Để cải lương đến cuộc sống và công chúng

Để cải lương đến cuộc sống và công chúng

08/08/2019
606 Lượt xem

(CLV) – Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã mạnh dạn đưa yếu tố mới vào dàn dựng cải lương mới với mong muốn tiếp thu các giá trị đương đại, xu hướng của sân khấu thế giới hiện nay để góp phần đưa sân khấu cải lương đến gần hơn với cuộc sống đương đại và công chúng.

Để cải lương đến cuộc sống và công chúng - Ảnh 1

Một cảnh trong vở diễn “Vì sao lạc xứ”

Trong buổi công diễn ra mắt mới đây, vở cải lương “Vì sao lạc xứ” do các nghệ sĩ Đoàn thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện đã nhận được nhiều lời khen từ khán giả và giới chuyên môn.

Nhân vật trung tâm của “Vì sao lạc xứ” là Hồ Nguyên Trừng (con trai vua Hồ Quý Ly), một nhà chính trị, quân sự, người có công phát minh ra súng thần công, được xem là có đóng góp rất sớm cho khoa học Việt Nam. Kịch bản “Vì sao lạc xứ” của tác giả Nguyễn Toàn Thắng, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn và dàn dựng, các nghệ sĩ Đoàn thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn.

“Thoát” bi lụy, sướt mướt

Bên cạnh nhân vật Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, trong “Vì sao lạc xứ”, tác giả đã hư cấu thêm nhân vật Vân Khanh, người phụ nữ do nhà Minh “cài” bên cạnh Hồ Nguyên Trừng để tìm cách lấy được bí quyết chế tạo súng thần công của ông…

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, vở cải lương lịch sử “Vì sao lạc xứ” đã khai thác được những ưu thế nổi trội trong đặc trưng của nghệ thuật cải lương, nhưng được dàn dựng mới và hiện đại, phù hợp với điều kiện hiện nay. Ở đó, vẫn có câu chuyện về tình yêu, có cảnh chết chóc nhưng không bị rơi vào sự bi lụy vẫn khiến cho người xem cảm động. Vở diễn cũng đã xây dựng lên hình tượng một người trí thức luôn hướng về quê hương, muốn mang tài của mình ra phụng sự quê hương nhưng lại phải lưu lạc xứ người…

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ, tư liệu về nhân vật Hồ Nguyên Trừng trong sử sách ghi lại rất ít, đặc biệt là giai đoạn cuối đời của cha con Hồ Quý Ly khi ở nơi đất khách quê người càng hiếm hoi. Với tư liệu lịch sử ít ỏi, rất khó xây dựng hình tượng về nhân vật này, vì vậy, tác giả kịch bản và đạo diễn tìm “cứu cánh” từ yếu tố hư cấu để xây dựng nên một Hồ Nguyên Trừng có thể thuyết phục khán giả, đưa ra cách nhìn nhận về nhân vật lịch sử này. Theo NSƯT Triệu Trung Kiên, anh và ê-kíp dàn dựng đã đưa nhiều yếu tố thể nghiệm mới vào vở diễn, nhằm đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với công chúng.

Thử nghiệm đầu tiên là việc xây dựng nhân vật cha con Hồ Quý Ly – Hồ Nguyên Trừng thời kỳ lưu lạc ở phương Bắc, bởi sách sử ghi chép về thời kỳ này rất ít. Việc đưa thêm yếu tố hư cấu vào trong tác phẩm với mong muốn lý giải tâm tư, tình cảm của cha con Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng của ê-kíp sáng tạo đã thành công khắc họa sâu hơn về nhân vật lịch sử này. Sự thể nghiệm khá rõ nét nữa là tư duy dàn dựng mới, hiện đại và không dễ dãi. Với vở diễn này, ê-kíp dàn dựng đã đưa cải lương thoát ra khỏi tính bi lụy, lỗi thời, sướt mướt. “Chúng tôi muốn tác phẩm tiếp thu được những giá trị đương đại, xu hướng của sân khấu thế giới hiện nay. Đây là những bước đệm để sau này sẽ có những tác phẩm cải lương kết hợp ballet, âm nhạc đường phố, V-Pop… Cải lương luôn luôn cần sự thể nghiệm trong các chặng đường của mình”, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Phải làm thế nào?

Không chỉ mới về tư duy dàn dựng, “Vì sao lạc xứ” còn mới trong cách đạo diễn xử lý để không gian sân khấu không bị trói buộc về âm thanh, ánh sáng, âm nhạc…

Ngay trong cách chuyển cảnh giữa các màn cũng tạo ấn tượng với khán giả bởi cách xử lý khá tinh tế của ê-kíp sáng tạo. Đạo diễn đã chia những lát cắt trên sân khấu và tạo thành nhiều không gian, để khán giả khi xem vở diễn không có cảm giác bị hẫng khi chuyển cảnh. Lựa chọn những gương mặt trẻ cũng là một sự thể nghiệm mới trong vở diễn. Đạo diễn Triệu Trung Kiên và ê-kíp dàn dựng lựa chọn đến 6 gương mặt trẻ vào vở diễn này, trong đó, diễn viên Minh Nguyệt được thử thách với vai nữ chính Vân Khanh. Đây là một vai diễn với nhiều tầng tâm lý và nhiều thay đổi trong tính cách, rất mừng là Minh Nguyệt đã khá thành công với vai diễn của mình. Với nghệ sĩ trẻ Văn Đáng, người đảm nhiệm vai Hồ Nguyên Trừng cũng là một thử thách lớn đối với anh. Văn Đáng cho biết, trước đây anh thường đảm nhiệm vai quan văn, nhưng trong vở diễn này, lần đầu tiên anh vào vai một vị võ tướng. Bằng sự tâm huyết, nỗ lực hết mình, Văn Đáng đã thể hiện khá thành công vai diễn, mang đến cho khán giả một Hồ Nguyên Trừng sâu lắng, trí tuệ.

Có thể nói, trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang thưa vắng khán giả, việc đưa những thể nghiệm mới vào sân khấu cải lương đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ trong việc tìm kiếm con đường tiếp cận người xem.


Bài Viết Cảm Nhận: Cải Lương Đang Chết Dần Trên Chính Cái Nôi Sinh Ra – Do Ai Và Vì Ai?

(CLV) – Trước khi vào bài viết, tôi xin nói rằng những lời nói sau đây của tôi là những suy nghĩ của riêng tôi. Mong tất cả bạn...

Góp chút lòng với cải lương

(CLV) – Sinh ra ở Kiên Giang, từ nhỏ, Võ Tuấn Nam (25 tuổi, hiện sống và làm việc tại TPHCM) thường nghe cải lương cùng bà nội. Vào...

Dự án truyền dạy cải lương cho lớp trẻ: Giữ “mạch hồn” nghệ thuật trăm năm

(CLV) – Một thế kỷ đi qua, sân khấu cải lương đã “nếm” đủ dư vị cay, đắng ngọt bùi của thời đại. Có lúc hoàng kim rực rỡ,...

Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *