Đưa nghệ thuật xiếc vào cải lương

Đưa nghệ thuật xiếc vào cải lương

Chưa phân loại
16/09/2020
529 Lượt xem

Lần đầu tiên, hai loại hình nghệ thuật là xiếc và cải lương kết hợp với nhau nhằm tạo ra sự mới mẻ, hứa hẹn thu hút khán giả đến với sân khấu.

Ngày 18-9, NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam, sẽ chính thức khởi công vở diễn “Cây gậy thần” mở màn cho dự án Huyền sử Việt. Bốn kịch bản dàn dựng đầu tiên cho dự án: “Chử Ðồng Tử – Tiên Dung”, “Tản Viên Sơn Thánh”, “Phù Ðổng Thiên Vương” và “Công chúa Liễu Hạnh”.

Tại TP HCM, đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt (Trưởng Khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM) cũng đã triển khai vở “Chuyện thành Cổ Loa”, đây cũng là cuộc “phối ngẫu” giữa xiếc và cải lương, để tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần IV-2020, sau khi phục vụ công chúng.

Lần đầu tiên, hai loại hình nghệ thuật là xiếc và cải lương kết hợp với nhau nhằm tạo ra sự mới mẻ, hứa hẹn thu hút khán giả đến với sân khấu.

NSND Triệu Trung Kiên cho biết khi mới lên ý tưởng hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc trong một vở diễn, anh cũng rất lo lắng. Nhưng qua buổi diễn thử nghiệm, khán giả rất thích thú, giới chuyên môn tại thủ đô nhận xét tích cực nên anh và ê-kíp sáng tạo khá yên tâm.

Còn với đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt, dự án kết hợp xiếc và cải lương là mong muốn của anh nhằm tạo ra sự khác biệt trong thưởng thức của khán giả khi xem nét độc đáo của hai ngôn ngữ nghệ thuật hòa quyện trong một vở diễn.

Đưa nghệ thuật xiếc vào cải lương - Ảnh 1.

Vở “Ngạ quỷ” của đạo diễn – NSND Triệu Trung Kiên đã từng phối hợp thành công giữa cải lương và múa rối

Cả hai đạo diễn đều nhìn nhận diễn viên cải lương dễ dàng tiếp cận được những kỹ năng phụ trợ do nghệ sĩ xiếc thể hiện. Ngược lại, diễn viên xiếc qua dịp sáng tạo này có cơ hội tiếp cận sàn diễn cải lương, cùng nâng cao hiệu quả sân khấu.

Chia sẻ về dự án này, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam – đơn vị hỗ trợ cho cả hai đạo diễn trên, cho biết nếu đưa một vở cải lương diễn tại Rạp Xiếc trung ương thì thực sự đó là không gian mới cho các nghệ sĩ. Nhưng, trước cái lạ được lồng ghép mang tính chất ca diễn cải lương thì là một áp lực lớn để mối nối giữa hai bộ môn thật khăng khít.

Tiếp sau vở cải lương “Nhật thực” kết hợp múa hình thể, kịch mặt nạ, hát bội do Nhà hát Thể nghiệm Thế Giới Trẻ phối hợp với Sân khấu Sen Việt thực hiện, đây cũng là cuộc chơi đầy cân não của đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt, cũng như NSND Triệu Trung Kiên sau vở “Ngàn năm mây trắng” của anh.

Trên thực tế, có nhiều vở diễn đã kết hợp đủ các loại hình nghệ thuật. Nghĩ ra sáng kiến này là soạn giả Thu An – cha đẻ của sân khấu “thi, ca, vũ, nhạc, kịch, cải lương” dưới thương hiệu Hương Mùa Thu do ông gầy dựng từ năm 1960.

“Khi các loại hình nghệ thuật liên kết trên cùng một sàn diễn, trước hết “món lạ” đó thu hút khán giả, còn ngon hay dở là tùy vào cách dàn dựng của đạo diễn và sự tiếp nhận của khán giả. Nhưng trước hết, đó là sự chuyển mình đáng ghi nhận của hai đạo diễn trẻ được xem là sung sức của sân khấu cải lương” – NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, ghi nhận.

Vấn đề đặt ra là khi vở diễn ra đời, không doanh thu theo chỉ tiêu phục vụ chính trị, có bán được vé cho công chúng đến xem? Đó còn là niềm kỳ vọng đối với những người làm nghệ thuật tâm huyết liên kết sáng tạo để sàn diễn sáng đèn.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *