Để sân khấu Việt sáng đèn hàng đêm: Kỳ vọng về thời hoàng kim

Để sân khấu Việt sáng đèn hàng đêm: Kỳ vọng về thời hoàng kim

Chưa phân loại
08/10/2019
622 Lượt xem

Không còn là bộ môn nghệ thuật “hợp thời”, có lúc sáng đèn, lúc đìu hiu, lúc chênh vênh bên bờ mất mát, nhưng phải thừa nhận một điều, bao nhiêu năm qua, những nghệ sĩ, những người hoạt động sân khấu Việt chưa bao giờ thôi nỗ lực.

Để sân khấu Việt sáng đèn hàng đêm: Kỳ vọng về thời hoàng kim

Những người “giữ lửa”

Nói đến sân khấu phía Nam, người trong nghề không thể không nể phục, tự hào khi nhắc đến những Ái Như, Thành Hội, Thành Lộc, Hồng Vân, đến Vũ Luân, Huỳnh Anh Tuấn… và một số nghệ sĩ khác.

Họ, có người là “bầu show”, có người là nghệ sĩ, người hoạt động chính kịch, người hài kịch, cải lương, rối… đều là những người chọn đường khó mà đi. Con đường đầy chông gai, không đem lại nhiều tiền tài, danh vọng, nhiều mất mát và hy sinh có tên nghệ thuật sân khấu.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh do nghệ sĩ Ái Như lập cách đây gần chục năm, đã có lần chuyển địa điểm. Đó là quãng thời gian đầy gồng gánh, vất vả của Ái Như. Làm sân khấu trong thời buổi gameshow, phim ngôn tình truyền hình, phim chiếu rạp lên ngôi; làm chính kịch trong thời buổi chuộng hài nào phải chuyện dễ dàng. Bù lỗ là chuyện trường kỳ. Và cho đến tận bây giờ, mỗi một suất diễn, đêm diễn vẫn là một lần hồi hộp, kín 2/3 rạp là điều may mắn.

Mà nào có phải kịch không hay? Mỗi một vở diễn từ sân khấu Hoàng Thái Thanh đều thấm thía, đều lặng người, có cả khán giả tỉnh lặn lội lên xem. Nhưng sân khấu bấp bênh, biết làm sao được.

Hay như sân khấu kịch Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân. Có thời nổi đình nổi đám, một thời cháy vé, kín rạp. Thế mà không ít lần, Hồng Vân tuyệt vọng muốn bỏ nghề. Rạp thì lúc vắng, lúc đông, địa điểm thuê sân khấu lên giá, cái khó trăm bề.

Như Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, cũng một thời là địa điểm xem kịch ưa chuộng của người dân TP. Rồi bặt đi một thời gian đóng cửa. Khi quay trở lại thì khó lòng kéo một lượng khán giả đã lãng quên…

Sân khấu phía Nam, ổn định nhất phải kể đến Idecaf của nghệ sĩ Thành Lộc. Riêng cái tên Thành Lộc đã gần như là một bảo chứng bán vé sân khấu, khi mà tác phẩm nào của ekip anh làm ra cũng hay, cũng duyên lạ, từ sê ri Ngày xửa ngày xửa dành cho thiếu nhi và những ai có tâm hồn thiếu nhi, rồi những vở chính kịch như Hồn bướm mơ điên, Dạ cổ hoài lang, Tiên Nga… công diễn trong tình trạng cháy vé, khán giả sốt sắng kéo nhau đi rạp. Rất tiếc là Idecaf chỉ là hiện tượng hiếm trong làng sân khấu phương Nam.

Vở kịch Tiên Nga tại sân khấu kịch IDECAF.

Vở kịch Tiên Nga tại sân khấu kịch IDECAF.

Không chỉ có sân khấu kịch, cải lương Nam bộ cũng chứng kiến những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ. Những nỗ lực làm mới cải lương, gìn giữ nghệ thuật cải lương do các nghệ sĩ gạo cội và nghệ sĩ trẻ khởi xướng đã góp phần đưa những “làn gió mới” đến với nghệ thuật cải lương. Có thể kể đến dự án “Tiếp bước trăm năm”; đưa cải lương đến với người trẻ, hay dự án “Mỗi tháng 2 vở diễn miễn phí” đến với người dân thành phố. Đây đều là hai dự án cải lương mới ra mắt trong năm 2019.
Nhà hát Trần Hữu Trang đáng ra là “mái nhà chung” của các nghệ sĩ cải lương, nhưng mái nhà ấy vẫn chưa đi vào hoạt động sau nhiều năm, thế nên, không để cải lương bơ vơ, nhiều nghệ sĩ đã gầy dựng những “căn nhà nhỏ” cho cải lương.

Huỳnh Anh Tuấn là ông bầu sân khấu có tiếng phía Nam. Anh cùng với Thành Lộc lập Idecaf, anh khởi xướng nhiều dự án sân khấu hay ho và anh cũng thiết lập sân khấu cải lương định kỳ ở Nhà hát Nón Lá. Nghệ sĩ Vũ Luân xây dựng điểm diễn riêng ở công viên Lê Thị Riêng, nghệ sĩ Kim Ngân với chương trình cải lương “Giữ mãi đam mê” trình diễn dài kì ở rạp Công nhân…

Thuyền nào chẳng có lúc chòng chành…

Nói như thế để thấy được nỗ lực, lửa nghề không ngừng nghỉ của những người làm sân khấu, nhưng cũng thấy được cái bấp bênh của nghề.

Nhưng nói cho đúng ra, thì ngàn năm sân khấu Việt, lên xuống là chuyện thường tình. Từ thời cực thịnh nhà Đinh khai sinh ngành sân khấu, đến thời nhà Trần sân khấu huy hoàng. Và đến nhà Lê, sân khấu bị khinh rẻ, cấm đoán, đến sau Cách mạng tháng 8 lại nở rộ muôn màu… Huống hồ, thế kỉ 21 lại là thế kỉ bùng nổ của những phát minh mới, của khoa học kĩ thuật và mạng internet, bao điều mới mẻ, bao thú vui giải trí, khó lòng để mà sân khấu vẫn giữ được thế đứng vững vàng của mình.

Nhiều người cho rằng, vào cảnh “chợ chiều” là bởi sân khấu thiếu thể nghiệm, cũ kĩ thiếu đổi mới. Tuy nhiên, hãy nhìn vào cái khó của những người làm sân khấu. Rằng, ngành nghệ thuật không được ưa chuộng, những bước đi khá đơn độc, phải tự mình làm tất cả từ xây dựng sân khấu, xây dựng kịch bản đến quảng bá, kéo khách đến rạp…

Nhiều vở diễn tại sân khấu đã cháy vé, khán giả sốt sắng kéo nhau đi rạp.

Nhiều vở diễn tại sân khấu đã cháy vé, khán giả sốt sắng kéo nhau đi rạp.

Dễ gì tìm được nhà đầu tư, dễ gì có Mạnh Thường Quân, khi mà tiền đổ vào không có khả năng hoàn vốn? Một sân khấu vài tháng ra được một vở diễn rất khó, diễn bao nhiêu suất mới bù lỗ được, trong khi khán giả luôn thay cũ đổi mới, luôn muốn điều mới lạ. Vậy thì đổi mới làm sao, thể nghiệm làm sao cho hợp thời, cho vừa lòng một thế hệ khán giả luôn chạy theo cái mới?

Người nghệ sĩ đã gồng gánh quá nhiều trách nhiệm trên vai khi chọn một con đường chân chính mà khó khăn. Gánh nặng ấy cần có thêm nhiều sự san sẻ từ người có trách nhiệm, từ những người yêu mến nghệ thuật sân khấu. Thuyền nào cũng có lúc chòng chành. Tin rằng, qua cơn chòng chành ấy, sân khấu Việt sẽ có lúc vượt sóng lớn, có lúc quay lại thời hoàng kim của mình, khi mà các thú vui thời thượng cũng trở nên nhàm chán, mọi thứ được trả lại với giá trị thật của mình.

Đã nhiều năm nay, sân khấu TP HCM luôn ở trong tình trạng không ổn định. Có lúc, người ta vui vì bao vở diễn nở rộ, mà toàn vở hay, đặc sắc. Có lúc, không khí sân khấu lại trầm xuống, đèn tắt, vì thiếu vở diễn hay, thiếu khán giả. Như khoảng năm 2017, tại TP HCM, nhiều sân khấu mới ra mắt, nhiều vở diễn hay như một dấu hiệu đáng mừng.

Đến cuối năm, có sân khấu đóng cửa vì trụ không được, có diễn viên bỏ nghề, khán giả thưa vắng, trầm buồn. Và từ 2018 đến 2019, dường như sự náo nức của nghề đã bắt đầu trở lại. Với những vở diễn đỉnh cao, những nỗ lực đổi mới. Khán giả TP HCM liên tục háo hức với nhạc kịch Tiên Nga, với dự án “Trăm năm nguồn cội”, hay “Nhật thực”, vở diễn tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm Quốc tế lần 3…

Ngọc Mai


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *