những lần đàn réo rắt cùng những ca từ đầy thương cảm, từ nỗi nhớ vợ da diết, dần dà hình thành nên bản hoài lang (nhớ chồng). Và sau này, trong một lần chơi nhạc, bỗng văng vẳng từ xa tiếng trống canh, những tiếng gõ khô khốc phản ảnh đúng tâm trạng ông để rồi ông hoàn thiện bài hát với tên Dạ cổ hoài lang (Dạ là đêm, cổ là trống. Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng).
Không ngờ, bản nhạc đó như một cơ duyên đem lại cho ông sự viên mãn cả sự nghiệp lẫn gia đình. Chính ca khúc đã mang cho ông cơ hội để nối duyên lại với vợ cũ. Trong những dịp chơi đờn ở đám tiệc, ông đều dành thời gian về thăm vợ và có được bao nhiêu tiền, ông đưa cho bà hết.
Một người quen nhìn thấy cảnh gặp gỡ giấu giếm của ông bà thấy khổ quá, thương cảm, đã cho phép ông dẫn về chỗ bà ở cho tiện qua lại. Tin vui đến bất ngờ, vài tháng sau, bà Tấn có thai, ông Lầu đường hoàng rước bà về nhà. Cuộc sống đầm ấm hơn khi họ có với nhau 7 người con (5 trai, 2 gái).
Có lần chia sẻ trên báo thể thao và Văn hóa, ông Cao Văn Hoai – con trai nhạc sĩ Cao Văn Lầu kể: “Cả đời bố tôi gắn với cây đờn, rong ruổi miết theo những cuộc chơi tài tử. Bất kể hội hè đình đám, giỗ quải, tang ma… ở đâu cũng đều rước ổng tới chơi. Ông ít khi ở nhà, cứ vác đờn dẫn anh em đi suốt có khi mấy ngày mấy đêm mới về. Tiếng tăm vang xa, nhiều người đến xin học. Mấy người nhà giàu đến tận nhà rước về dạy đờn hoài. Công tử Bạc Liêu, cậu Ba Trần Trinh Huy cũng là học trò của ổng. Mỗi lần cậu Ba mở tiệc hay rước hoa hậu, người đẹp từ Sài Gòn về chơi là đều mở cuộc đờn ca và cho xe rước ổng đến nhà chơi thâu đêm suốt sáng…”.
Vào năm 1919, ông Cao Văn Lầu chính thức công bố bản Dạ cổ hoài lang. Tính đến nay bài hát đã tồn tại 100 năm chẵn. Ca khúc được trình diễn lần đầu trên sân khấu lần đầu bởi gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho và được sử dụng rộng rãi, nhất là trong tuồng cải lương.
Bản nhạc cổ còn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ vun đắp để dần lột xác từ nhịp đôi tăng dần đến nay là nhịp 64. Các thế hệ danh ca, danh cầm đã xác định điểm thăng hoa của bài vọng cổ là nhịp 32, một điểm đến vừa đủ để bản vọng cổ tỏa sáng và phát huy hết công suất vừa đủ để các tác giả cổ nhạc gởi gắm lòng mình vào 6 câu vọng cổ.
Dạ cổ hoài lang – Bản tình ca bất hủ của Cao Văn Lầu. (Video: VTC16)
Minh Tú (t/h)