Cố nghệ sĩ Phương Quang – ‘ông vua’ hiền hậu của làng sân khấu

Cố nghệ sĩ Phương Quang – ‘ông vua’ hiền hậu của làng sân khấu

16/07/2018
924 Lượt xem

(CLV) – “Vua Riêm” qua đời sau di nguyện hiến xác, để lại niềm thương tiếc về một giọng ca, nhân cách đẹp trong lòng gia đình, đồng nghiệp.

Sáng 13/7, Nghệ sĩ Ưu tú Phương Quang mất tại nhà riêng ở quận 7, TP HCM, sau nhiều năm bệnh teo não. Dẫu biết trước tình trạng sức khỏe của ông, đông đảo bạn bè, giới nghệ sĩ thảng thốt khi hay tin ông từ biệt cõi tạm. Sinh thời, mọi người thường gọi Phương Quang trìu mến với cái tên “Vua Riêm” – theo tên vai diễn từng ghi đậm dấu ấn của ông. Những năm 1980, ông cùng NSƯT Thanh Vy đầu quân về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, làm mưa làm gió với hàng nghìn suất diễn vở Nàng Xê Đa. Câu chuyện về vua Riêm (Phương Quang thể hiện) giả chết để thử lòng chung thủy của người tình đã lấy nước mắt khán giả Sài Gòn suốt nhiều thập niên.

Gần 60 năm theo nghiệp xướng ca, Phương Quang ghi dấu với một kho tàng đồ sộ những vai diễn đáng nhớ, lối hát chân phương, mộc mạc cùng hình dung khó phai về một nghệ sĩ mẫu mực của làng cải lương.

Cố NSƯT Phương Quang.

Cố NSƯT Phương Quang.

Với đồng nghiệp, điều đọng lại sau cùng về Phương Quang là nụ cười hiền từ, giọng nói sang sảng, chậm rãi đậm chất Nam bộ. Khi hay tin ông qua đời, nghệ sĩ Thanh Vy hồi tưởng thuở cả hai mới gắn bó ở Nhà hát Trần Hữu Trang. Lúc ấy, bà từ Bắc vào, còn lạ lẫm, ngại ngùng với lối xử sự, trò chuyện với đồng nghiệp mới. Phương Quang giúp bà xóa nhòa khoảng cách, hòa nhập với đoàn hát nhanh hơn.

Khi Thanh Vy gặp Phương Quang, ông đã là ngôi sao sáng với giải thưởng Thanh Tâm. Dẫu vậy, ông không có cử chỉ, lời nói nào ra vẻ đàn anh mà cần mẫn chuốt cho bà từng lời thoại, sẵn sàng dừng lại chỉnh sửa khi cả hai tập song ca chưa ăn ý. Vai vua Riêm và nàng Xê Đa của họ in đậm trong lòng khán giả thập niên 1980. Sau này, Thanh Vy chuyển sang đóng kịch, cả hai ít dịp gặp nhau. Bà sững người khi hay tin ông mất. “Ông là một đồng nghiệp, một người anh đáng kính”, nghệ sĩ Thanh Vy rưng rưng.

* Phương Quang và Thanh Vy trong trích đoạn ‘Nàng Xê Đa’

Không chỉ ứng xử chu đáo với đồng nghiệp, tình yêu hơn 40 năm Phương Quang dành cho vợ khiến ông được bạn bè, khán giả nể trọng. NSND Bạch Tuyết gọi cuộc hôn nhân của vợ chồng Phương Quang là một trong những mối tình lãng mạn, lâu bền nhất của làng sân khấu miền Nam, bên cạnh vợ chồng cố NSƯT Thanh Sang.

Duyên số đưa đẩy Phương Quang kết hôn với bà Kim Hương – một người vốn chẳng mặn mà với cải lương. Ban đầu, bà theo vài người bạn vào đài truyền hình thành phố. Gặp ông, bà lễ phép dạ thưa. Ấn tượng với sự giản dị của cô gái, Phương Quang thầm ưng bụng. Mấy tháng sau, ông mời bà đi xem cải lương. Năm 1973, họ kết hôn, có hai người con, một trai, một gái. Từ chỗ không thích cải lương, bà trở thành fan, theo sát ông từ Bắc chí Nam suốt hàng nghìn suất diễn Nàng Xê Đa. Những lúc ông gặp khó khăn với nghề, bà chuyển việc từ kế toán sang buôn bán, chạy vạy từng bữa ăn. “Nhờ hôn nhân vững bền, đời tư của ông chưa một lần gây xôn xao, điều tiếng”, Bạch Tuyết nói.

Vợ chồng NSƯT Phương Quang.

Vợ chồng NSƯT Phương Quang.

Con trai Phương Quang – anh Quang Bảo – kể đức tính nhân hậu, luôn suy nghĩ cho người khác của cố nghệ sĩ đã ăn sâu trong máu ông, ngay cả khi ông lâm trọng bệnh. Đầu những năm 2000, Phương Quang chật vật điều trị bệnh gan. Sau khi khỏi, não ông bắt đầu tổn thương, teo dần do tác dụng phụ của thuốc. Biết rõ bệnh mình dẫu chữa trị cũng không đi đến đâu, ông và vợ làm thủ tục xin hiến xác. Vợ chồng cố nghệ sĩ vốn thông suốt ý niệm về sinh – tử, chỉ mong tiếp tục đóng góp cho xã hội sau khi mất. Tâm nguyện của vợ chồng ông được các con nhất loạt đồng tình.

“Tôi và chị đều hiểu rõ tính của cha. Ông sống giản dị, tiết kiệm, luôn nhường nhịn mọi người. Trước lúc mất, ông vẫn muốn cái chết của mình có thể phục vụ cho sự sống”, anh Bảo chia sẻ.

Nhân cách hào hiệp, trượng nghĩa của Phương Quang còn đi vào trong những vai diễn để đời của ông. Một thời gian dài, cố nghệ sĩ đóng đinh với các vai vua, tướng oai hùng, trung dũng qua vóc dáng, tướng đi vững chãi cùng chất giọng khỏe khoắn, ngân vang. Thuở đôi mươi, ông đã có nền tảng âm nhạc vững chãi nhờ nhiều năm học đàn với nhạc sĩ Văn Còn. Dần dà, ông chứng minh được thực lực qua loạt vai kép ở gánh Kim Thành, Kim Chưởng. Dưới sự uốn nắn của bà bầu Kim Chưởng, ông càng được truyền dạy bài bản hơn, có thể sắm nhiều dạng vai.

Báo chí thời ấy dùng nhiều mỹ từ ca ngợi tài năng của Phương Quang qua các vở Hai chiều ly biệt, Song long thần chưởng, Huyết phiến lôi phong, Mặt trời đêm… Chỉ hai năm sau khi vào đoàn Kim Chưởng, ông đoạt giải thưởng cao quý Thanh Tâm qua vai Kỳ Thanh Lang, vở Tình nào cho em vào năm 1966 – cùng năm với Thanh Nga, Thành Được, Phượng Liên. Bạch Tuyết đánh giá Phương Quang có chất giọng đặc trưng Nam bộ hay nhất, chỉ sau cố danh ca Út Trà Ôn.

Gia đình dựng di ảnh và bàn thờ cho cố nghệ sĩ sau khi ông hiến xác cho y học. Ảnh: Thụy Khê.

Gia đình dựng di ảnh và bàn thờ cho cố nghệ sĩ sau khi ông hiến xác cho y học. Ảnh: Thụy Khê.

Từng ở đỉnh cao, ông cũng nhiều lần nhận ra sự bạc bẽo của nghiệp xướng ca. Ông không khuyến khích hai con theo nghề ca hát. Từ nhỏ, các con được ông đặt mục tiêu phải có tấm bằng đại học. Khi trưởng thành, cô con gái lớn làm cho một công ty ở TP HCM, cậu con trai theo nghề dạy ngoại ngữ. Những năm gần đây, khi Phương Quang bị ảnh hưởng trí nhớ, con trai ông mới giấu ông lén đi học hệ trung cấp không chính quy của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Anh vừa tốt nghiệp cách đây vài ngày. Đến cuối đời, Phương Quang cũng không biết con trai sẽ nối nghiệp ông. Anh Quang Bảo muốn tiếp tục công việc ca hát của cha như một nghề tay trái, bởi với gia đình anh, ca hát đã là nghiệp dĩ.

Chiều 13/7, các bác sĩ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – nơi cố nghệ sĩ xin hiến xác – đã đến nhà ông tiếp nhận di thể. Gia đình đặt di ảnh, bàn thờ tại nhà riêng để đồng nghiệp, khán giả viếng ông trong ngày 14/7.

NSƯT Phương Quang tên thật là Tô Văn Quang, sinh năm 1942 tại Dĩ An, Bình Dương. Năm 1960, ông lên Sài Gòn tìm nhạc sĩ Văn Còn, người cùng quê và là bà con, để xin được học nghề. Ông theo nhạc sĩ một thời gian rồi vào đoàn Kim Thành, Kim Chưởng và thành kép chánh. Sau năm 1975, ông về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP HCM). Tại đây, ông có vai để đời là vua Riêm trong vở Nàng Xê Đa. Phương Quang và NSƯT Thanh Vy từng là cặp đào kép sáng giá của sân khấu cải lương thập niên 1980.

Mai Nhật / vnexpress.net


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *