Giữa xứ người, nghe câu hát cải lương

Giữa xứ người, nghe câu hát cải lương

Chưa phân loại
08/05/2017
565 Lượt xem

Chị bạn thân gọi điện mượn ít đĩa cải lương. Tôi hơi bất ngờ, bởi chị có bao giờ nghe đâu mà mượn?

“Đâu phải cho Hà, cho má nghe đó chứ. Sáng giờ gọi hỏi cả nhà, ai cũng bảo mình gốc Hoa, làm gì biết nghe hát cải lương. Gọi chồng cũ, ổng người bắc, cũng chưa hề đụng tới. Tính lên mạng down về, mà chẳng biết ai là ai để lưu. Nghĩ một hồi mới nhớ, có lần mình đi chơi, Tài mở cải lương, say sưa bảo đó là “Sân khấu về khuya”, một vở tuồng thiên thu của ông Năm Châu, nên Hà mới gọi”. Tôi cười to, tiền bạc không dư, chứ cải lương thì đầy, cần bao nhiêu cũng có.

Má chị nhập viện lần thứ hai, tràn dịch phổi, hở van tim. Tưởng không qua khỏi. Con cháu khắp nước Mỹ lật đật book vé bay về, ngồi cạnh bên, khóc lóc đủ đường, chuẩn bị cho tang lễ. Vậy mà một lần nữa, y chang bảy năm trước, bà lại thoát chết thần kỳ trước sự ngỡ ngàng của y bác sĩ và người thân. Chẳng ai hiểu tại sao một người phụ nữ tám mươi mấy tuổi, còm cõi chưa tới ba mươi ký lô, mắt mù lòa, lại có thể chống lại tiếng gọi kinh hoàng của thần chết. Bác sĩ không cho bà về, làm thủ tục xin trợ cấp, để vào nursing home (viện dưỡng lão) mà sống. Mỗi ngày, con cái thay phiên nhau vô an ủi, chuyện trò cho bà bớt quạnh hiu. Được đâu hơn tuần, bà khóc lóc đòi về, không chịu ở đây nữa. Năn nỉ hết lời, nói má về thì cũng ở nhà với ba, tụi con đi làm cả ngày, lấy ai chăm sóc. Bà bảo ở đây sợ quá, hổng có gì vui. Y tá bác sĩ toàn nói tiếng Anh hổng hiểu. Thôi để tao về nhà ôm radio, canh nghe cải lương cho đã.

Nghe má nói, chị Hà khóc ròng. Cả nhà hồi nhỏ sống trong Chợ Lớn, nói tiếng Hoa. Qua đây vô trường, đi làm, nói toàn tiếng Mỹ. Sinh con cháu bên này, tụi nó mặc nhiên tự nhận mình là người Mỹ gốc Hoa. Cả nhà quên bẵng má mình, một trăm phần trăm là người Việt.

Xứ người bận rộn, con cháu gì cũng đầu tắt mặt tối đi làm. Hai ông bà thui thủi ở với nhau, trong căn hộ trợ cấp của chính phủ. Thế giới của người phụ nữ mù lòa, trước mặt, sau lưng là bóng đêm vời vợi, ngoài những lời càm ràm nửa Tàu, nửa Việt của ông chồng và mấy đứa con thỉnh thoảng ghé thăm, là cái radio cũ mèm, ngày hai tiếng nghe tân cổ, cải lương từ California phát tới. Những vở tuồng cải lương cũ kỹ là chiếc cầu nối bà với quê hương ruột thịt, gần bốn mươi năm chưa cất bước trở về.

Bà thao thao kể về những đêm mặc áo dài trắng, quần đen, xếp hàng mua vé vô rạp Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo, xem Nửa đời hương phấn, Tiếng hạc trong trăng, Tuyệt tình ca, Con gái chị Hằng… Bà quờ quạng nhắc tới những lúc tim như ngừng đập, nước mắt rơi lã chã, khi bậc thầy Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ngọc Hương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Phượng Liên… xuống xề vọng cổ, khóc cười với nhân vật trên sàn diễn thiêng liêng, giữa hai tấm màn nhung nửa dùn nửa thẳng.

Mà biết đâu chồng đĩa cải lương tôi cho mượn sẽ giúp bà qua cơn thập tử nhất sinh. Để những ký ức êm đẹp năm xưa là liều thuốc an thần cho bà tiếp tục sống đời cùng con cháu.

Nguyễn Hữu Tài


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *