Dấu ấn Phượng Liên

Dấu ấn Phượng Liên

Chưa phân loại
09/05/2017
505 Lượt xem

Từ California vừa về nước, nghệ sĩ Phượng Liên đã bước ngay lên sàn tập. Chị đảm nhận cả hai vai chính của nghệ sĩ Thanh Nga trong hai vở cải lương kinh điển: Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh.

dau an phuong lien

Nghệ sĩ Phượng Liên vai tiểu thư Quỳnh Nga và nghệ sĩ Vũ Linh vai Trần Minh trong vở Bên cầu dệt lụa – Ảnh: T.T.D.

Suốt hơn nửa tháng, Phượng Liên cùng các đồng nghiệp từ bốn thế hệ làm việc nghiêm túc trong một dịp hội ngộ hiếm hoi kỷ niệm 64 năm thành lập Đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga. Kết quả là một niềm hạnh phúc tràn ngập khán phòng. Một sự hòa hợp sâu xa giữa người diễn và người xem. 67 tuổi, Phượng Liên mỉm cười nói với các bạn diễn: “Tụi mình giờ còn vóc dáng gì đâu. Chỉ là người ta nhớ lại ngày xưa. Xem bằng ký ức…”.

Người ta khó có thể hình dung một người đã từ lâu lên chức bà, vào vai Trưng Trắc uy hùng, nhất là lại vào vai tiểu thư Quỳnh Nga ở độ tuổi hẹn hò. Nếu khán giả chưa từng biết đến Phượng Liên một thời xuân sắc, hẳn họ không nao nức chờ xem chị hôm nay. Nhưng cũng lại có một điều chắc chắn là nhan sắc, tài năng của chị đã chưa bao giờ trở thành hồi quang của quá khứ.

Nhiều nghệ sĩ gạo cội đã trên dưới cái tuổi “cổ lai hi”, có người đã lìa xa sân khấu gần 30 năm nay trở lại, với tất cả tài năng và trách nhiệm – chỉ để thể hiện một vai rất nhỏ – đều tin tưởng nơi Phượng Liên. Biết rằng chị sẽ không phụ lòng trong lần “tổng lực” chắt chiu đáng cảm động này.

Còn mãi thanh xuân

Cảnh cuối Bên cầu dệt lụa, NSƯT Thanh Sang cất tiếng hát: “Quỳnh Nga ơi trong áo lụa ngày xưa anh đã trở về đây với người bạn tình chung thủy…”. Phượng Liên mắt long lanh lệ. Chị có cảm giác câu hát đó dành cho mình. 20 năm xa xứ. Chị vẫn từng trở về cũng đơn giản trong tấm áo ngày xưa. Trái tim ngày xưa. Lòng yêu nghề ngày xưa… Cho nên, nụ cười của chị trẻ trung bừng sáng. Và Quỳnh Nga của chị còn đó thanh xuân.

19 tuổi đoạt giải Thanh Tâm vào năm 1966, Phượng Liên được xem là một diễn viên hiếm hoi thành công với loại vai phức tạp: độc – lẳng – mùi. Như vai túy nữ Lam Kiều trong vở Mùa trăng nhiều nước mắt. Thêm nữa, chị đóng giả trai trong Mạnh Lệ Quân cũng rất độc đáo. Còn Giáng Hương (Sân khấu về khuya), The (Nửa đời hương phấn), Lụa (Chuyện cổ Bát Tràng)… vai thuần mùi cũng rất thành công.

Vậy với Quỳnh Nga? Câu trả lời là rất tròn đầy, đằm thắm. Lúc đưa tiễn Trần Minh, nàng có cái e ấp của tình yêu chớm nở. Lúc đối đáp với cha, nàng có cái trẻ con hờn trách. Lúc gặp công chúa nàng có cái sắc sảo kiêu hãnh. Và lớp tương phùng nàng như đóa hoa mãn khai dưới ánh mặt trời… Quỳnh Nga của Phượng Liên vững, khỏe, tự tin. Có thể có người cho là kém phần yểu điệu nhưng Phượng Liên vốn là như thế. Chị không phải là người đàn bà yểu điệu thường xuyên, nhưng chị biết cách hớp hồn người ta trong một khoảnh khắc đột ngột mềm mại đến se lòng.

Thời gian hữu lý ở chỗ đã hoàn thiện mọi thứ. Và cũng phi lý ở chỗ không tàn phá được mà chỉ làm cho chị duyên dáng thêm lên. Phượng Liên thuộc mẫu phụ nữ càng già càng đẹp. Cái đẹp ở nghĩa quyến rũ bởi nội lực và đam mê.

dau an phuong lien 1

NS Phượng Liên

Vẫn quê nhà ở xứ xa

“Khi Phượng Liên đã diễn vai đó xuất sắc rồi, cô để lại một ấn tượng rất sâu sắc. Tại vì giọng ca của Phượng Liên quá hay cho nên người khác có thể đóng khác hơn, có thể đẹp hơn nhưng khó có thể thay thế Phượng Liên. Bởi vì khán giả của cải lương là khán giả nghe ca, họ nghe ca trước cho nên những vai diễn nào mà Phượng Liên xuất sắc, người khác khó mà đóng lại, khó mà làm phai mờ giọng ca của Phượng Liên trong lòng khán giả…”

NSND Bạch Tuyết

30 năm trước, Phượng Liên chia tay với người chồng đầu tiên là NSND Diệp Lang. Năm 1994, giữa lúc tài năng và nhan sắc đang tỏa sáng, Phượng Liên sang Mỹ cùng người chồng sau theo diện đoàn tụ gia đình.

Công việc đầu tiên của chị nơi xứ lạ là hai vợ chồng cùng ngồi… cắt chỉ cho những bộ quần áo may sẵn. Cũng từng ngồi két thu tiền trong một quán cà phê, kể cả bưng bê phục vụ. Nhưng Phượng Liên chưa bao giờ có cảm giác hụt hẫng. Ngôi sao của một thời lý giải một cách đơn giản là mình sinh ra cũng vốn là con nhà nghèo, cái sự khó khăn có lạ gì đâu! Cha chị, một nông dân hiền lành, đã qua đời khi chị vừa 2 tháng tuổi. Mẹ chị lần hồi tần tảo rau cháo nuôi con. Trở thành ngôi sao trong những năm tháng thịnh vượng nhất của sân khấu cải lương, được mệnh danh là một trong những bà hoàng đĩa hát, Phượng Liên cũng chưa từng thấy cách sống, cách suy nghĩ của mình đổi khác.

Cũng như tại chốn quê nhà, chị kể căn nhà của vợ chồng chị ở thành phố Santa Ana miền nam California nằm giữa một vườn tre trúc và mười mấy gốc mai. Chị ăn cơm trên bàn tre sau vườn, dùng đũa tre và mê mắm ruốc. Lần này Phượng Liên về nước, NSƯT Lệ Thủy ân cần tính toán: “Cái vụ mua dép, mua bánh tráng để em lo cho nghe. Em đã đặt kho chục ký cá cơm rồi. Đừng có ngọt quá, cũng đừng mặn quá. Chị qua bển chia cho mọi người nghe”. Phượng Liên nói: “Em nhớ dặn đừng bỏ bột ngọt. Với lại mua cho chị thêm một ít hột điều…”.

Phượng Liên nấu ăn ngon, những món vùng quê Phụng Hiệp (Cần Thơ) vẫn có mặt trong mâm cơm nhà chị. Canh chua, cá kho tiêu, khô, mắm… 20 năm rồi vẫn là quê nhà giữa xứ xa.

An lành… đó là điều còn lại trong chị sau một cuộc đời thăng trầm nhiều cảnh. Lúc mới sang Mỹ chị bảo không bị quá hụt hẫng vì nỗi xa quê. Có lẽ bởi từ lúc thiếu thời, chị đã dấn thân vào bước đường lăn lóc của một cô đào hát, qua nhiều vùng đất vốn đã biết lấy nơi mình tới làm quê hương. Nay, chị đã mang theo quê hương trong trái tim mình, đủ để ấm những mùa đông lạnh giá…

Chìa khóa của sự đằm thắm

Sự lôi cuốn, trên cái hình còn có cái thần. Trên cái thần còn có cái khí. Với Trưng Trắc, thiếu khí chất uy lẫm không thể thành được. Từ sàn tập bước xuống, Phượng Liên muốn té. Chị bị huyết áp mà sân khấu nhiều đèn quá nóng. Vũ đạo, cảm xúc, thần thái, bi kịch lớn lao, trọng trách đè nặng lên vai vị nữ tướng… Quả quá sức. Nhưng, sự hụt hơi chỉ là khi đã bước xuống bậc thềm.

Trên sân khấu, Trưng Trắc hôm nay có thể xem là sự kết tụ tất cả những thế mạnh trong tài năng của chị. Vô cùng cẩn trọng, dồn nén, giờ đây mỗi lớp diễn là một khoảnh khắc cuộc đời. Với cái nhìn sâu thẳm và nỗi xót xa trong đáy mắt. Phượng Liên cũng có lối diễn rất lạ. Chị điềm tĩnh đến có những lúc tưởng chừng có vẻ thản nhiên. Nhưng chị lại sở hữu một cái nhìn chăm chú. Cái nhìn xoáy vào lòng bạn diễn, vào trái tim người xem ở những đoạn cao trào. Đó cũng là cái nhìn của chính chị ngược vào sâu tâm hồn mình, làm bật lên những cảm xúc sâu sắc, có sức nặng. Chính sự chăm chú ấy làm nên sức hấp dẫn của chị. Là chìa khóa sự đằm thắm nơi chị.

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là giọng ca. Người ta tự hỏi sau chừng ấy năm, sao Phượng Liên vẫn giữ được chất giọng trong trẻo, ngọt ngào đến thế? Chất giọng mà năm tháng chỉ làm đầy lên, nồng lên, thắp sáng lên mãi.

Phượng Liên vốn nổi tiếng với chất giọng “đồng” cá biệt về xử lý hơi – giọng với những thanh điệu nhuần nhuyễn và những âm sắc ca ngâm mềm mại. Chị là người sáng tạo cách buông hơi và ngân giọng lạ, có một nét riêng chinh phục lòng nguời. Với kỹ thuật rung, luyến, chị ngân nga kéo dài hơi một chút thì nghe như âm sắc ấy dặt dìu trong gió thoảng. Nói về “diễn trong ca” thì Phượng Liên thuộc hàng xuất sắc.

Nhưng Phượng Liên thần tượng nghệ sĩ Thanh Nga. Chị vẫn giữ nguyên vẹn trong lòng mình cảm xúc của gần nửa thế kỷ trước, khi Thanh Nga xem chị diễn Mạnh Lệ Quân rồi nói “Hay lắm cưng…”.

Hôm nay chị đứng trên sân khấu, nhìn lên hình ảnh Thanh Nga vẫn diễm lệ trong một cuốn băng đã cũ lắm vì thời gian mà lòng vẫn rộn lên tình yêu thuở ấy. Như một sự tiếp nối chưa bao giờ dứt. Dù tuổi chị bây giờ đã gấp đôi tuổi Thanh Nga ngày đó nhưng nét diễn, hơi ca còn quá mềm mại, ngọt ngào hơn cả thời thanh xuân của chính chị.

Một người giữ lửa

Phượng Liên được khán giả kiều bào mệnh danh là “người giữ lửa cải lương trên đất Mỹ”. Ở một nơi mà cải lương chỉ có thể được xem như một nghề tay trái, Phượng Liên vẫn miệt mài cùng anh em nghệ sĩ hải ngoại và nghệ sĩ ở VN sang cùng hợp sức gầy dựng những suất diễn hiếm hoi. Có khi một tuần, có khi một tháng, có khi một năm mới có hai lần… Tổ chức nhiều sô diễn, tháng 5-2010 chị mới thực hiện live show “Phượng Liên – 50 năm sân khấu”. Đến tháng 5-2012, Phượng Liên lại cùng New Saigon Entertainment làm chương trình “Nửa thế kỷ huyền sử bài tân cổ giao duyên” – vinh danh soạn giả Viễn Châu tại California.

20 năm xa xứ, càng làm người nghệ sĩ thêm nặng lòng với khúc hát quê hương.

NGỌC LIÊN


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *