Gánh cải trạng nguyên
Hoàng Phi Học là một thư sinh hiếu học đỗ thủ khoa kỳ thi hội. Gia cảnh nghèo, đi thi phải mượn nhờ chiếc áo lành lặn của người bạn thân Lương Bằng. Quan Tuần Vũ mến tài nên muốn ngỏ lời gả con gái là Vương Bội Ngọc cho Hoàng Phi Học. Sau khi thử tài văn chương của chàng, tiểu thư họ Vương đẹp ý nên lập tờ hứa hôn làm giao ước duyên nợ trao cho Hoàng Phi Học giữ lấy.
Với nghề mưu sinh thường nhật là bán cải, Hoàng Phi Học gặp Tố Nga – nữ tỳ nhà họ Vương. Nàng Tố Nga thông minh, xinh đẹp, nhí nhảnh và có chút lí lắc. Khổ thay cho anh Học, đụng trúng ai không đụng, lại đụng phải Tố Nga…… là hết thời…. bán cải. Bởi vì đụng trúng cái chỗ…. cái chỗ…. mà nàng Tố Nga hỏng có nói được, nên nàng “hành” anh Học muốn lên bờ xuống ruộng mới chịu tha cho chàng. Duyên đến tình cờ, Tố Nga yêu chàng ngay từ buổi đầu tiên nhưng được biết chàng đã hứa hôn với Vương tiểu thư. Nàng chỉ xin chàng hứa một câu “Nếu anh không vợ thì tức em là vợ của anh, nếu vợ chồng anh giữa chừng duyên nợ không thành thì em sẽ là vợ của anh suốt kiếp” và khắc ghi lời hứa đó trong lòng. (chị Tố Nga khôn ghê, hứa đằng nào chị cũng “lời” ^_^)
Nàng Tố Nga vì “thương” vì “tội” vì “sợ” tiểu thư Vương Bội Ngọc phải sống cảnh vất vả, nên liền kể thật là chi tiết, rành rẽ về gia thế của Hoàng Phi Học. Nghe Phi Học chỉ là một tên bán cải nghèo nàn, mẹ con tiểu thư Vương Bội Ngọc liền đòi lại tờ hứa hôn và hủy bỏ giao ước với lời lẽ cay nghiệt “phụng là phụng, gà là gà, tố nào theo tố ấy”.
Dừng chân ghé lại quán nhỏ của cha con thầy tướng số họ Trương, Hoàng Phi Học được thầy tướng số xem ra quí tướng, tiền đồ rực rỡ nên giúp đỡ bạc tiền lên kinh ứng thí và gả con gái Trương Mỹ Chi cho chàng. Mỹ Chi là cô gái ngoan hiền, ngây thơ trong sáng. Hoàng Phi Học cố mở lòng tin tưởng vào những điều tốt đẹp, một lần nữa đặt bút làm tờ giao ước hôn nhân.
Trước ngày chàng đi thi, Tố Nga tìm đến nhà Hoàng Phi Học để ra mắt mẹ chàng. Nàng Tố Nga dễ thương, hoạt bát, lanh lợi “ào” đến nhà Phi Học như một cơn “bão” khiến Hoàng lão mẫu nhất thời tiếp nhận hỏng có nổi. Nhưng qua đôi câu tâm sự, nghe Tố Nga kể về hoàn cảnh của mình, Hoàng lão mẫu bỗng thấy thương thương, mến mến thế là bà đồng ý nhận Tố Nga làm dâu.
Hoàng Phi Học bán cải về đến, bất ngờ khi nhìn thấy nàng Tố Nga đang ở trong nhà. Chàng liền trở mặt không giữ lời giao ước hôm nào, khiến nàng Tố Nga giọt ngắn giọt dài (ghét anh Học này rùi nha). Nhờ có Hoàng lão mẫu Học mới thuận lòng. Mới câu trước còn xua đuổi người ta, đến lúc lên kinh ứng thí thì “anh lên đường, nơi quê nhà mẹ già nhờ em chăm sóc thay anh” (ghét anh tập 2 nha….. tráo trở).
Kể từ ngày Phi Học đi thi, trong mái lều tranh có mẹ có con, Tố Nga luôn bên cạnh làm trọn bổn phận dâu con. Rồi Mỹ Chi – người vợ hứa hôn danh chính ngôn thuận của Học cũng tìm đến nhà. Tố Nga cố nén đau, chỉ nhận mình là em gái của Phi Học.
Lúc này có tin quan trạng về làng, người đó chẳng ai khác chính là anh chàng bán cải Hoàng Phi Học. Tiểu thư Vương Bội Ngọc nghe tin Phi Học đỗ trạng, liền đến tìm mong nối lại cung đàn dang dở ngày xưa thì được Phi Học trả lại cho câu “Phụng gà không thể sánh đôi. Đỉa đeo chân hạc miệng đời mỉa khinh. Vũng ao ai dựng cung đình. Thấp hèn nên biết phận mình gối rơm”. Quá xấu hổ Vương Bội Ngọc gần như điên loạn bỏ chạy.
Học đã vinh quy bái tổ về làng, cũng là lúc Tố Nga nuốt ngược nước mắt vào tim, nói lời giã biệt ra đi. Bây giờ, Mỹ Chi mới rõ thông, Mỹ Chi càng thương Tố Nga hơn. Mỹ Chi tự nhận không sánh được bằng Tố Nga nghĩa sắt son, tình chung thủy. Mỹ Chi muốn Học giữ Tố Nga ở lại. Rõ ràng trong mắt Phi Học có hình ảnh nàng Tố Nga, thế mà mở miệng là giữ chữ tín làm đầu (ứa gan anh này tập 3). Đến khi Mỹ Chi, cha Mỹ Chi cả Hoàng lão mẫu cùng đi theo Tố Nga, để mình chàng Học ở đó mà giữ chứ tín làm đầu, thì chàng lại trở mặt “nếu mẹ vì chữ nghĩa, thì con xin vì chữ hiếu, vâng lời mẹ dạy”. Mong là từ đây anh Học sẽ không làm chị Tố Nga khóc nữa.
Để lại một bình luận