Đừng để nghệ sĩ phải đi xin danh hiệu!

Đừng để nghệ sĩ phải đi xin danh hiệu!

16/08/2019
898 Lượt xem

(CLV) – Với những nghệ sĩ xứng đáng được phong tặng danh hiệu thì các tổ chức có thẩm quyền có thể đề xuất chứ không nên yêu cầu phải kê khai thành tích hay làm thủ tục bởi cách làm ấy khiến nhiều người nản lòng.

Đừng để nghệ sĩ phải đi xin danh hiệu - ảnh 1

NSƯT Minh Vương là 1 trong 3 nghệ sĩ được xét đặc cách trao danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân. Ảnh: TL

Sau nhiều lần hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) bị “trượt” và báo chí, công chúng lên tiếng về những “bất cập” trong việc xét tặng các danh hiệu cao quý của nhà nước, mới đây Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn và cố NSƯT Giang Châu đã được Nhà nước chính thức phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, một danh hiệu cao quý dành cho những nghệ sĩ thật sự tài năng, có những cống hiến, đóng góp nhất định cho sự phát triển của nền nghệ thuật tuồng cổ cải lương nước nhà.

Ngoài 3 nghệ sĩ “gạo cội”, đợt này còn có nhiều nghệ sĩ khác cũng được xét tặng, truy tặng các danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân như nghệ sĩ Thoại Miêu, nghệ sĩ Thanh Ngân, nghệ sĩ Trần Hạnh…

Thế nhưng, trong danh sách xét tặng các danh hiệu cao quý dành cho nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa nói chung vẫn còn có nhiều “khoảng trống”, còn thiếu sót và có những “tên tuổi” rất xứng đáng được xét tặng danh hiệu NSND trong lần này như NSƯT Thanh Điền, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Bảo Quốc. Bởi nếu nhìn vào tài năng và hoạt động nghệ thuật của họ, có những nghệ sĩ mà cả cuộc đời cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, cho sân khấu không biết mệt mỏi, tài năng của họ đã được nhiều thế hệ công chúng đón nhận.

Những “khoảng trống trong việc xét tặng danh hiệu” dường như đã “chạm” đến tâm tư, mong mỏi không chỉ của riêng nghệ sĩ mà còn của những khán giả, những người luôn đau đáu quan tâm đến nền nghệ thuật nước nhà.

Nghệ sĩ Hồng Nga, một nghệ sĩ “gạo cội” của sân khấu tuồng cổ cải lương phía Nam, một tài năng lừng lẫy và cả một đời bà “tung tăng”, sống chết trên sân khấu với những vai “lẵng”, “mùi”, “độc” và “lạ” ăn sâu vào trong tâm trí khán thính giả mộ điệu với hơn 50 năm dưới ánh đèn sân khấu nhưng đến nay bà vẫn là một nghệ sĩ không danh hiệu, trong khi có những thế hệ nghệ sĩ đàn em, những thế hệ nghệ sĩ con cháu, kể cả những nghệ sĩ học trò, gọi bà là thầy đã được phong tặng NSƯT, thậm chí là NSND?!

Thiển nghĩ, với bất kỳ một nghệ sĩ nào, ngoài các danh hiệu được khán giả yêu thương, quan tâm trao tặng thì người nghệ sĩ cũng cần được ghi nhận bằng những phần thưởng, những danh hiệu xứng đáng, cao quý để tôn vinh những đóng góp của họ cho nền nghệ thuật nước nhà…

Những tôn vinh, ghi nhận ấy không phải bằng cách buộc người nghệ sĩ phải đi làm hồ sơ, kê khai thành tích, huy chương hoặc đi xin xác nhận, làm đơn… ‘Khi xét thấy người nghệ sĩ xứng đáng cần được phong tặng truy tặng danh hiệu nhà nước thì các tổ chức, cơ quan chức năng, cá nhân có thẩm quyền có thể đề xuất xét duyệt, trao tặng chứ không nên yêu cầu người nghệ sĩ phải kê khai thành tích hay làm thủ tục xin xét tặng danh hiệu, cách làm ấy đã khiến cho người nghệ sĩ nản lòng”, một nghệ sĩ gạo cội” tâm sự.

Ngoài ra, việc quan tâm, xét tặng các danh hiệu cao quý cho bộ môn nghệ thuật, truyền thống của dân tộc cũng cần quan tâm và hướng tới những lớp nghệ sĩ là những ca sĩ hoạt động tự do. Bởi trong lòng hàng triệu khán thính giả, có những ca sĩ tuy hoạt động tự do nhưng tài năng cũng như những cống hiến, đóng góp của họ luôn được giới chuyên môn đánh giá cao, nhiều công chúng yêu mến.

Thế nên, danh hiệu để ghi nhận những đóng góp, cống hiến của nghệ sĩ nên được trao tặng một cách trân trọng. Đừng để nghệ sĩ nản lòng khi phải đi xin danh hiệu!

* Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm tác giả, sống và làm việc tại TP.HCM.


Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Thanh Niên

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *