Chuyện của NSƯT Thanh Nguyệt

Chuyện của NSƯT Thanh Nguyệt

Chưa phân loại
21/11/2017
662 Lượt xem

1. Tôi năm nay gần 70 rồi. Tuổi già như lá cuối mùa, hay đau nhức, giấc ngủ chập chờn, váng vất mộng mị và ký ức. Nhiều khi, nằm nghe sương rớt lộp độp trên mái nhà, tự dưng nhớ những chuyện hổi nảo hồi nao. Má thắm, môi hồng, tóc xanh lần lượt phôi pha theo thời gian. May mà còn kỷ niệm lẩn quẩn, còn tình yêu vun đầy, bao dung. Đâu phải tuổi già thích nhớ chuyện cũ, tự dưng quá vãng cứ rủ nhau kéo về.

NSƯT Thanh Nguyệt trong vở Áo cưới trước cổng chùa

NSƯT Thanh Nguyệt trong vở Áo cưới trước cổng chùa


Tôi là con thứ 4 trong nhà có tới 9 anh chị em. Má tôi mộ đạo nên từ nhỏ tôi hay được má dắt lên chùa, rồi vừa học đạo, vừa học chữ trong đó. Mấy bác mấy cô khen: “Nhỏ này có giọng hay ghê” nên thường biểu tôi đọc thánh giáo. Ở xóm có chú Năm Nhu biết chơi đờn kìm, nghe giọng tôi, chú kêu lại dợt cho bản Lắng tiếng chuông ngân của chị Thanh Nga khóc cô Năm Nghĩa vừa mất. Lần nào dợt, chú Năm cũng lim dim mắt, nhịp nhịp chân, dứt tiếng thì trầm trồ: “Con nhỏ này giọng trầm trầm hay quá, có triển vọng ghê!”. Vậy là tôi trở thành đệ tử của chú luôn. Mà, dạy không vậy, chớ có tiền bạc gì đâu. Nhà tôi thiếu trước hụt sau, ngoài giờ học, tôi thường ké theo xe của dì Bảy trước bệnh viện bán mấy thứ bánh lặt vặt để kiếm thêm ít tiền phụ má nuôi em. Tôi ca bắt đầu vững thì chú Năm đưa tôi lên đài phát thanh quận Vĩnh Lộc (Bạc Liêu bây giờ) ca trong chương trình cổ nhạc hàng tuần của đài. Thấy tôi mê hát, mấy chú thương, cho ca hoài luôn.
Sẵn dịp đoàn Hoa Sen về quê, ba mời chú xếp ghế quen trong đoàn về nhà nhậu chơi. Tình cờ thấy tôi, chú kêu: “Con nhỏ này coi mặt mũi cũng sáng sủa à nghen. Cỡ này đi hát được rồi đó. Con có biết ca hôn?”. Tôi líu ríu: “Dạ, con biết chút chút thôi hà!”. “Vậy tối nay qua đoàn ca cho ông bầu nghe đi con. Có gì ổng nhận con làm đệ tử, ổng lăng-xê cho con, mau lên lắm”. Ông bầu Cao nổi tiếng mát tay khi phát hiện ra những giọng ca trẻ như: Diệu Hiền, Kim Loan, Ánh Hồng, Mộng Tuyền,… Tính tôi vốn nhát, chưa ca cho người lạ nghe bao giờ nên tim muốn múa lân trong ngực. May sao, thấy cô nhạc sĩ ngồi kế ông bầu nên tôi mới dạn dạn ca thử. Vậy mà vẫn ca rớt lên rớt xuống tùm lum. Bụng bảo dạ, chắc thôi rồi. Ai dè, ông bầu thấy thương nên gật đầu. Tôi theo chân ba về nhà mà bước hụt trước hụt sau, lòng chộn rộn vô cùng.
NSƯT Thanh Nguyệt và NS Hà My trong vở Lan và Điệp

NSƯT Thanh Nguyệt và NS Hà My trong vở Lan và Điệp


Nghe tôi theo gánh hát, má khóc ngất. Con gái con đứa, mười mấy tuổi đầu, lần đầu tiên xa nhà, lại đi biền biệt, sao mà không lo cho được. Cộng thêm tôi là đứa ốm yếu, cứ 2, 3 bữa là cảm sốt, má phải đè cạo gió, cắt, lễ tới nát cả lưng. Ba nói vô, má nghe cũng xuôi. Ngày tôi đi, bước ra cửa còn nghe má nước mắt ngắn dài: “Tội nghiệp con Nguyệt quá! Nó đi, lỡ có chuyện gì, đâu có ai biết cạo gió cho nó…”. Nếu mà, không vướng bầy em, chắc má cũng đi theo tôi quá. Nhờ Tổ nghiệp thương, ốm đau qua hết, quấy quá lắm thì uống vài viên thuốc. Chỉ có nỗi nhớ má, nhớ em là không chịu được. Nhiều đêm giật mình, nhớ hơi má, thèm nhìn mấy đứa em co tròn trong giấc ngủ. Nước mắt chảy dài. Nên hễ bữa nào đoàn không diễn là tôi phóng lên xe đò về quê ngủ với má, với em một đêm rồi đi.
2. Mình nghèo mà, đi đâu cũng lủi thủi nên thủ phận lắm. Trong đoàn, tôi lo cơm nước, giặt giũ quần áo cho cô nhạc sĩ rồi học hát. Ai kêu gì, sai gì làm nấy chớ không tranh đua gì với ai. Tối tối, người ta ra sân khấu, tôi ngồi trong cánh gà coi. Ao ước không biết bao giờ mình được ra ngoài đó coi sao ta? Đùng cái, một bữa cô đào chánh nghỉ ngang. Tuồng đã giới thiệu, vé đã bán, ông bầu rối cả lên. Ổng kêu cô Tuyết Mai dợt cho tôi mấy bài trong tuồng Bến hẹn năm xưa. Tới bữa diễn, ổng bắt tôi ra thế vai đào chánh luôn. Lần đầu đứng trên sân khấu, bao ánh mắt dồn đổ về phía mình, tay chân tôi quíu lại, lạnh ngắt hết trơn. Ông bầu cũng là kép chánh của đoàn, đỡ tôi nhiều lắm. Không có ổng thiệt không biết làm sao. Giờ nghĩ lại, thấy ông bầu liều mà mình cũng thiệt may. Người ta đi hát phải đóng vai phụ, làm đào con, còn tôi vì một ngẫu nhĩ mà được giao vai đào chánh luôn. Từ đó về sau, tôi được ông bầu tin tưởng giao toàn những vai nặng ký.
NSƯT Thanh Nguyệt và ca sĩ Đông Quân, NS hài Bình Mập, NSƯT Hùng Minh tham gia trong vở Lan và Điệp

NSƯT Thanh Nguyệt và ca sĩ Đông Quân, NS hài Bình Mập, NSƯT Hùng Minh tham gia trong vở Lan và Điệp


Tới năm 1963, ổng bắt đầu lăng-xê tôi và Thùy Lan trong tuồng Người mẹ Việt Nam. Tôi nhớ những ngày đoàn diễn ở rạp Hưng Đạo và rạp Nguyễn Hảo, khán giả xếp hàng mua vé coi đen nghẹt. Bà bầu Kim Chưởng thấy lạ, không biết có giọng ca nào mà đoàn Hoa Sen hút vé dữ vậy, bèn kêu người em và bà chị vô coi thử. Không biết sao, họ chấm và mời tôi qua gặp bà bầu nói chuyện.
Hồi đó, Kim Chưởng là một trong những đoàn hát lớn nhất nhì ở Sài Gòn. Ai đi hát cũng mong một ngày được đứng trên sân khấu ấy. Tôi chưa thấy ai chịu đầu tư và thương nghệ sĩ như cô Bảy. Mỗi suất diễn mới, cô đều cho giới thiệu vở lên kính sau xe. Xe đi khắp thành phố, khán giả đâu đâu cũng biết tới đoàn. Hồi còn ở nhà, nghe đài phát thanh phát mấy vở tuồng nổi tiếng của đoàn Kim Chưởng, má hay nói với mấy bà trong xóm: “Một ngày nào đó, con tui về hát trong đoàn này là tui mãn nguyện rồi”. Nên khi cô Kim Chưởng hỏi, vậy chớ có thích về đoàn của cô hát không, tôi gật đầu ký công-tra đầu tiên liền. Hai năm về với đoàn Kim Chưởng, nhờ sự rèn rũa của cô, năm 1965 tôi được Huy chương vàng giải Thanh Tâm. Bục gỗ đó, màn nhung đó, biết bao lần bước lên mà sao bữa đó đi không vững… Rồi đâm nhớ má, tối về ôm gối khóc rấm rứt.
NSƯT Thanh Nguyệt và NSƯT Ngọc Hương trong vở Nắng chiều trên sông Dịch

NSƯT Thanh Nguyệt và NSƯT Ngọc Hương trong vở Nắng chiều trên sông Dịch


Má chưa bao giờ được coi tôi diễn. Thời điểm đó, đang có dịch bệnh lan rộng, má mất buổi đêm, sáng hôm sau người ta vội vã đưa má về với đất. Tôi còn theo đoàn Hoa Sen diễn ở miền Trung, tự dưng thấy trong lòng nôn nao, cồn cào khó tả. Bèn nhờ cô em theo phụ việc chạy về Sài Gòn coi sao. Đi về cũng hết 4 ngày, em trở ra lúc tôi diễn xong lớp thứ nhất, hớt hơ hớt hải: “Chị Năm ơi, má chị mất, mọi người về quê hết, nhà không có ai!”. Tôi đã tát em một bạt tai như trời giáng, ý “mày nói dối” rồi ngã khuỵu. Mất 2 ngày, tôi mới về tới Vĩnh Lộc. Từ xa, ngó thấy nhà im ắng, không che rạp tang, tôi phấp phới trong lòng. “Chắc má nhớ nên giỡn để về thăm má đây màâ!”. Vừa bước vô cửa, thấy bàn thờ má, tay chân tôi rụng rời. Lúc ấy là 25 tháng Chạp. Má tôi mất lúc mới 48 tuổi.
3. Được ít lâu thì ba đi thêm bước nữa. Chị Hai gom mấy đứa em lên Sài Gòn. Cả bầy em nheo nhóc, đứa lớn nhất 8 tuổi, hai đứa nhỏ mới 6 tuổi. Chị cũng vừa đổ vỡ chuyện gia đình, ôm đứa con nhỏ 7 tuổi. Vậy là chị cáng đáng chuyện nhà, tôi bươn bả kiếm tiền. Căn nhà thuê trở nên chật chội với từng ấy con người. Nhiều đêm hát xong, tôi thấy đời mình sao buồn quá. Không biết nói với ai, khóc hoài cũng chẳng thấy vơi được chút nào. Tự dưng nghĩ, hay thôi, nhận lời đám cưới với người ta cho có chỗ dựa tình cảm. Cuộc đời, đâu phải lúc nào cũng như mình nghĩ. Như đang sắp chết khát trên sa mạc, thấy ốc đảo thì hy vọng cầu may. Ai biết sẽ thêm chì nặng tâm can đến vậy. Tôi cũng ráng chịu đựng lắm. Phần vì thương con, phần thì sợ mang tiếng. Người ta nói mình một, mà nói nghệ sĩ cải lương thay chồng đổi vợ như thay xiêm y đổi áo tới mười. Đến lúc con trai được 6 tuổi thì tôi buông tay. Tình yêu như một cái cây vậy, nếu chỉ có một bên vun thì lúc nào đó, cây sẽ đổ. Tôi lại tất bật diễn ngày đêm, lo thêm cho con. Hễ diễn thì thôi, còn bung ra lại nhớ con, thấy mình có lỗi với con vô cùng. Đã vắng tình thương của cha, lại thiếu luôn hơi ấm của mẹ. Không biết, sau này con lớn có trách mình hay không? Nhưng mà, biết làm sao được. Buồn quá, ngồi khóc một mình: “Phải chi, có má ở đây, má ơi…”.
NS Hữu Tài và NSƯT Thanh Nguyệt diễn chung trong vở Lan và Điệp

NS Hữu Tài và NSƯT Thanh Nguyệt diễn chung trong vở Lan và Điệp


Duyên số đẩy đưa, tôi gặp ông xã của tôi hiện tại. Như con chim sợ cành cây cong, lúc biết ảnh thương mình, tôi phân vân dữ lắm. Liệu, người ta có thương mình thiệt không? Có bao dung với con mình không? Chị Thanh Nga nói vô, se duyên cho hai đứa thành đôi. Lễ ra mắt chỉ có vài mâm cơm đãi các cô các chú, anh chị em trong đoàn. Tụi tôi sống với nhau hạnh phúc tới giờ. Những ngày tôi theo đoàn đi xa, một tay ảnh ở nhà lo cho thằng nhỏ. Hát khuya dậy muộn là chuyện thường của nghệ sĩ, còn ảnh dậy sớm, lo cho con ăn uống rồi chở con đi học. Thậm chí, ảnh thương và chăm con còn hơn tôi nữa. Chỉ buồn là tôi không có được mụn con nào với ảnh dù đã hai lần mang thai. Ảnh nói: “Tại cái số của mình nó vậy. Hơi đâu mà buồn. Với lại, con của vợ cũng như con của mình mà…”.
Tôi may mắn được Tổ phù trợ, được khán giả thương. Chừng này tuổi vẫn còn được sống với nghề. Hễ khán giả gặp là nắm tay, xuýt xoa: “Trời ơi, cô Thanh Nguyệt ở ngoài còn đẹp và sang hơn trên phim nữa!”. Cũng muốn được ca, được diễn hoài để đáp lại tình thương của khán giả. Có điều tôi không biết chạy xe máy, đi đâu cũng phải nhờ ông xã chở. Nhiều khi quay xa quá, nhìn ổng gật gù trên xuống trên xe, ăn bờ ngủ bụi, tội lắm! Mong khán giả thương, đừng giận. Phim nào đóng được là tôi nhận lời liền

Hoàng Linh Lan


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *