Giữ lửa sân khấu cải lương
(CLV) – Thực trạng “hiu quạnh” của sân khấu nghệ thuật cải lương hiện tại đặt ra nhiều vấn đề. Vì thế theo nhiều chuyên gia để tồn tại, sàn diễn sân khấu cải lương của các đơn vị xã hội hóa phải chuyển đổi cách vận hành, phải năng động hơn…
Một trong những lý do khiến khán giả không mặn mà với loại hình này, đặc biệt là khán giả trẻ bởi vì tiết tấu chậm, dàn trải, khó tiếp nhận trong nhịp sống năng động của thời đại. Do vậy, việc đổi mới nghệ thuật cải lương bằng cách lồng ghép nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau đang hứa hẹn kéo khán giả về với sân khấu truyền thống.
Nhiều năm trở lại đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có rất nhiều tìm tòi trong việc làm mới sân khấu cải lương. Những vở diễn kết hợp ngôn ngữ điện ảnh, múa hiện đại do cố đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng thực hiện, dẫu chưa hẳn tạo ra đột phá, nhưng cũng thổi thêm một làn gió mới mẻ vào nghệ thuật này. Bên cạnh những vở mang màu sắc chính luận, có khả năng “câu nước mắt”, tháng 6 vừa qua, nhà hát này đã cho ra mắt chùm kịch ngắn Tình yêu qua mạng – Bệnh quảng cáo – Sếp vợ.
Gần đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội tiếp tục khởi công dựng vở cải lương Đi tìm Đại vương được dàn dựng theo một phong cách hoàn toàn mới. Làn gió đổi mới cũng được người xem cảm nhận khá rõ ở Nhà hát Cải lương Việt Nam. “Vì sao lạc xứ” vở diễn mới ra mắt của nhà hát đã cho thấy những nỗ lực rất lớn của đạo diễn và họa sĩ thiết kế trong dàn dựng bối cảnh sân khấu, nhất là trong những phần chuyển cảnh để giảm bớt sự nặng nề, chậm chạp của sân khấu truyền thống. Cách chuyển cảnh bằng âm nhạc cùng những lớp diễn xen kẽ và cách cấu trúc nhiều tầng không gian phía sau sân khấu giúp đẩy nhanh tiết tấu vở, giúp quá trình thưởng thức và cảm xúc của khán giả gần như không bị ngắt quãng. Bên cạnh đó, vở diễn cũng được áp dụng nhiều kỹ xảo ánh sáng, thủ pháp sân khấu khác nhau để thu hút sự tập trung chú ý của khán giả.
“Chuyện tình Khau Vai” (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể và đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên), do Sân khấu mới Đại Việt sản xuất và công diễn trong tháng 6 vừa qua tại TP HCM là một điển hình cho thành công của sự thể nghiệm trong cải lương. Vở diễn dù đã ra mắt khán giả từ năm 2013 nhưng sự làm mới lần này với mục đích thu hút công chúng từ sự thể nghiệm đã mang đến thành công nhiều mặt cho “Chuyện tình Khau Vai”.
Đối với vở diễn này, công chúng có thể thấy ngay sự thể nghiệm từ đề tài, một câu chuyện diễn ra giữa không gian văn hoá núi rừng Tây Bắc. Chuyện kể về tình yêu của Chàng Ba và Nàng Út, do khoảng cách giàu nghèo và định kiến giữa 2 tộc người Giáy, Nùng nên không thể đến với nhau. Khi hai tộc người xảy ra xung đột, cặp đôi trở về để báo hiếu, cùng hẹn ước năm sau sẽ gặp lại ở đây. Những biến cố xảy ra khiến nàng Út quyên sinh. Thương nhớ nàng, hằng năm vào đúng ngày hẹn, chàng Ba lại lên đỉnh Khau Vai nhớ về lời thề ước năm xưa. Đây là một câu chuyện đẹp về văn hóa của vùng Tây Bắc nhưng đáng nói là 90% diễn viên của vở là người miền Nam như: NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Lê Tứ, Võ Minh Lâm… Chỉ duy nhất nhân vật chàng Ba được đảm nhận bởi nghệ sĩ miền Bắc Quang Khải. Sự kết hợp chất giọng 2 miền có thể coi là một điều mới mẻ ít thấy trên sân khấu cải lương.
Có thể nói, vở diễn này dày đặc “thể nghiệm” khi mang đến cho khán giả trải nghiệm sinh động như những thước phim do ê kip sản xuất đã đặc tả phiên chợ tình độc đáo với sự sáng tạo trong cách chuyển không gian, thời gian, xử lý ánh sáng. Đặc biệt, “Chuyện tình Khau Vai” đã tự làm mới âm nhạc khi có sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cải lương với những giai điệu dân gian miền núi Tây Bắc đã tái hiện không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.
Được biết, trước khi tái diễn lại vở diễn theo hướng thể nghiệm, đoàn diễn viên của “Chuyện tình Khau Vai” đã có chuyến đi thực tế tại Hà Giang để trải nghiệm văn hoá, phong tục của người dân tộc Nùng, Giáy trong tác phẩm. Việc đưa những trang phục truyền thống của dân tộc Giáy, Nùng ở Hà Giang cùng với ngôn ngữ, văn hoá đậm đặc vùng, miền đã khiến vở diễn cuốn hút hàng trăm khán giả, trong đó có không ít khán giả trẻ. Sự mạnh dạn đổi mới này đã đem đến những tín hiệu tích cực từ phía công chúng.
Chị Hương, một khán giả, đã chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình theo dõi một vở cải lương trọn vẹn và hấp dẫn như vậy. Mong rằng có nhiều sự thể nghiệm như vậy trong sân khấu cải lương”. Có thể nói không chỉ có “Chuyện tình Khau Vai”, nhiều vở cải lương bắt đầu thể nghiệm, nhận biết thị hiếu của khán giả để thay đổi, kéo họ về với sân khấu truyền thống. Mới đây, đạo diễn Nguyên Đạt có vở “Tổ quốc nơi cuối con đường” với sự phối hợp âm nhạc ngũ cung với pop, rock, world music, cũng gây ấn tượng rất mạnh mẽ. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng với sự lao động, sáng tạo nghiêm túc và có lộ trình, sân khấu cải lương truyền thống sẽ không còn nỗi lo thất sủng giữa thời đại giải trí công nghiệp như ngày nay.
Trong tháng 3, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cũng đã mở lớp tập huấn cho diễn viên trẻ cải lương, mời các đoàn xã hội hóa trong Nam tham gia là một cách để tiếp cận xu thế đổi mới trong cách diễn xuất, dàn dựng. Tư duy sáng tạo của diễn viên cải lương là vấn đề cần bổ sung vào thời điểm toàn cầu đang được tác động bởi công nghệ 4.0. Nếu NS cải lương không tự đặt mình vào vị thế mới để có thể tương tác thì đó là một thiệt thòi. Và đây được kỳ vọng là giải pháp để giữ lửa cho sân khấu cải lương trong giai đoạn hiện nay.
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.125344 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98741 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95526 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93950
Trả lời