Chuyện tình Lan và Điệp
“Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp một chuyện tình cay đắng, lúc tuổi còn thơ Lan vẫn thường mộng mơ, nên chép thành bài thơ”
Ngày xưa có chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài làm nao lòng nhân thế, ngày nay có chuyện tình Lan và Điệp làm nhân thế xót xa.
Lan – cánh hoa lan dịu dàng, đằm thắm giữa làng quê nghèo nhưng đậm đà hương sắc.
Điệp – cậu học trò thư sinh, nho nhã, tính tình ôn nhu, đôn hậu, thật thà.
Lan mồ côi mẹ, Điệp lại mất cha, giữa hai gia đình xem nhau như tình thân, dù vật đổi sao dời nhưng nghĩa tình không bao giờ dời đổi.
Chuyện hôn ước giữa hai nhà, cha mẹ đôi bên đẹp lòng, đôi trẻ cũng vừa ý. Chỉ đợi ngày Điệp học hành thành tài thì “cánh bướm – cành lan” sẽ bên nhau mãi mãi.
Trời thì đâu bao giờ chiều lòng người, nếu không có những chuyện tình dang dở thì lấy gì chép thành nhạc, thành thơ.
Như câu “học tài thi phận” kỳ thi này Điệp rớt, đã phụ lòng kỳ vọng của ông Tú – ba của Lan và cả sự mong mỏi của mẹ mình. Tuy thế, nhưng không ai trách hờn, chỉ động viên cho anh vững tinh thần trong kỳ thi lại sắp tới.
Chính vì thế, mà lần này Điệp về rồi ra đi vội vã, thêm vô tình nghe chuyện ông Phủ nào đó khiến cho Lan phập phồng lo sợ, một nỗi lo sợ vô hình. “Một năm mười hai tháng dài đăng đẵng, chỉ trông đợi mấy tháng hè. Mỗi khi ngoài trời bắt đầu lất phất hạt mưa, mấy con ve kêu rân trên ngọn me tây ngoài nhà Việt. Trời đất thì buồn như vậy đó, mà lòng vui không kể xiết, vì biết rằng người ta này sắp gặp lại người ta đó, sau gần một năm xa cách mong chờ. Gặp mặt thì hỏng biết nói chuyện chi mà xa thì trong dạ thấy buồn” những lời tâm tình đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm của Lan trong ấy, chắc Điệp cũng hiểu, cũng cảm nhận được. Dù chưa nói lại, nói qua, nhưng xem như người một nhà, Lan xem thím Cử như mẹ chồng mà hết lòng chăm sóc “sáng ở nhà lo cho cha chén nước, chiều qua bên đây hầu mẹ miếng trầu.”
Dành dụm được nhiêu tiền, Lan gởi hết cho Điệp lo việc học hành chỉ mong “mai đây danh phận rỡ ràng, xin chớ phụ phàng tình xưa duyên cũ.”
Tình yêu mà Điệp dành cho Lan cũng rộng lắm, lớn lắm, cũng sâu sắc, da diết lắm. Nhưng nó không thể hiện qua lời nói, qua những câu thề thốt mà chỉ qua ánh mắt trao nhau, qua cái nắm tay vô tình chạm nhẹ, qua cử chỉ quan tâm cho nhau.
Hành trang chắt chiu cho tình yêu của cả hai thêm đẹp đó chính là những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu “nhớ những lần trốn nhà đi bắt chim, hái ổi, về nhà bị đòn, người ta chịu tội thế cho tui.”
Ngoài tình yêu dành cho Lan, Điệp còn tự gánh thêm phần ân nghĩa mà ông Tú đã hết lòng giúp đỡ mẹ con anh, nên lần này anh càng quyết tâm hơn.
Tất cả mọi người, mẹ anh, ông Tú, Lan và cả anh nữa… đều đang hy vọng vào viễn cảnh tươi sáng ngày mai.
Nhưng nào ngờ “đâu ai đưa sáo sang sông, mà sao sáo cũng xổ lồng bay xa.”
Đời, ai cho không ai cái gì, nhất là ông Phủ tên quan xấu xa, đặt nặng kim tiền mà xem nhẹ tình nghĩa. Ông dùng cái tình quen biết khi xưa với cha của Điệp, hứa sẽ giúp đỡ anh trong kỳ thi. Ẩn chứa sau cái lớp vỏ bọc niềm nở, đằng sau nụ cười hiền hòa, những lời nói ngọt ngon là một âm mưu đê hèn. Ông ta chỉ muốn dùng Điệp làm bức bình phong che đậy chuyện xấu mà Thúy Liễu đã gây ra, không chồng mà chửa hoang. Nếu chuyện này đồn ra ngoài, thì danh dự quan phủ như ông biết để đâu. Sự xuất hiện kịp thời của Điệp đã giúp ông khỏi đau đầu tìm cách. Cậu học trò, thật thà gần như hơi khù khờ quá đúng ý ông Phủ.
Sau khi lên tỉnh, đúng như lời, Điệp đến nhà ông Phủ. Trước sự đón tiếp ân cần, chu đáo, miệng nói điều nhân nghĩa, Điệp chẳng chút đề phòng nào, trong lúc mơ màng hình như Điệp thấy mình cùng sánh bước bên Lan trên lối nhỏ quen thuộc.
Nhưng khi tinh thần tỉnh táo, thì mọi chuyện trái ngược, anh không phải đang nắm tay Lan, mà đang nằm cạnh Thúy Liễu. Ông bà Phủ, kẻ đóng vai hiền, người thủ vai ác, mỗi người một câu, vừa ép vừa buộc Điệp phải chịu trách nhiệm, thêm phần Thúy Liễu khóc lóc khiến Điệp bàng hoàng không biết xử trí sao, trước sự việc quá đỗi đột ngột.
Ông bà Phủ xuống đến tận nhà làm khó mẹ con Điệp, cái thời đồng tiền có thể đè chết con người, thêm thế lực của ông Phủ, mẹ góa con côi như Điệp biết liệu làm sao.
Hủy lời giao ước xưa? Thà là bà Cử để Điệp ngồi tù, cũng không thể nào bội ước. Cảm thông nỗi khổ tâm của bà Cử, sự khó xử của Điệp, ông Tú đau lòng tự ý đưa ra quyết định hủy hôn, dù ông biết rằng quyết định này sẽ làm Lan khổ, Lan đau.
Đứng ở bên ngoài, Lan đã nghe hết, từng câu, từng lời như sợi roi da quất vào da thịt Lan nhức buốt. Muốn chạy khỏi đây để không phải nghe, phải thấy nhưng sao chân cô như không còn chút sức lực nào nữa rồi. Lan có muốn khóc đâu sao nước mắt tuôn dòng, nghe tiếng bi ai vọng từ cõi xa nào. “Mà nước mắt của tui bây giờ có nghĩa lý gì đâu, có ăn nhằm gì đến ai nữa đâu.”
Điệp đang đứng trước mặt Lan, từ nhỏ cho đến lớn mỗi khi lầm lỗi chuyện gì, anh đều thay Lan đứng ra gánh vác, anh không muốn Lan buồn hay phải rơi một giọt lệ. Vậy mà giờ đây, người con gái anh yêu đang khóc trước mặt anh….
Vì anh mà khóc
Vì anh mà đau lòng….
Những giọt nước mắt rơi như những mũi kim đâm vào tim anh đau nhói.
Mười mấy năm qua, tuy kẻ ở tỉnh người ở quê, xa xôi cách trở nhưng lòng không xa. Còn giờ đây, chỉ một thời gian ngắn sao mọi chuyện đã đổi thay. Anh đứng đó, cô ở đây mà như muôn trùng xa cách.
“Bây giờ rượu nồng đưa sáo sang sông, gió thu chưa đến nhưng lá rơi đầy.”
Lan nép bên đường, tay che miệng cố ngăn đi tiếng nức nghẹn ngào. Lan điên rồi, điên thật rồi, sao phải tự đày đọa, tự làm khổ mình như thế. Sao ép mình phải chứng kiến cảnh người mình yêu đi cưới người con gái khác.
Lan khổ, Điệp cũng chẳng sung sướng gì khi sánh bước bên người không yêu. Con đường làng ngày nào anh cùng Lan chung bước, sao bỗng nhiên hôm nay dường như dài vô tận, sao lại trở nên gập ghềnh, khó đi đến thế. Mỗi bước chân như dẫm lên gai nhọn buốt lòng đau xé thịt.
Điệp cưới Thúy Liễu không lâu, thì Lan cũng lên chùa, mái tóc xanh gởi lại bạn lòng “ai nào biết cho ai, đời quá chua cay, duyên đành lỡ vì ai. Bao nhiêu niềm vui cũng vùi chôn từ đây, vùi chôn từ đây”.
“Điệp còn nhớ đến Lan không?
Thiền môn thăm viếng bạn lòng mà chi
Từ ngày lỡ mối tình si
Thân em gởi cửa từ bi trọn đời”
Lan muốn nhờ tiếng kệ lời kinh để bôi xóa mối tình tan vỡ, nhưng càng cố quên lại càng thêm nhớ. Lan chôn xác bướm, cành lan như chôn đi mảnh tơ lòng “hai nấm mồ song song, để xuân hạ thu đông, dẫu mưa nắng dãi dầu cùng hứng chịu chung đôi.”
Nhờ bé Xuân đến báo tin, Điệp mới biết Lan quá buồn đau mà xuống tóc quy y. Điệp cứ tự dối lòng, tự an ủi bản thân mình tháng năm sẽ lãng quên, thời gian là thuốc giải. Nhưng sự thật luôn khiến người ta đau lòng, mỗi sợi tóc Lan rơi là từng sợi roi da quất vào Điệp khiến anh thương tích đầy mình.
Nhưng biết trách ai đây “Lỡ một cung đàn, phải chăng tình đời là vòng dây oan trái. Nếu vì tình yêu Lan có tội gì đâu, sao vướng vào sầu đau.”
Điệp lập tức lên chùa tìm Lan, anh muốn giãi bày, anh muốn minh oan. Anh muốn nói cho Lan biết anh chưa hề phản bội tình cô. Anh sẽ quỳ dưới chân Lan mà xin cô tha thứ cho những chuyện ngu ngốc mà mình trót gây ra, đã làm khổ anh, khổ Lan khổ cả hai gia đình.
“Trời vô tình đã khiến xui nên cơn ly tan, cớ sao hãy còn xui người yêu đi thăm Lan.” Điệp chưa kịp nói gì thì Lan đã cắt đứt dây chuông, dây chuông đã đứt như chia rẽ đạo đời hai ngã.
Lan muốn Điệp quên cô mà làm tròn bổn phận với gia đình, cô không muốn có người con gái khác đau khổ giống như cô. Lan có ngờ đâu, tình yêu mà vay mượn thì làm sao có hạnh phúc, trong khi Thúy Liễu cũng chẳng yêu thương gì Điệp, tất cả chỉ là trò lường gạt rẻ tiền.
Lan cắt đứt dây chuông cũng chính là lúc Lan tự tay cắt đứt sinh mệnh của mình.
Những lá thư Điệp gởi Lan đâu có đọc, nên cô nào biết nào hay sự thật. Cô cứ mãi ôm mối tình si, sống trong nhớ thương tuyệt vọng để rồi thân thể héo mòn, hơi thở mỏng manh như chỉ mành treo chuông.
Nhờ sự giúp đỡ của chú tiểu, Điệp mới vào gặp được Lan, nhưng chỉ còn kịp nhìn mặt nhau lần cuối. Chỉ kịp cho Điệp phân bày những u ẩn “Lan ơi, anh là Điệp đây, em hãy gượng dậy nhìn cho tận mặt. Anh đã đến đây vừa kịp lúc để tiễn đưa Lan vào cõi muôn trùng.”
Biết Điệp vẫn yêu mình, vẫn chung thủy, tất cả chỉ là âm mưu của bọn thừa quyền lắm của, Lan như tìm lại được hơi thở và lẽ sống “anh Điệp ơi, em hỏng có chết đâu, em đâu có chết được phải không anh? em sẽ về với anh, em sẽ về với anh mà…”
Ông trời ơi, ông có thấy không, ông có nghe không những lời nát lòng nát dạ. Ông tạo ra chi cảnh lá lai cay nghiệt để người đọa đày cuộc đời, kẻ tan nát lòng đau.
Không phải là một mà là tiễn hai linh hồn vào nguyệt lạnh. Điệp ôm chầm lấy thân thể gầy gò của Lan như muốn truyền hơi ấm cho cô, như muốn níu kéo cô ra khỏi bàn tay của Tử Thần. Nhưng muộn rồi, tất cả đã chấm hết, Lan bỏ anh rồi, mãi mãi anh cũng không còn gặp được Lan nữa. Điệp gào khóc gọi tên Lan như muốn xé tan chín tầng mây thấu đến tai trời. Lan chết rồi, Điệp còn đây cũng chỉ là thể xác trống rỗng.
“Ngoài kia từng tiếng cú kêu thương ôi đau thương, gió than não nề trong màn đêm ôi đau thương. Từng hồi chuông ngao ngán, ngân dài như khóc than…. tiễn một linh hồn”.
Để lại một bình luận