Cặp đôi vàng làng cải lương: Minh Vương – Lệ Thuỷ: Người tình sân khấu cải lương không ai ngờ
(CLV) – Là cặp đôi cải lương mà khán giả không bao giờ muốn thay thế, nhắc đến Lệ Thuỷ phải nhớ đến Minh Vương, nhắc đến Minh Vương người ta nhớ ngay ra Lệ Thuỷ.
Đã 60 năm trôi qua, cặp đôi NSƯT Minh Vương và NSND Lệ Thuỷ trở thành cái tên quen thuộc thuộc thế hệ vàng của nghệ thuật cải lương.
Minh Vương – Khôi nguyên trẻ nhất lịch sử cải lương
Minh Vương tên thật là Nguyễn Văn Vưng sinh năm 1974 tại Cần Giuộc, Long An trong một gia đình có 7 anh em.
Năm 10 tuổi, ông theo cha mẹ lên Sài Gòn lập nghiệp. Ông theo học trung học, nhưng lại mê hát cải lương, nên tìm đến thầy Bảy Trạch.
Năm 14 tuổi, cậu bé ngây ngô đi thi Khôi Nguyên vọng cổ, bài Mưa nắng miền Đông vang lên ở rạp Quốc Thanh đưa cậu bé 14 tuổi đạt giải Nhất. Và trong lịch sử Khôi Nguyên vọng cổ, đấy là trường hợp duy nhất và nhỏ tuổi nhất đã đoạt giải.
Sau khi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ, cậu bé Nguyễn Văn Vưng được bầu Long ở đoàn Kim Chung săn về ký hợp đồng 10 ngàn đồng.
Tháng lương đầu tiên, cậu bé đem gửi 5 ngàn biếu mẹ còn 5 ngàn biếu thầy để tạ ơn. Và chính bầu Long cũng là người đặt cho cậu nghệ danh Minh Vương sau này.
Ði hát chưa được 1 năm thì Minh Vương bị bệnh, tóc rụng, nên phải nghỉ ở nhà chữa bệnh.
1 năm sau, Minh Vương trở lại đoàn hát. Ông nhận bất cứ vai diễn nào với tâm niệm: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Năm 1967, lúc đó Minh Vương vừa tròn 18 tuổi, ông được hát kép chính – đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng.
Năm 1971, tên tuổi của Minh Vương thực sự bắt đầu tỏa sáng, từng bước tiến dần đến ánh đèn của danh vọng.
Sau khi đã nổi danh, ông cho biết: “Tôi may mắn được tổ đãi nên thành danh sớm. Tôi xét thấy mình đã hưởng lộc nhiều hơn anh em bè bạn khác, vì vậy, mình cần phải sẻ chia. Nói cách khác một vở tuồng thành công không chỉ có công sức mỗi mình kép và đào chính mà còn nhiều nhân tố khác nữa. Tôi muốn sự ngọt bùi đó được chia sớt cho mọi người”.
Lệ Thuỷ – một nhân cách nghệ thuật đáng quý
Lệ Thủy tên thật là Dương Thị Lệ Thủy về sau đổi thành Trần Thị Lệ Thủy. Lệ Thủy sinh năm 1948 trong một gia đình đông con, nông dân nghèo tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Lệ Thủy phải bỏ học từ rất sớm chỉ vì tờ giấy khai sinh đã bị cháy cùng căn nhà ở quê, hơn nữa vì nhà nghèo lại đông con nên Lệ Thuỷ đã nghĩ rằng: “Được học thì tốt mà không thì phụ ba mẹ kiếm tiền trang trải chi phí cho gia đình… còn tốt hơn!”.
Ở đầu nhà có tiệm sửa radio tối ngày mở cải lương. Lệ Thủy nghe riết thành ghiền, thành thuộc. Bắt chước người ta, Lệ Thủy hát cải lương để ru em ngủ. Dè đâu có người nghe lọt tai nên tới nhà xin ba mẹ cho Lệ Thủy đi hát.
Thế là năm 12 tuổi, Lệ Thủy theo học thầy Năm Truyền. Thầy mê ca và biết nhạc nhưng nghề chính của thầy là thợ hớt tóc.
Sau này, Lệ Thủy được học nhạc bài bản của thầy Tám Đen – một nhạc công đàn kìm danh tiếng ở Khánh Hội.
Thấy con mê ca hát quá, mẹ lại gửi Lệ Thủy tới đoàn Thống Nhất của nghệ sĩ Út Trà Ôn nhưng trong đoàn đã có vai đào con rồi nên anh rể của nghệ sĩ Út Trà Ôn gửi Lệ Thủy tới đoàn Trâm Vàng, làm con nuôi vợ chồng nhạc sĩ Mười Của.
Nhưng ngày mới về đoàn, Lệ Thủy chưa được hát mà chỉ là ai sai gì làm đó. Rửa chén, giặt mùng mền, đun nước pha trà,…
Đúng vào thời điểm đó, ông bảy Viễn Châu đang tìm một tiểu đồng thế là Lệ Thủy có vai diễn đầu tiên trong vở Quan âm Thị Kính.
Cứ thế, tiếng hát của Lệ Thủy bay xa tới mọi miền và trở thành một ngôi sao hàng đầu của sân khấu cải lương Việt Nam.
Minh Vương – Lệ Thuỷ: Tình nghệ thuật hiếm có khó tìm trong làng cải lương Việt
Minh Vương hồi ấy vừa nổi danh khi đạt giải Nhất Khôi Nguyên vọng cổ, song ở đoàn hát, vì còn nhỏ nên Minh Vương chỉ được thầy tuồng viết thêm vài câu chủ yếu là khoe giọng đẹp.
Vai đầu tiên của “cậu nhóc” là vai con trai của NSND Lệ Thủy trong vở Thượng phương bảo kiếm.
Lúc này, NSND Lệ Thủy đã là một cô đào chánh lừng lẫy đóng cặp với các tài danh như Thanh Hải, Minh Phụng.
Nhớ lại về quá khứ, cả hai nghệ sĩ đều không thể quên được những ấn tượng ban đầu dành cho nhau.
Lệ Thuỷ tâm sự: “Lần đầu tôi gặp anh Minh Vương là giữa năm 1964, khi đó tôi đọc báo và biết thí sinh Nguyễn Văn Vưng vượt qua 300 thí sinh tham dự cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương Khôi Nguyên đoạt giải nhất. Tôi rất nể anh Vưng không ngờ sau này chúng tôi có duyên với nhau trên sân khấu”.
Còn Minh Vương nói về ngày đầu anh gặp Lệ Thủy: “Tôi được thầy dắt vào rạp Đại Đồng để xem tập vở Hành trang người trai. Ông bầu Long mời tôi về đoàn Kim Chung 5 đã giới thiệu với tôi cô đào đang tập trên sân khấu là Lệ Thủy. Tôi rất ấn tượng về Lệ Thủy qua bài ca Em bé đánh giày, diễn với anh Minh Cảnh lúc Lệ Thủy mới 13 tuổi. Tôi gật đầu chào, Lệ Thủy nhìn tôi cười bẽn lẽn. Có điều tôi còn nhát lắm, lại vào xem tập để nhận vai làm con của Lệ Thủy. Do đó mà tôi ngại. Có lẽ duyên số không muốn tôi đóng vai con của Lệ Thủy nên tôi từ chối. Đến tuồng thứ hai, tôi đóng vai người tình của Lệ Thủy cho tới bây giờ luôn”.
Đầu thập niên 1970, tên tuổi của Minh Vương tỏa sáng hơn, được nhiều hãng thu thanh để ý, mời ký hợp đồng.
Ông dần thay thế Minh Phụng, trở thành “tình nhân sân khấu” của Lệ Thủy với các vở Đêm lạnh chùa hoang, Tô Ánh Nguyệt, Nửa đời hương phấn, Máu nhuộm sân chùa…
Sau năm 1970, tên tuổi Minh Vương – Lệ Thuỷ càng sáng giá khi về chung Đoàn văn công TP. HCM.
Họ ghi dấu ấn trong các vai kinh điển, trở thành quy chuẩn cho nhiều nghệ sĩ trẻ mỗi dịp tái dựng tuồng cũ.
Sau 1975, “liên danh” Minh Vương – Lệ Thủy càng thêm khắng khít khi hai người cùng về chung đoàn hát, từ đoàn văn công Giải phóng cho đến đoàn 2 – 84.
Vào những năm 1980-1990, cái tên Lệ Thuỷ – Minh Vương trở nên bất biến trong lòng khán giả.
Thậm chí, nhiều khán giả thương Lệ Thủy, Minh Vương quá nên ghép hai người thành 1 cặp dù ngoài đời, hai người chỉ là bạn và ai cũng có hạnh phúc riêng của mình.
Ở họ có một sự ăn ý trên sân khấu hết sức đặc biệt, chỉ cần một ánh mắt là biết bạn diễn cần gì.
Đánh giá về cặp nghệ sĩ kinh điển của làng cải lương, bà Hồng Dung – Phó chủ tịch Hội sân khấu TP HCM cho rằng đây là một trong số đôi song ca hiếm hoi hợp ý về lối diễn lẫn tính cách ngoài đời. Cả hai đều sở hữu giọng hát hiếm có về màu sắc, những xử lý đặc trưng, chỉ cần cất lên là biết Minh Vương – Lệ Thủy.
Sự kết hợp của hai danh ca càng khiến các tác phẩm trở nên nổi trội.
Có thể nói đây là cặp đôi nghệ sĩ có sự gắn bó lâu nhất trên sân khấu cải lương Việt Nam, vì vậy năm 2008, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao kỷ lục Đôi nghệ sĩ cải lương đóng chung lâu năm và ăn ý nhất Việt Nam cho NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương.
Trung tâm thống kê họ đã diễn ăn ý với nhau suốt 36 năm (tính đến năm 2008) với hơn 200 vở tuồng.
Nhờ sở hữu giọng ca vàng mà cặp đôi Minh Vương – Lệ Thủy đã gặp nhau như một duyên nợ để tạo nên huyền thoại cho bao cuộc tình trên sân khấu làm say đắm lòng người.
Uy tín của Minh Vương và Lệ Thuỷ đã tạo nên chất keo gắn kết dễ dàng các anh chị em nghệ sĩ khác trong việc chung tay xây dựng những chương trình sân khấu cải lương trong thời kỳ bộ môn nghệ thuật này đang gặp khó khăn.
Đã hơn 60 tuổi, đôi đào kép ngoại lệ của sân khấu cải lương không tránh khỏi những thăng trầm của tạo hóa.
Thế nhưng ra sàn diễn, họ quên hết bệnh tật, vẫn phong độ trong ca diễn, là tấm gương thật đẹp đối với thế hệ diễn viên trẻ.
Minh Anh (tổng hợp)
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.130179 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98784 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95578 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94021