Cố Nghệ Sĩ Đức Lợi: Xướng Tướng Bất Diệt Thế

Cố Nghệ Sĩ Đức Lợi: Xướng Tướng Bất Diệt Thế

09/10/2017
1462 Lượt xem

(CLV) – Cứ mỗi khi có đồng nghiệp hay ai đó vô tình nhắc đến nghệ sĩ Đức Lợi, lòng tôi lại dấy lên cảm xúc gì đó rất khác lạ. Một chút hồi tưởng pha lẫn vào đó một chút tiếc nuối. Xung quanh như lắng đọng, văng vẳng câu hát ngỡ lạ mà quen thuộc “Thề không tha quân Tống … Cho rõ sức Đoàn Hồng … Khí phách anh hùng nào nhường thua ai … Binh Tống muôn trùng Phiên trào danh lừng … Địch thủ kỳ phùng sẽ cùng đua tranh a …” …Lời ca thể hiện rõ chất uy vũ anh hùng không hề thua nhường bất cứ ai của nghệ sĩ Đức Lợi khiến người nghe cảm nhận rõ ràng ý chí bất khuất của một vị lão tướng trên sa trường cầm gươm đao ra trận chẳng hề run tay núng nao.

Nghệ sĩ Đức Lợi

Nghệ sĩ Đức Lợi

Nếu đến đây khán giả vẫn chưa biết rõ về tiểu sử và hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Đức Lợi, tôi xin mạn phép liệt kê một chút để khán giả được biết thêm về ông.

Nghệ sĩ Đức Lợi tên thật là Huỳnh Văn Lợi, sinh năm 1948 tại Sài Gòn. Ông học hát tại đoàn Đồng ấu Trường Thành, được nghệ sĩ hát bội lão thành Mười Vàng truyền nghề và đặt cho nghệ danh Đức Lợi.

Sau đó nghệ sĩ Đức Lợi đầu quân hát cho đoàn Chánh Thành của ông bầu Huỳnh. Đoàn Chánh Thành nhiều lần thay đổi bảng hiệu, đó là đoàn Kim Mai, rồi Thanh Bình – Kim Mai.

Khi ông bầu Huỳnh cộng tác với ông bầu Tư Lù lập thành bốn đoàn Thanh Bình – Kim Mai thì Bạch Mai, Đức Lợi, Ngọc Đáng và Thanh Bạch là bốn diễn viên chánh của đoàn Thanh Bình – Kim Mai 1, hát thường trực tại đình Nhơn Hòa Cầu Muối.

Bạch Mai và Đức Lợi thường hát cặp với nhau hai vai chánh, cảm tài mến sắc của nhau và vì cùng hát chung với nhau lâu năm trên sân khấu Thanh Bình – Kim Mai nên hai bên tức sinh tình cảm, được cha mẹ đứng ra tác thành nhân duyên.

Ở đoàn cải lương Sài Gòn 3 và đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Đức Lợi nổi danh qua các tuồng xã hội Một Cuộc Giải Phẫu, Quán Hương Tràm, Tấm Cám, Anh Hùng Bán Than, Đường Về Núi Lam và đặc biệt nổi bậc nhất là vai Nguyễn Huệ trong tuồng Mặt Trời Đêm Thế Kỷ.

Vai diễn này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của nghệ sĩ Đức Lợi , mang về cho ông Huy Chương Vàng Diễn Viên Xuất Sắc trong Hội Diễn Sân Khấu Chuyên Nghiệp toàn quốc năm 1995.

Sau năm 1975, Đức Lợi cũng được khán giả ái mộ nồng nhiệt khi ông cộng tác với đoàn cải lương Sài Gòn 3 và đoàn Huỳnh Long.

Về gia đình nghệ sĩ Đức Lợi là phu quân của nghệ sĩ soạn giả cải lương nổi tiếng Bạch Mai (còn có bút danh khác là Viên Hoàng). Ông là phụ thân của cố nghệ sĩ Chinh Nhân và nghệ sĩ Bình Tinh. Còn hai người con khác không theo nghề nghiệp ca xướng của ông.

Về kỹ năng ca diễn, nghệ sĩ Đức Lợi sở hữu chất giọng mỏng không quá nổi bật so với dàn nghệ sĩ đồng trang lứa. Bù lại ông có chất giọng êm đềm trôi chảy, khiến người nghe dễ cảm mến. Nếu nghe thoáng qua có thể thấy giọng ông khá giống nghệ sĩ Hữu Phước nhưng làn hơi của ông mỏng hơn. Nên ở lĩnh vực cải lương Hồ Quảng ông thành công hơn rất nhiều, vì cải lương Hồ Quảng không quá đặt nặng vấn đề giọng đẹp hay giọng dày.

Kỹ năng ca xướng không quá xuất sắc nhưng kỹ năng biểu diễn của ông thật không thể xem thường. Với lợi thế là vóc dáng nhỏ gọn ưa nhìn thêm bản thân sở hữu những tuyệt kỹ mà suốt quãng thời gian lăn lộn trong nghề ông tích góp được, ông dễ dàng khiến khán giả phải bất ngờ về khả năng ra bộ biểu diễn động tác đẹp vừa phải không rườm rà đến khó tin. Động tác đẹp dứt khoát thể hiện được thần thái uy vũ bá khí của nhân vật. Riêng tôi, tôi vẫn thích vai diễn Đoàn Hồng trong Đãi Yến Đoàn Hồng Ngọc của ông, một vị lão tướng kiên cường ngạo nghễ hiên ngang đối chọi với giặc đến chết vẫn không chịu đầu hàng cúi loàn. Cơ duyên đưa tôi biết đến ông cũng nhờ vai diễn này. Nếu xem lướt qua lần đầu nói thật lòng tôi không có ấn tượng mấy về ông, vì giữa một dàn nghệ sĩ xinh đẹp tài sắc giọng ca ngọt ngào bắt tai thì ông gần như lọt thỏm giữa họ. Nhưng đến lần thứ hai, tôi bắt đầu bị ông thu hút bởi cái bá khí thần thái ra bộ của ông. Tôi chỉ biết thốt lên rằng ‘’ Quá đẹp quá ấn tượng ‘’

Một số vai diễn cũng không kém phần ấn tượng của nghệ sĩ Đức Lợi: Quảng Minh (Anh Hùng Náo), Lưu Bị (Về Đất Kinh Châu), Hữu Sinh (Thập Sư Đại Phủ), Trọng Thủy (Trọng Thủy Mỵ Châu) v…v

Huy hoàng một thời là vậy nhưng khi đến tuổi xế chiều nghệ sĩ Đức Lợi lại gặp phải nhiều điều bất hạnh. Ông bị bệnh nan y, nghèo đói và thất nghiệp, đi hát ở quán nghệ sĩ để sống qua ngày. Hội Ái Hữu Nghệ sĩ tổ chức hát gây quỹ giúp nghệ sĩ nghèo già yếu neo đơn. Ông được mời đến rạp Hưng Đạo nhận hai triệu đồng, lúc ra về ông bị xe tông té, bị chấn thương sọ não, nằm hôn mê một tháng sau thì từ trần. Lễ an táng nghệ sĩ Đức Lợi tại nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp ngày 23 tháng 9 năm 2005.

Là lớp khán giả hậu bối sinh sau đẻ muộn nên đáng tiếc là tôi chưa được một lần diện kiến vị xướng tướng của lòng mình. Nghe tin ông mất lòng tôi nặng trĩu. Mà không phải mình tôi, cả giới sân khấu đều chìm trong cảm giác đau lòng khó tả. Người ta nói người tài thường bạc mệnh, và nghệ sĩ Đức Lợi cũng vậy. Ông ra đi quá sớm để lại nhiều tiếc nuối đau buồn cho đồng nghiệp và khán giả mộ điệu cải lương. Đó là nỗi đau nỗi mất mát lớn đối với sân khấu cải lương mà không gì có thể bù đắp được.

Người đã đi xa nhưng giọng ca hình bóng con tằm miệt mài nhả tơ vẫn còn đây. Sân khấu năm nào vẫn còn phảng phất đâu đó hình ảnh người nghệ sĩ luôn cháy hết mình, những bộ tịch mạnh mẽ vẫn bất diệt. Thời gian có thể tàn phá tất cả, nhưng không thể tàn phá phai mờ được vị xướng tướng bất diệt thế của tôi cũng như của khán giả mộ điệu. Bởi hình ảnh người đó mãi nằm trong máu tim của khán giả sân khấu cải lương. Mãi mãi …

Một buổi sáng êm ả … Tôi nhớ Người !


5/5 - (5 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *