Đề cử giải Mai Vàng lần thứ 25-2019: Nhiều vở diễn ấn tượng

Đề cử giải Mai Vàng lần thứ 25-2019: Nhiều vở diễn ấn tượng

Chưa phân loại
23/09/2019
1069 Lượt xem

Có nhiều vở diễn tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng, xứng đáng được đề cử tranh Giải Mai Vàng năm nay

Sân khấu cải lương và kịch nói năm 2019 có nhiều tác phẩm hay, đó là nhận định chung của giới chuyên môn. Sự phối hợp đồng bộ giữa tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên và ê-kíp thực hiện đã làm nên thành công của từng vở diễn, tiếp cận hiệu quả với khán giả, tạo cho đời sống sân khấu thêm phần sinh khí.

Kịch luôn tạo bất ngờ

Vở kịch “Vườn nho đắng” (tác giả: Mỹ Dung – Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như) của Sân khấu Hoàng Thái Thanh là một điểm sáng trong số những tác phẩm kịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của khán giả yêu thích dòng kịch tâm lý xã hội trong năm 2019. Câu chuyện xoay quanh những tội lỗi, sự thù hận và những toan tính trả thù của các nhân vật trong câu chuyện đầy kịch tính. Ba người đàn ông che giấu tội lỗi một thời đã qua sau những giàn nho, có một đôi trai gái yêu nhau thuần khiết mà chẳng biết gì về những lỗi lầm mà cha ông họ đã tạo nên trong quá khứ và một người mẹ bao năm thương nhớ đứa con rứt ruột sinh ra nhưng không được nuôi nấng, chăm sóc… “Dù là câu chuyện tình đời ngang trái, nhiều uẩn ức, lắm tình tiết gay cấn, căng thẳng nhưng cách kể chuyện, dàn dựng tác phẩm của nghệ sĩ – đạo diễn Ái Như được thể hiện thật nhẹ nhàng, duyên dáng, nhiều tình huống được sắp đặt và xử lý hợp lý, không cực đoan hay quá bi lụy, đớn đau; câu chuyện nhiều kịch tính ấy được dẫn dắt bằng nhiều tình tiết dí dỏm, hài hước, đầy ắp tiếng cười nhân sinh” – nhà báo Thúy Bình nhìn nhận. Qua vở diễn, dàn diễn viên trẻ ghi điểm về sự trưởng thành trong diễn xuất.

Đề cử giải Mai Vàng lần thứ 25-2019: Nhiều vở diễn ấn tượng - Ảnh 1.

Cảnh trong vở “Vườn nho đắng” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh

Vở “Bông hồng cài áo” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng là một dấu ấn khác của Ái Như. Không chỉ tạo ấn tượng khi đóng vai 2 nhân vật bà mẹ trong vở diễn, chị đã tạo cảm tình với khán giả qua cách dàn dựng. “Với bản dựng này, Ái Như (cũng như nghệ sĩ Thành Hội) luôn chứng tỏ sự chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc trong cấu trúc. Chị trau chuốt rất kỹ những phân đoạn diễn tả tâm lý nhân vật, đi sâu vào chi tiết để đem đến cho người xem những lớp diễn chân thật, cảm xúc, đi vào lòng người xem. Vì vậy, trong vở “Bông hồng cài áo” đã có những lớp diễn gây ấn tượng mạnh mà khi nhắc nhớ đến vở diễn, người ta phải nhớ đến những lớp diễn này” – nhà báo Linh Thoại nhận xét.

Đề cử giải Mai Vàng lần thứ 25-2019: Nhiều vở diễn ấn tượng - Ảnh 2.

Vở “Gươm lạc giữa rừng hoa” của Sân khấu IDECAF

Trên Sân khấu IDECAF, vở “Gươm lạc giữa rừng hoa” của đạo diễn Vũ Minh tạo nhiều bất ngờ thú vị với người xem kịch. Đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng đây là tác phẩm được xếp vào những vở ăn khách của Sân khấu IDECAF: “Thủ pháp dàn dựng sinh động, âm nhạc và ánh sáng đã hỗ trợ đắc lực cho diễn viên trong vở, cho thấy sự đầu tư rất công phu của đạo diễn đối với tác phẩm”.

Trên Sân khấu Kịch Sài Gòn có vở “Bàn tay máu” của đạo diễn Tấn Hoàng, từ suất diễn đầu tiên cho tới nay luôn thu hút đông khán giả. Đạo diễn Ca Lê Hồng lý giải: “So với các vở trước đây của Tấn Hoàng, vở này có chiều sâu hơn, cảm động hơn. Mỗi khán giả, khi xem, đều có thể nhìn thấy một hay nhiều khía cạnh, nhiều chủ đề khác nhau mà vở diễn đề cập nhưng thật đẹp và nhân ái ở ý nghĩa kẻ gây ác nhận ra điều thiện. Dàn diễn viên đồng đều, tạo được trạng thái khóc cười cho người xem”.

Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM có vở “Chuyện tình nữ phạm nhân” được đạo diễn – NSND Trần Minh Ngọc làm lại từ kịch bản nước ngoài có tên gốc “Áp giải nữ phạm nhân” (biên kịch: Trần Tuấn, dịch giả: Hồ Thi). Qua bàn tay đạo diễn của NSND Trần Minh Ngọc, những câu chuyện đời ẩn khuất đằng sau mỗi tội phạm ma túy, nỗi đau của người thân của họ và cuộc đấu tranh gian khổ nhưng không khoan nhượng chống cái ác, cái xấu của những chiến sĩ công an.

Đề cử giải Mai Vàng lần thứ 25-2019: Nhiều vở diễn ấn tượng - Ảnh 3.

“Chuyện tình nữ phạm nhân” – vở diễn của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM

“Sàn diễn 5B này tiếp tục có nhiều sáng tạo khi dàn dựng bối cảnh trong không gian nhỏ hẹp khoảng 200 ghế ngồi. Với đạo cụ chính là một chiếc xe được sử dụng xuyên suốt vở, bằng cách quay ngang, dọc, ê-kíp dàn dựng vẫn tạo được nhiều góc mới lạ trong bố cục sân khấu. Có lúc, chiếc xe biến thành vũ trường với ánh đèn chớp nháy, đầy sáng tạo” – nhà báo Mai Nhật ghi nhận.

Sân khấu Thế Giới Trẻ có vở “Ngôi làng ma” của đạo diễn Ngọc Hùng. Theo đạo diễn Trần Minh Ngọc, 3 điểm nhấn là âm nhạc, ánh sáng và không gian cảnh trí đã làm nên sự bất ngờ, cho thấy đạo diễn cao tay nghề. Vở diễn có được sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các tình huống kịch bi xen hài.

Cải lương nỗ lực làm mới

Sự ra đời của Sân khấu mới Đại Việt với vở cải lương thể nghiệm “Chuyện tình Khau Vai” đã mang lại không khí sáng tạo cho sàn diễn sân khấu nghệ thuật truyền thống này. Vở diễn đã giới thiệu đến khán giả TP HCM một câu chuyện tình yêu đậm chất tình, chất đời, chất mộc mạc của núi rừng miền cao Tây Bắc, bên cạnh sức hút của những điệu múa, phong tục, phục trang dân tộc bắt mắt. Cách dàn dựng và sử dụng âm nhạc kết hợp ánh sáng sân khấu và các vũ điệu dân tộc cuốn hút, đã giúp cho tác phẩm có màu sắc mới lạ với công chúng miền Nam. Đặc biệt, vở cải lương trong lần tái dựng này của đạo diễn – NSND Triệu Trung Kiên đã tập hợp được đội ngũ nghệ sĩ nhiệt huyết với nghề trong cả nước giúp đem lại không ít cảm xúc mới mẻ cho sân khấu cải lương của TP HCM. “Cách làm mới, làm đẹp cải lương của sân khấu xã hội hóa này trong thời buổi cải lương gặp nhiều khó khăn như một ngọn lửa nhỏ lung linh, ấm áp, truyền được cảm hứng và cảm xúc cho những người làm nghề và khán giả hôm nay” – nhà báo Thúy Bình đánh giá.

Đề cử giải Mai Vàng lần thứ 25-2019: Nhiều vở diễn ấn tượng - Ảnh 4.

Vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” của Sân khấu mới Đại Việt

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có vở “Giấc mộng đêm xuân” của đạo diễn Trần Ngọc Giàu. Theo đạo diễn Trần Minh Ngọc, đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã tạo nhiều mảng miếng thú vị, cuốn hút khán giả và khai thác gần như tối đa khả năng diễn xuất của các nghệ sĩ tài danh tham gia vở. Cấu trúc vở nhẹ nhàng, những nút thắt – mở tâm lý cài đặt hấp dẫn khiến người xem dâng trào cảm xúc. Đạo diễn đã dành những khoảng lặng để người xem dự đoán, đó là cách dựng độc đáo khiến khán giả cải lương luôn bị lôi cuốn.

Lung linh vở diễn tuồng cổ

Sân khấu xã hội hóa Chí Linh – Vân Hà có vở “Bao Công và sát thủ hoa hồng” của đạo diễn Chí Linh. Đạo diễn Ca Lê Hồng cho rằng vở diễn tuồng cổ này đã tạo được yếu tố độc đáo khi vận dụng nhiều bài múa rất đẹp; lối diễn xuất tinh tế của Chí Linh, Vân Hà, Võ Minh Lâm, Linh Trung cho vở diễn thêm lung linh.

Vở “Mai trắng se duyên” của đạo diễn Bạch Mai trên Sân khấu Huỳnh Long là sự trở lại đầy phong độ của “nữ soái” lĩnh vực tuồng cổ. Vở dành cho hầu hết diễn viên trẻ có đất sáng tạo, mang hơi thở mới về cho sân khấu tuồng cổ hiện nay.

Phiếu đề cử đăng trên trang 8A Báo Người Lao Động và trên Báo Người Lao Động điện tử tại địa chỉ: nld.com.vn; maivang.nld.com.vn (có hướng dẫn đăng kèm). Tham gia đề cử, bạn đọc có cơ hội trúng thưởng với tổng trị giá 40 triệu đồng.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *