Cô gái cổ nhạc

Cô gái cổ nhạc

07/07/2021
975 Lượt xem

(CLV) – Với số lượng nhạc cụ chiếm diện tích kha khá trong phòng, Lục Phạm Quỳnh Nhi (24 tuổi) đã có nhiều năm tìm tòi về cổ nhạc. Nhi là tác giả cuốn sách Đường vào đờn ca tài tử, thực hiện các chương trình về cổ nhạc – loại hình nhiều người cho là khó nhằn.

Lục Phạm Quỳnh Nhi trong một buổi trò chuyện về cổ nhạc (ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng)

Lục Phạm Quỳnh Nhi trong một buổi trò chuyện về cổ nhạc (ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng)

Từ lời ru thuở nhỏ

Quê ở Bình Định, cả nhà chuyển vào TPHCM từ năm 2009, Quỳnh Nhi kể: “Hồi nhỏ ba ru tôi ngủ bằng Lý chiều chiều, lớn lên tôi gặp người thầy hay kể chuyện các miền đất, tặng tôi cuốn sách về văn hóa Việt với lời đề tặng “Làm gì được cho văn hóa nước mình thì làm”. Sau đó, tôi học đàn tranh, điều này giúp tôi khẳng định rằng mình thích những chất liệu văn hóa truyền thống”. Năm 2015, Quỳnh Nhi bắt đầu tìm hiểu cổ nhạc với tư cách là học viên tham gia các lớp học lịch sử, văn hóa của Thư quán Cội Việt.

4 năm sau, Quỳnh Nhi trở thành người sản xuất nội dung chương trình của Cội Việt. Nhi thực hiện các buổi trò chuyện về đàn tranh và cổ nhạc, trợ giảng cho các khóa học cảm thụ cải lương. Cô gái còn làm chuỗi chương trình Diễn xướng Nam bộ nói về các loại hình diễn xướng dân gian miền Nam. Chưa dừng lại ở đó, Nhi còn tổ chức chuỗi workshop Nhịp phách cổ kim gồm 8 kỳ, cùng với các chuyên gia giới thiệu về đờn ca tài tử, mở các lớp ca cổ cho người trẻ.

“Tôi thích nhất là đợt làm trợ lý dự án Lịch sử truyền khẩu của cải lương của Hội đồng Anh 2 năm trước. Tôi có một tuần vô cùng bận rộn với 2 nhà nghiên cứu người Anh, phỏng vấn những diễn viên gạo cội, soạn giả, đạo diễn mà tôi mến mộ”, Nhi kể. Nhi cũng dịch sang tiếng Việt cuốn Câu chuyện cải lương thật và đẹp – kết quả của dự án nghiên cứu. Mỗi lần ra nhà sách, nhìn thấy cuốn sách mình đã góp công, Nhi lại thấy vui vì công trình này đã ghi lại những hồi ức nghệ thuật cải lương của 4 thế hệ.

Sau khi cùng Cội Việt hoàn tất chương trình Diễn xướng Nam bộ trong 3 năm, Quỳnh Nhi chắt lọc tư liệu để viết cuốn Đường vào đờn ca tài tử. Nhi chia sẻ: “Cuốn sách như cột mốc tốt nghiệp sau thời gian tôi theo đuổi các chủ đề về diễn xướng”. Với cách viết vừa trẻ trung vừa khái quát, 60 trang sách của Nhi đã mang đến những nét cơ bản về đờn ca tài tử, từ lịch sử hình thành cho đến nhắn nhủ về một lối đờn ca vị nghệ thuật, gìn giữ văn hóa truyền thống. Đường vào đờn ca tài tử cùng 3 cuốn khác của bộ sách Đường vào diễn xướng Nam bộ đã gợi mở về cổ nhạc không chỉ qua con chữ mà còn bằng những mã QR tích hợp bản thu âm biểu diễn của các nghệ nhân.

Thanh âm của người Việt

Với những gì đã làm, Quỳnh Nhi nói rằng mình chỉ là một người đang thực hành văn hóa. Để có thể tạo nên những nội dung hoàn chỉnh, Nhi dành thời gian đọc, lưu lại những tài liệu liên quan, điền dã những nơi có các buổi biểu diễn truyền thống như lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, các chuyến đi Huế, lễ hội Kỳ yên ở các đình…

Sau khi tham gia một cuộc thi do UNESCO tổ chức với hơn 34 đội tham dự từ các nước nhằm hỗ trợ các dự án văn hóa, nhóm Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) ra đời cuối năm 2020. Hoạt động cốt lõi của nhóm là “tiêu hóa” những kiến thức chuyên sâu thành một cách tiếp cận cởi mở. Tại cuộc thi này, nhóm đã giành giải cho dự án Hát bội 101 nhằm đưa hát bội đến với người trẻ.

Quỳnh Nhi nói rằng, sau đó mình cùng 7 thành viên nhóm đã “chơi lớn” khi lập fanpage, YouTube và tổ chức các lớp học, làm nội dung cho đến nay. Theo Nhi, nếu có những chỉ dẫn chân thành, mọi người sẽ có hứng thú tìm hiểu giá trị truyền thống. Nào là những diễn giải đồ họa tuồng cổ như Phàn Lê Huê phá hồng thủy trận, cho đến cung cấp bí quyết cho người mới xem tuồng… đều được trình bày rất trẻ trung trên fanpage.

Quỳnh Nhi còn nhớ những ngày du học ngành Truyền thông ở Canada. Cô gái trẻ đem theo đàn tranh, dù đi bất cứ đâu; bình thường chơi nhạc giải trí, có dịp thì biểu diễn ở các lễ hội văn hóa của trường, tạo các buổi trò chuyện nhỏ về nhạc cụ này. Bất ngờ, Nhi quyết định dừng việc học sau năm thứ hai, rẽ sang “theo đuổi chuyện mình cho rằng phải làm trong đời”. Trở về, Nhi miệt mài với việc tổ chức các chương trình và hiện tại là tung tẩy với Hiếu Văn Ngư. Nhi bộc bạch: “Chúng tôi định hướng Hiếu Văn Ngư trở thành kênh đáng tin cậy cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Chúng tôi muốn mọi người được vui vẻ, không mang cảm giác nặng nề khi chạm vào văn hóa”.

Trong suy nghĩ của Quỳnh Nhi, có người thích K-pop, người thích nhạc Âu Mỹ, cũng sẽ có người thích cổ nhạc. Cổ nhạc mang trong mình thanh âm của người Việt, chứa đựng nhiều triết lý và hình hài những thời đại đã qua. Nhi nói: “Tôi có thêm nhiều mẫu tham khảo để thỏa sức sáng tạo. Khán giả cứ thử tìm hiểu, biết đâu sẽ thấy hay”.

Ông Sáu Hưng (Nguyễn Văn Hưng), người truyền dạy cho Quỳnh Nhi về đờn ca tài tử, chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên khi Quỳnh Nhi còn trẻ mà có những suy nghĩ, cảm nhận và muốn giữ gìn văn hóa dân tộc. Chúng tôi rất thương và quý Nhi”. Cô gái trẻ cũng không có nguyên tắc gì ngoài lời dạy của người thầy đàn tranh đầu tiên, rằng làm cái gì cũng phải đàng hoàng, tử tế.


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *