ĐBQH Dương Trung Quốc: Cần chính sách phù hợp để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống

ĐBQH Dương Trung Quốc: Cần chính sách phù hợp để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống

30/06/2020
848 Lượt xem

(CLV) – Những năm trở lại đây, các sân khấu dành cho nghệ thuật truyền thống dần thưa vắng khách. Phần lớn lớp trẻ không còn mặn mà với những bộ môn nghệ thuật một thời được coi là “hoàng kim” của sân khấu, còn những người yêu thích thì đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Theo đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, bên cạnh nỗ lực tự đổi mới của các nhà hát thì Nhà nước cũng cần có chính sách phù hợp để bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống còn nhiều khó khăn

Gắn bó với nghệ thuật cải lương 22 năm, ngày nào Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trọng Bình, Trưởng đoàn Cải lương truyền thống, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng cùng các anh chị em nghệ sỹ tham gia luyện tập vở mới. Ngày thì luyện tập, tối thì đi biểu diễn, nhưng thu nhập của các nghệ sỹ lại không đủ duy trì cuộc sống thường ngày. Bởi, thu nhập của văn nghệ sỹ vẫn vẫn hưởng theo bậc và ngạch, như quy định của nhà nước.

Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Trọng Bình, Nhà hát Cải lương Việt Nam bày tỏ tâm tư: Các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương đang đứng trước bờ vực thẳm. Vì chế độ ưu đãi của nhà nước đối với văn nghệ sĩ quá thấp. “Bản thân tôi đã 22 năm làm nghề, đã là đã là Nghệ sĩ ưu tú chịu trách nhiệm Trưởng đoàn nhưng mức lương không đủ để nuôi một đứa con con ở giữa đất Thủ đô này, nhưng với lòng yêu nghề nhiệt huyết cháy bỏng đã ngấm vào máu không thể bỏ được”, Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Trọng Bình nói.

Nghệ thuật cải lương nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển

Nghệ thuật cải lương nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển

Nghệ sỹ Đoàn Hoa Mai cũng có 20 năm cùng chứng kiến những thăng trầm của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề, chị cùng các nghệ sỹ của Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn cố gắng hết mình cống hiến cho nghệ thuật, cho ra những tác phẩm hay, để lại ấn tượng cho công chúng, đặc biệt là đối tượng khán giả trẻ: “Tôi rất mong muốn các bạn trẻ có thể để yêu thích và và giữ gìn in bộ môn nghệ thuật truyền thống này bài và tôi cũng rất hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách đãi ngộ hơn đối với nghệ sĩ chúng tôi để chúng tôi có thể để kích thích có thể làm hiện niềm khích lệ lại động viên để chúng tôi tiếp tục say mê cống hiến cho nghề được tốt hơn nữa”.

Nghệ sỹ Đoàn Hoa Mai (giữa) cùng các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam tập luyện vở mới

Nghệ sỹ Đoàn Hoa Mai (giữa) cùng các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam tập luyện vở mới

Nhà hát Cải lương Việt Nam là một trong số hơn 110 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Số còn lại là các tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó, mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đơn vị nghệ thuật hoạt động. Để các bộ môn nghệ thuật truyền thống tiếp tục phát triển trong bối cảnh có rất nhiều các loại hình nghệ thuật hiện đại chiếm ưu thế thì lòng yêu nghề và nỗ lực của các nghệ sỹ là chưa đủ. Bởi chế độ, chính sách dành cho văn nghệ sỹ hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Đa phần các văn nghệ sỹ thuộc biên chế của những đơn vị nghệ thuật công lập hiện được chi trả chế độ tiền lương theo ngạch bậc. Quy định này đang tồn tại quá nhiều bất cập so với thực tế của lĩnh vực hoạt động đặc thù này. Đó là chưa kể, số tiền phụ cấp (thanh sắc) không phải nơi nào cũng có.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, quản lý bằng biên chế trong lĩnh vực nghệ thuật sẽ gặp vấn đề khó khăn. Trong các loại hình nghệ thuật thì có câu nói “thầy già con hát trẻ”, tức là các nghệ sỹ phải trẻ tuổi, có thanh sắc thì mới hấp dẫn được khán giả, trong khi đó lại áp dụng biên chế nên dẫn tới thực tế là nhiều nghệ sỹ hết tuổi nghề nhưng vẫn còn tuổi làm việc. Do vậy sẽ tạo ra gánh nặng cho các nhà hát. Đấy là lý do khác khiến nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn. Ngoài ra, chúng ta vẫn chỉ tập trung biểu diễn cho hay, chất lượng tốt nhưng chưa chú trọng tới nhu cầu, thị hiếu khán giả, do vậy các nhà hát cũng cần phải hoàn thiện hơn để nghệ thuật truyền thống phát triển.

Bên cạnh những bất cập về chính sách, thì thiếu khán giả cũng là những khó khăn chung của các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc…Nguyên nhân đơn giản vì nghệ thuật truyền thống không thể cạnh tranh với hằng hà sa số những loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại đang tràn ngập trên thị trường hiện nay. Khán giả không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống nên các nghệ sĩ hầu hết không sống được bằng nghề. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho một vài loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ “chết yểu” do không có lực lượng kế cận.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định: Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn mà có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu khán giả, thiếu nhu cầu từ phía khán giả. Hiện nay chúng ta có rất nhiều hình thức giải trí khác nhau, đặc biệt tại khu vực đô thị. Các hình thức giải trí này mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Bởi giới trẻ là khán giả đông đảo nhất của mọi loại hình giải trí trong đó có loại hình giải trí truyền thống. Trong khi đó, chủ yếu là người cao tuổi và những người ở khu vực nông thôn còn có nhiều nhu cầu thưởng thức giá trị nghệ thuật truyền thống, nhưng các nhà hát truyền thống lại đặt tại Hà Nội và các thành phố lớn, trong khi khán giả lại ở vùng nông thông, vùng sâu, vùng xa. Điều này dẫn tới việc thu hút khán giả ở các thành phố lớn rất khó khăn. Khó khăn thứ hai xuất phát từ yếu tố chủ quan của các ngành nghệ thuật truyền thống, các vở diễn chậm được đổi mới, các vở diễn tương đối đơn giản, đơn điệu, khó thu hút khán giả.

Nỗ lực truyền nghề cho thế hệ trẻ

Gắn bó với nghệ thuật hát Then từ khi còn nhỏ, đến nay dù đã ở cái tuổi thất thập nhưng Nghệ nhân Thàm Ngọc Chiến, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang luôn đau đáu với việc bảo tồn và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Bởi hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không được lưu giữ, rèn luyện thì sẽ bị mai một đi. Chính vì thế, dù không được hưởng bất kỳ chế độ phụ cấp nào nhưng từ khi còn đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang và nay đã nghỉ hưu thì nghệ nhân Thàm Ngọc Chiến vẫn miệt mài với việc truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ.

“Tôi có mong muốn đem hết tâm huyết của mình truyền đạt lại các làn điệu then cổ của miền Bắc nói riêng và của Tuyên Quang nói riêng đến cho các thế hệ con cháu, với mong muốn thế hệ sau giữ gìn được làn điệu Then của dân tộc Tày”. Nghệ nhân Thàm Ngọc Chiến nói.

Dù đã nghỉ hưu nhưng Nghệ nhân Thàm Ngọc Chiến vẫn ngày ngày truyền dạy làn điệu Then cho thế hệ trẻ.

Dù đã nghỉ hưu nhưng Nghệ nhân Thàm Ngọc Chiến vẫn ngày ngày truyền dạy làn điệu Then cho thế hệ trẻ.

Với những nghệ nhân dân gian, việc lưu giữ các bộ môn nghệ thuật truyền thống chỉ bằng tâm huyết và tình yêu nghề, thì tại các đơn vị nghệ thuật truyền thống cũng gặp không ít khó khăn vì thiếu lực lượng nghệ sỹ trẻ kế cận:

Nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, nghệ thuật truyền thống lúc này thì thì đang gặp nhiều khó khăn, ví dụ như khó khăn về lực lượng trẻ để nối tiếp nghề nghiệp. Vì khi họ nhìn vào đời sống của nghệ sĩ khó khăn phải bươn chải rất nhiều nên thế hệ trẻ sẽ băn khoăn khi lựa chọn dấn thân vào các loại hình nghệ thuật truyền thống. Các di sản truyền thống của ông bà để lại là vô cùng quý báu. Nếu chúng ta ta không có động thái giữ gìn bảo vệ và phát huy nó có quảng đứt gãy thì rất có thể sẽ mất đi các di sản quý báu.

Những tâm tư của các nghệ sỹ hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống đã phản ánh thực tế đáng báo động về nguy cơ nhiều môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một. Và người đứng đầu ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã thừa nhận thực tế này tại Nghị trường Quốc hội.

Trả lời chất vấn về chế độ chính sách tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ hoạt động, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch cho biết, mặc dù Đảng, Nhà nước quan tâm đến văn nghệ sỹ nhưng hiện nay kinh phí dành cho lĩnh vực này còn rất khó khăn. Do vâỵ có thực tế một số ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có những ngành 5 năm nay không tuyển được một sinh viên nào.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch

Như vậy, trong thời đại mở cửa, nghệ thuật truyền thống phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, các cơ chế chính sách ưu đãi cần được điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tiễn? Bản thân đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực này cần tự đổi mới ra sao để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu khán giả, mà vẫn giữ được bản sắc của loại hình nghệ thuật đó? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về vấn đề này:

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn. Thưa đại biểu, có thực tế hiện nay là nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống không thu hút được khán giả, nhất là khán giả trẻ. Đại biểu đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Thực ra đây là quy luật của cuộc sống, diễn ra trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Nhưng trước tiên chúng ta cần hiểu thế nào là nghệ thuật truyền thống, truyền thống không phải là cái cũ, như xưa mà truyền thống là dòng chảy, là quy luật vận động, là nét đặc sắc trong loại hình nghệ thuật ấy để duy trì qua thời gian. Ví dụ nghệ thuật chèo cổ không giống như chèo của ngày hôm nay. Khi chèo đi vào cuộc sống thực tiễn thì cũng phải ảnh hưởng của việc lựa chọn của công chúng khi tiếp nhận rất nhiều loại hình nghệ thuật mới của thế giới và chúng ta hội nhập – đây là điều tích cực chứ không phải là điều gì có hại. Giới trẻ chính là người có năng lực không chỉ giữ truyền thống mà còn có khả năng phát huy truyền thống ấy.

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Thế hệ chúng tôi có thể giữ, bảo tồn trong bảo tàng, trong các nghệ nhân, nhưng làm sao để truyền cho các thế hệ sau thì cần được phát triển và vai trò quan trọng của thế hệ trẻ. Thực tế, rất nhiều ca khúc hiện đại sử dụng nhiều giá trị truyền thống, yếu tố dân tộc. Rõ ràng, việc vận dụng nhuần nhuyễn ấy của các nhạc sỹ, họa sỹ đã tạo ra những tác phẩm tuyệt vời. Rõ ràng, nếu chúng ta khai thác được giá trị truyền thống ấy mang lại giá trị mới thì sẽ giúp tôn vinh niềm tự hào của con người Việt Nam, giá trị nghệ thuật của Việt Nam. Và khi ấy, người nước ngoài họ sẽ coi đây là nét mới, nét hay. Tất nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng, nhưng chúng ta cũng không nên coi truyền thống là khác biệt với giới trẻ, cần làm sao để giá trị nghệ thuật truyền thống chính là hành trang để giới trẻ có thể đi xa hơn, nhất là hội nhâp với thế giới.

Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu, đâu là giải pháp để giúp giữ gìn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Giải pháp hiện nay là làm sao để nghệ thuật truyền thống không chỉ được bảo tồn mà cần được thể hiện dưới hình thức mới mẻ, hấp dẫn. Ví dụ tại các bảo tàng lưu giữ các hiện vật rất quý giá nhưng chúng ta chưa đầu tư đúng mức về chi phí, hạ tầng và trí tuệ để tôn vinh giá trị. Nếu làm được điều này sẽ thu hút được các bạn trẻ đến để họ chiêm ngưỡng được cái hay thì họ sẽ cảm thấy trách nhiệm cần tiếp tục phát triển. Trong khi đó họ có thể tham khảo cách làm của các nước trên thế giới trong việc giữ gìn nghệ thuật truyền thống, khi đó có thể học hỏi, tiếp thu và phát triển.

Tôi tin bất kỳ người Việt Nam nào cũng đều có lòng tự hào, vấn đề chúng ta có cách khơi gợi niềm tự hào đó như thế nào để thế hệ trẻ có thể tiếp lửa phát huy truyền thống.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nghệ thuật truyền thống chưa phát triển là do cơ chế, chế độ chính sách chưa phù hợp. Ý kiến của đại biểu như thế nào?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Chắc chắn điều này là đúng. Vì hệ thống giá trị rất quan trọng, mà hệ thống giá trị này có thể biểu hiện bằng những điều có thể đo đếm được, từ chế độ chính sách, đến lợi ích về vật chất, tinh thần, vấn đề đào tạo. Tôi đã tiếp xúc nhiều văn nghệ sỹ, họ rất nhiệt tình nhưng họ sẽ mất đi động lực nếu chính sách hiện nay không đủ nên họ phải bươn chải. Họ sẽ phải chuyển hướng theo thời thượng, mà không mang lại giá trị bền vững, cũng chỉ vì mục tiêu trước mắt là đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện tại. Cho nên, vấn đề cần giải quyết ở đây là chính sách, đòi hỏi vai trò rất lớn của nhà nước, các cơ quan chuyên môn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Câu chuyện tồn tại và phát triển của nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại thời gian qua luôn là bài toán khó không chỉ đối với các thế hệ các nghệ sĩ mà cả những nhà quản lý văn hóa. Dù thực tế nghệ thuật truyền thống cũng đã được tạo điều kiện nhưng dường như “những viên ngọc quý” vẫn chưa thực sự có thể tỏa sáng. Để giải được bài toán này, theo ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc, cần quan tâm đến đời sống vật chất của các nghệ sĩ, diễn viên, khuyến khích sáng tạo, tạo môi trường trình diễn cho nghệ sĩ trẻ. Bên cạnh đó, các đơn vị hoạt động nghệ thuật cũng cần nghiên cứu, xây dựng những tác phẩm thật sự chất lượng, với sự thể hiện mới, hấp dẫn hơn, thu hút được khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, có như vậy nghệ thuật truyền thống sẽ có những khởi sắc trong xã hội hiện đại./.

Lan Hương


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *