Chuyện đời, chuyện nghề cô Năm Sa Đéc

Chuyện đời, chuyện nghề cô Năm Sa Đéc

Chưa phân loại
15/04/2018
606 Lượt xem

(CLV) – Trong suốt cuộc đời hoạt động, nghệ sĩ Năm Sa Đéc đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật hát bội, cải lương, kịch nói và điện ảnh nước nhà. Bà góp phần không nhỏ trong việc phát triển nghệ thuật sân khấu miền Nam trong những năm 30-60 của thế kỷ XX.

Cô Năm tên thật là Nguyễn Kim Chung, sinh năm 1907, là con thứ 5 của ông Nguyễn Duy Tam, tức Cả Tam, xuất thân trong gia đình có truyền thống hát bội lâu đời ở làng Tân Đông, tổng An Thanh Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Từ nhỏ bà đã theo cha bước chân vào thế giới của nghệ thuật hát bội. Ngay cả cái tên Kim Chung cũng nhằm thể hiện mong muốn của ông Tam là khi lớn lên, bà sẽ tiếp nối truyền thống gia đình, trở thành một đào hát thành công như cô Năm Chung, đào hát bội nức tiếng lúc bấy giờ. Đúng như mong đợi của người cha, càng lớn cô Kim Chung càng đẹp và đặc biệt là có tình yêu ca hát mãnh liệt.

Năm 1915, gánh hát bội tiên phong ra đời mang tên Thiện Tiền Ban do ông Cả Tam đứng ra thành lập và làm bầu gánh. Năm 1928, nữ nghệ sĩ Kim Chung gia nhập làng hát bội. Lúc đầu bà được gọi với nghệ danh Năm Nhỏ nhưng về sau, do trùng tên với cô đào Năm Nhỏ người gốc Cần Thơ nên cha bà đã đổi tên gọi bà thành Năm Sa Đéc (ý chỉ cô Năm là người gốc Sa Đéc).

Chân dung cô Năm Sa Đéc.

Chân dung cô Năm Sa Đéc.

Với giọng hát thiên phú và lối diễn xuất lột tả được nội tâm, Năm Sa Đéc nhanh chóng trở thành ngôi sao qua các vai: Đào Tam Xuân trong tuồng “Đào Tam Xuân”; Lữ Phụng Tiên trong tuồng “Phụng Nghi Đình”, Hồ Nguyệt Cô trong tuồng “Tiết Giao đoạt ngọc”… và nhanh chóng được giới hâm mộ xếp vào hàng “ngũ châu” (năm gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật hát bội) đương thời gồm: Năm Đồ, Cao Long Ngà, Ba Út, Năm Nhỏ và Năm Sa Đéc.

Sau ngày gánh hát của cha tan rã, bà Năm sang Cần Thơ đi hát cho gánh của bầu Bòn. Ở đó, mặc dù xuất thân từ sân khấu hát bội nhưng do nhu cầu của thị trường, bà phải chuyển sang hát cải lương theo yêu cầu của bầu gánh. Nhờ có nền tảng vững vàng từ nhỏ nên điều đó không hề làm khó được bà. Năm Sa Đéc dần dần trở thành cái tên rực sáng trên sân khấu cải lương.

Không lâu sau, bà lại xuất hiện ở các đoàn hát của Trần Đất, Huỳnh Kỳ sắm các vai kiếm khách, văn thần, võ tướng. Nhưng rồi cũng không bền, bà lại chuyển qua hát ở đoàn Song Phụng, tiếp đến về Sài Gòn với đoàn Phước Xương. Trong khoảng thời gian này bà đóng rất nhiều vai, từ những tiểu thư xinh đẹp đến những vai nam anh dũng, hào hùng hay thậm chí cả vai người cùi, điên và rất được khán giả đương thời yêu thích.

Trong thời gian lưu diễn, bà Năm Sa Đéc đã có rất nhiều khán giả ái mộ và cũng có một vài mối tình đầu đời. Vào khoảng năm 1938 – 1939, một trong những mối tình hương sắc mặn nồng giữa bà Năm và ông Đốc Phủ Sứ Đặng Ngọc Chấn (quê tỉnh Long An) đã cho ra đời một cậu con trai. Do một vài lý do, đôi “trai tài, gái sắc” này không thành vợ chồng, bà Năm Sa Đéc đã âm thầm, lặng lẽ nuôi con.

Bà Năm đã dồn hết tâm sức, trí lực cho nghệ thuật sân khấu cải lương, kịch nói… Bằng tài năng ca diễn xuất chúng nên danh tiếng của bà Năm Sa Đéc vang lừng khắp nơi.

Đến năm 1947, bà Năm Sa Đéc đã phải lòng và kết nghĩa tơ hồng với học giả, nhà biên khảo Vương Hồng Sển (nguyên là Giám thư Bảo tàng Viện Sài Gòn). Cô Năm tuy là người thứ 3 xuất hiện trong cuộc đời ông nhưng lại là người vợ chung sống lâu nhất với ông. Hơn 40 năm chung sống với cụ Vương, bà Năm đã hạ sinh một người con trai là Vương Hồng Bảo.

Không chỉ thành công trong lĩnh vực sân khấu ca kịch cải lương, bà Năm Sa Đéc còn là một nữ minh tinh điện ảnh tài, sắc vẹn toàn luôn được nhiều người ngưỡng mộ, qua các bộ phim “Lệ đá”, “Con ma nhà họ Hứa” (trước năm 1975) và nhiều bộ phim sau năm 1975 là “Cho đến bao giờ”, “Mùa nước nổi”, “Con thú tật nguyền”, “Nơi bình yên chim hót”…

Cô Năm Sa Đéc từ sân khấu hát bội cho đến sân khấu cải lương, kịch nói, điện ảnh đều có những thành công, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu miền Nam trong những năm 30-60 của thế kỷ XX.

Nhớ đến Cô Năm Sa Đéc, người xem không chỉ nhớ đến những nhân vật bà hội đồng chanh chua, đanh đá dữ dội trên sân khấu kịch nói mà còn nhớ đến hình tượng bà lão nông thôn Nam bộ đôn hậu, hiền lành và giàu lòng nhân ái. Ở cô Năm, không chỉ thể hiện tài năng diễn xuất của một nghệ sĩ mà còn là hiện thân của sự lao động miệt mài, không mệt mỏi, một nhân cách chân chính của người diễn viên trên sàn diễn cũng như trong cuộc đời.

Cô Năm Sa Đéc Nguyễn Kim Chung mất năm 1988 để lại bao thương tiếc cho mọi người đối với một nghệ sĩ tài hoa, đức độ.


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *