Đạo diễn Nguyễn Công Ninh: Khó có cú hích cho sân khấu cải lương

Đạo diễn Nguyễn Công Ninh: Khó có cú hích cho sân khấu cải lương

30/08/2018
929 Lượt xem

(CLV) – Ngày 29-9, Cục Nghệ thuật Biểu diễn – Bộ VH-TT-DL tổ chức họp báo về Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2018. Dịp này, NSƯT – đạo diễn Nguyễn Công Ninh chia sẻ những trăn trở về sân khấu cải lương.

Đạo diễn Nguyễn Công Ninh: Khó có cú hích cho sân khấu cải lương - Ảnh 1.

NSƯT Nguyễn Công Ninh chúc mừng các nghệ sĩ tham gia vở cải lương “Lôi vũ”

* Phóng viên: Là đạo diễn được mời vào ban giám khảo Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018, anh có suy nghĩ gì về liên hoan dành cho sân khấu cải lương năm nay?

NSƯT Nguyễn Công Ninh: Cải lương từ lâu mong muốn sự khởi sắc, mang lại cho sàn diễn những dấu ấn mới. Tôi kỳ vọng một liên hoan mà khán giả sẽ tìm đến khi những vở diễn tham gia sẽ gợi cho họ sự hưng phấn. Lâu nay sàn diễn đã dần mai một, các thành phần sáng tạo nghệ thuật khi đến với liên hoan này phải tìm tòi sự mới lạ để sàn diễn cải lương có thêm sức sống.

* Theo anh, điều kiện quyết định để tìm được khán giả cho sàn diễn cải lương là gì?

Tôi không dám nghĩ là sau liên hoan sẽ là một cú hích để khán giả quay lại sàn diễn cải lương. Nhưng tôi tin khán giả mong chờ sự mới mẻ hấp dẫn và nghệ sĩ khi đến với liên hoan phải mang tâm trạng đổi mới trong ca diễn, đủ sức cuốn hút người xem. Khi hai luồng suy nghĩ của khán giả và nghệ sĩ giao nhau trong liên hoan, sân khấu cải lương sẽ có màu sắc mới, lôi cuốn hơn và vẫn giữ được giá trị truyền thống.

Đạo diễn Nguyễn Công Ninh: Khó có cú hích cho sân khấu cải lương - Ảnh 2.

NSƯT Nguyễn Công Ninh

* Năm nay, thành phần ban giám khảo không có đạo diễn, nghệ sĩ tham gia vở diễn tại liên hoan. Anh có suy nghĩ gì về điều này?

Tôi cho rằng đó là yếu tố tích cực. Đây là động cơ tích cực để anh chị em nghệ sĩ sáng tạo đúng nghĩa, họ không ỷ lại do quen biết, do “lợi ích nhóm” với ban giám khảo mà không đầu tư xứng tầm cho vai diễn, vở diễn.

Ban giám khảo phải trung thực trong nhận xét, phê bình, đánh giá, tạo ra một kết quả công tâm. Hễ có vở diễn hoặc núp bóng tên học trò, thực tế do mình đạo diễn thì đừng chấm thi. Ở những liên hoan, hội diễn trước đây, tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đã khiến nghệ sĩ nản lòng.

* Còn một thực tế là vở diễn tham dự liên hoan thường không bán được vé. Anh có tin sau liên hoan, các vở diễn sẽ đến được với công chúng?

Đúng là một số vở rơi vào tình huống không bán vé được. Tôi chưa tin sân khấu cải lương sẽ sống lại sau đợt liên hoan này, chỉ mong khán giả tìm được sức hấp dẫn ở vở diễn khi có sự đầu tư về chất lượng và ở sự tham gia của những nghệ sĩ biết đem khám phá mới mẻ, hay hơn đến cho khán giả.

Tôi mừng khi có nhiều đơn vị xã hội hóa cải lương tham gia liên hoan lần này. Đó là những nghệ sĩ tâm huyết với nghề tự bỏ tiền túi ra để làm vở diễn tìm đến khán giả. Họ đã có chiến lược để công bố vở diễn tại rạp để bán vé trước và sau khi tham dự liên hoan. Đó là một tín hiệu vui.

* Thực tế, liên hoan không quảng bá để người xem biết, ngoài người trong nghề?

Tôi nghĩ Cục Nghệ thuật biểu diễn phải suy nghĩ về vấn đề này, tìm cách quảng bá thật sự hữu hiệu để ngày hội sân khấu cải lương thu hút đông khán giả. Khi chưa xem liên hoan là ngày hội của ngành nghề thì vẫn cứ “được chăng hay chớ”. Anh em nghệ sĩ đến với ngày hội có khán giả thì đó là điều hạnh phúc, còn chỉ đến để tìm huy chương thì sẽ không là sân chơi của nghề như khát vọng vốn có của người làm nghệ thuật.


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *