Gạn đục khơi trong hai từ “nghệ sĩ”

Gạn đục khơi trong hai từ “nghệ sĩ”

03/06/2021
1061 Lượt xem

(CLV) – Giữa ồn ào của làng giải trí đang khiến hình ảnh người nghệ sĩ xấu dần đi trong mắt công chúng, may mắn thay vẫn còn một nơi để mọi người cùng nhau nhìn nhận lại tài năng và sự tận hiến của những người nghệ sĩ đích thực.

“Hào quang là nhất thời, huyền thoại là mãi mãi” câu nói mở đầu của người dẫn chương trình Bửu Điền, cũng là nhà sản xuất chương trình Dấu ấn huyền thoại (phát sóng trên HTV7 lúc 20g35 thứ Tư hàng tuần) đủ để cả công chúng và người làm nghề phải nhìn nhận lại giá trị và ý nghĩa của 2 từ nghệ sĩ.

Clip: Khán giả bồi hồi khi nghe ca sĩ Bảo Yến hát Chiều hạ vàng trong Dấu ấn huyền thoại:

Dấu ấn huyền thoại không nằm ngoài xu hướng hoài niệm khi đem trở lại những giọng ca vang bóng một thời, những chân dung nghệ sĩ ở lĩnh vực tân nhạc, cổ nhạc. Việc dàn dựng đan xen giữa phần talk show (nghệ sĩ kể chuyện đời chuyện nghề) và mini liveshow (trình diễn lại những tác phẩm gắn với tên tuổi họ) không quá mới mẻ, nhưng chương trình vẫn có sức hút mạnh mẽ nhờ “đẳng cấp” của các nghệ sĩ khách mời và ở tư cách đạo đức làm nghề của họ.

Tâm sự của những nghệ sĩ xuất hiện trong Dấu ấn huyền thoại để lại những bài học đạo đức làm nghề ý nghĩa cho giới nghệ sĩ

Tâm sự của những nghệ sĩ xuất hiện trong Dấu ấn huyền thoại để lại những bài học đạo đức làm nghề ý nghĩa cho giới nghệ sĩ

Với 4 số đã qua, khán giả lần lượt được gặp lại những thần tượng như NSND Bạch Tuyết, ca sĩ Bảo Yến, NSƯT Hải Phượng (đàn tranh) và mới nhất là NSND Thanh Tuấn. Dù đã ở hàng U60, U70, U80 nhưng tất cả đều khiến người xem thán phục vì sự trẻ trung lẫn “lửa nghề” trong họ.

NSND Bạch Tuyết vẫn xuất thần khi tái hiện trích đoạn Đời cô Lựu, Diễn kịch một mình đã làm nên tên tuổi của bà, NSND Thanh Tuấn vẫn giữ cách rung ngân nhấn chữ độc đáo khi hóa thân lần nữa thành thái tử Ngũ Châu (vở Đường gươm Nguyên Bá) và Chu Văn An (Nỗi lòng Chu Văn An) – 2 vai diễn để đời trong đời làm nghề của ông.

Ca sĩ Bảo Yến vẫn khiến người nghe bồi hồi khi cất giọng “Em hát đi ru mây hạ về…” hay “Mình gặp nhau như lúc mới quen ban đầu cớ sao anh ngập ngừng…” bởi gần như không có sự khác biệt nào giữa tiếng hát hiện nay và của 20, 30 năm về trước. Ngón đàn của “ngôi sao đàn tranh” Hải Phượng vẫn sắc sảo điêu luyện khi dạo lên những khúc nhạc Lưu Thủy – Bình Bán – Kim Tiền, Hòn Vọng Phu…

Không chỉ vậy, điều khiến người xem tâm đắc nhất ở chương trình chính là những tâm sự về nghề nghiệp của nghệ sĩ khách mời. Lắng nghe NSND Bạch Tuyết kể về việc bà luôn thuộc nằm lòng lời người thầy – NSND Phùng Há: “Bao nhiêu người cúi xuống để con bước lên lưng của người ta” để luôn yêu thương, san sẻ với đồng nghiệp, dù họ chỉ là nhân viên hậu đài, phục trang; hay nghe NSND Thanh Tuấn lý giải chuyện vẫn đi hát đám tiệc, dù được phong danh hiệu cao quý là vì “Không có danh hiệu nào chia cách được Thanh Tuấn với khán giả”…. mới hiểu vì sao sau ngần ấy thời gian trôi qua, với bao nhiêu lớp nghệ sĩ mới đã xuất hiện, tên tuổi của họ vẫn sống mãi trong lòng công chúng.

Thái độ làm nghề nghiêm túc, lòng tôn kính với tổ nghiệp với khán giả và nhất là tính khiêm tốn chính là những giá trị cốt lõi giúp họ trở thành những “huyền thoại”, những “tượng đài” trong nghề. Giữa thời buổi công chúng đang mất niềm tin với hai chữ “nghệ sĩ” vì những lùm xùm không minh bạch khi làm từ thiện, quảng cáo sai sự thật và phát ngôn coi thường khán giả, những sẻ chia, tâm sự của các “huyền thoại” trong chương trình đã góp phần gạn đục khơi trong hai chữ “nghệ sĩ”, để cùng nhau nhìn nhận lại đâu mới là người nghệ sĩ đích thực.

Nguyễn Ngọc


5/5 - (4 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *