"Đêm hoa lệ" – Nâng niu truyền thống đáng quý

"Đêm hoa lệ" – Nâng niu truyền thống đáng quý

Chưa phân loại
09/03/2018
496 Lượt xem

Sau chương trình “À ố show”, TP HCM đã có thêm một điểm dừng chân thú vị đối với du khách yêu thích khám phá nghệ thuật trình diễn. Một dấu ấn mới mà họa sĩ Sĩ Hoàng đã kỳ công tạo dựng
Chương trình “Đêm hoa lệ” diễn ra tại Nhà hát Chợ Lớn (TP HCM) vào các tối cuối tuần đã là một điểm nhấn độc đáo khiến những ai yêu thích bộ môn truyền thống hát bội, cải lương và dòng nhạc boléro đều phải trầm trồ khen ngợi. Đây là dự án tạp kỹ do nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng, biên kịch Trác Thúy Miêu, đạo diễn Vũ Trần thực hiện. Chương trình quy tụ hơn 50 diễn viên trẻ và những nghệ sĩ nổi tiếng của lĩnh vực cải lương, hát bội.

Họa sĩ Sĩ Hoàng và NSND Bạch Tuyết, MC Trác Thúy Miêu trong chương trình “Đêm hoa lệ”

Họa sĩ Sĩ Hoàng và NSND Bạch Tuyết, MC Trác Thúy Miêu trong chương trình “Đêm hoa lệ”

Phục hồi dấu tích xưa

Sô diễn bắt đầu nhẹ nhàng, phóng khoáng như chính suy nghĩ của người Sài Gòn về cuộc sống thường nhật. Ở đó quyện vào tiếng đàn nguyệt, đàn kìm của các nghệ nhân chơi đờn ca tài tử, không gian sân khấu Sài Gòn những năm đầu thế kỷ XX đã mở ra trước mắt khán giả. Công chúng mê đắm khi thưởng thức trích đoạn hát bội với tuồng “San Hậu”, gợi lại không gian nô nức trẩy hội của sự kiện Sài Gòn khánh thành chợ Mới (tức chợ Bến Thành ngày nay) hồi cuối tháng 3-1914.
Trên sân khấu, các nghệ nhân tuồng cổ tái hiện tác phẩm kinh điển. Hai bên cánh gà, rất đông diễn viên quần chúng vào vai các quan Tây, quan ta, thương gia người Hoa, phụ nữ với phục trang tiểu thương, tiểu thư quyền quý ngồi theo dõi biểu diễn. Điều độc đáo là những nhà thiết kế đã tìm đúng chất liệu, kiểu dáng xưa thể hiện đời sống tiêu biểu của lớp thương nhân Sài Gòn thời đó với áo gấm, áo dài lãnh Mỹ A, lụa lèo trắng may bà ba. “Để phục hồi dấu tích xưa đúng với người diễn, người xem, mang lại không gian của Sài Gòn những năm đầu khởi nghiệp là một kỳ công của Sĩ Hoàng, tôi xem mà ứa lệ vì hồi còn bé xíu đã từng thấy hình ảnh này” – kỳ nữ Kim Cương xúc động.
Khép lại màn hát bội, khán giả tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của bộ môn cải lương, một viên ngọc quý thoát thai từ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, quyện vào hơi thở của những nghệ nhân từ khắp nơi đổ về Sài Gòn, hình thành nhiều trường phái ca diễn cải lương. Sân khấu mở ra không gian thập niên 1950 – 1960, người dân Sài Gòn bắt đầu ưa chuộng bài vọng cổ rồi làm quen với lối ca ra bộ trước khi chọn những thương hiệu nghệ thuật do các ông bà bầu có suy nghĩ cấp tiến, đem “cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh” vào trong mỗi sự lựa chọn của mình. Dần dà sản sinh từ sở thích của người Sài Gòn mà hình thành nhiều thể loại như: cải lương cổ trang kiếm hiệp, cải lương cắc- bùm bắn súng theo kiểu Ấn Độ, cải lương tâm lý xã hội… Phục hồi được những giá trị xưa là tâm nguyện của những người thực hiện chương trình, để qua đó mỗi khán giả nhận thấy mình cần phải gìn giữ, nâng niu bản sắc của văn hóa trong thưởng lãm nghệ thuật của người Sài Gòn.

NSND Bạch Tuyết trong trích đoạn “Thái hậu Dương Vân Nga” Ảnh: MINH HOÀNG

NSND Bạch Tuyết trong trích đoạn “Thái hậu Dương Vân Nga” Ảnh: MINH HOÀNG

Nhân rộng ý thức vun bồi

Được mời tham gia từ đầu khi chương trình còn trong thai nghén, NSND Bạch Tuyết đã tái hiện không gian tiêu biểu của cải lương thời hoàng kim với tác phẩm “Thái hậu Dương Vân Nga” – vai diễn để đời của bà. Khán giả thuở ấy là những quý ông, quý bà diện veston, áo dài nô nức bước vào các rạp hát lấp lánh ánh đèn màu. Người xem xưa, người xem nay đã tìm được sự đồng điệu bởi cùng trân quý, giữ gìn. “Tôi cho rằng đây là chương trình góp phần nhân rộng ý thức vun bồi sự trọng thị đối với nghệ thuật cải lương. Khi xã hội mở cửa, trước sự hội nhập của nhiều bộ môn giải trí, ý thức vun bồi cho vững cội rễ văn hóa trong mỗi tâm hồn Việt đã là trách nhiệm của mỗi chúng ta” – NSND Bạch Tuyết nói.
Trong phần tôn vinh dòng nhạc boléro, chương trình đã dựng lại không gian gần gũi, bình dân của nơi xuất xứ dòng nhạc này. Bất kể ở đâu, từ quán xá vỉa hè cho đến sân nhà đám giỗ, tiệc cưới, dù vui hay buồn, người ta vẫn ca một bài boléro như để giải tỏa những nỗi niềm của bản thân… Trên nền bối cảnh mộc mạc mà thân quen đó, những ca khúc boléro được xem là đỉnh như: “Thói đời”, “Ai cho tôi tình yêu?” (Trúc Phương sáng tác); “Mưa đêm tỉnh nhỏ” (Hà Phương)… vang lên da diết, trữ tình khiến ai cũng xao xuyến khi ngắm nhìn Sài Gòn quá đỗi thân thương trong đôi mắt những ai không muốn rời xa.
Qua đó, khán giả hôm nay đủ khái quát về một Sài Gòn “đủ rộng để dung nạp những điều mới mẻ nhưng cũng đủ sâu để gìn giữ những thứ không bao giờ mất đi”. Không gian lại mở ra với thú vui thưởng thức văn nghệ của người Sài Gòn ở những phòng trà, vũ trường thập niên 1970.
Rồi cả gu ăn mặc đa dạng của người dân đô thị được thế giới vinh danh “hòn ngọc Viễn Đông” thời ấy, phản ánh qua các mẫu trang phục sang trọng.
Ở sảnh nhà hát, ban tổ chức bố trí các nghệ sĩ hát bội ngồi hóa trang để khán giả hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật truyền thống. Họ được thâm nhập trước khi suy ngẫm về sự góp sức gìn giữ, vun bồi cho vườn hoa nghệ thuật truyền thống tại Sài Gòn không mai một.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng – giám đốc nghệ thuật bày tỏ mong muốn chương trình đưa khán giả về không gian văn hóa xưa cũ của mảnh đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn. “Với chúng tôi, đó là cách đóng góp hữu hiệu nhất vào công tác gầy dựng, gìn giữ những viên ngọc quý của văn hóa để người xem hiểu hơn và đồng cảm sâu sắc trước khi ý thức cùng làm một việc bằng khả năng của mình, đó là gìn giữ” – anh chia sẻ.
“Đêm hoa lệ” thực sự là một dấu ấn của tấm lòng biết trân quý giá trị xưa cũ trong tiềm thức kiến tạo đời sống văn hóa của người Sài Gòn, để từ đó nhân rộng những chuẩn mực này, góp phần xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh, phồn thịnh. Những người thực hiện đã làm được điều này khi khán giả ra về đều cảm thấy thích thú, say mê.

Công diễn vào các tối cuối tuần

Chương trình “Đêm hoa lệ” được công diễn vào các tối cuối tuần tại Nhà hát Chợ Lớn (quận 5, TP HCM). Trong thời gian tới, nhà hát dự kiến tổ chức các hoạt động tôn vinh hát bội, nghệ thuật cải lương Hồ Quảng (sau này là cải lương tuồng cổ), cải lương, kịch nói, trình diễn áo dài…

Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *