Hát chùa mùa Vu lan
Tháng 7 âm lịch đã đến, sao lớn sao nhỏ cải lương lên lịch đi “hát chùa” dày đặc. Mỗi năm cứ đến mùa Vu lan là “sân khấu chùa” lại rộn ràng khắp các tỉnh thành.
Sân khấu cải lương bây giờ đang khó khăn, khán giả ít được gặp nghệ sĩ, nhưng đến tháng 7 họ lại tha hồ chiêm ngưỡng những “thần tượng” của mình. Hầu như các nghệ sĩ nổi tiếng như Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Phượng Loan, Thoại Miêu, Tú Sương… đều có mặt xuyên suốt tại các sân khấu chùa. Sân khấu chùa tuy không hoành tráng, không đủ thiết bị kỹ thuật như sân khấu chuyên nghiệp, nhưng bù lại khán giả lên đến hàng ngàn người, thì cũng xôm tụ vô cùng.
NSND Lệ Thủy là cái tên được yêu quý hàng đầu, mùa Vu lan các chùa mời chị rất nhiều. Chị nói: “Trung bình mỗi ngày tôi hát 2 – 3 nơi. Chạy khắp các tỉnh, ôi thôi danh sách điểm diễn dài sọc. Có khi sáng ở Sài Gòn, trưa xuống Tiền Giang, chiều ngược Tây Ninh… Hà Nội có mời nhưng tôi từ chối”. Năm nay chị đã tuổi thất thập mà chạy sô cỡ đó thì… quá siêu. Chị cười: “Có tài xế lái xe cho tôi. Tôi hay đùa mình là Lê Ngọa Triều, lên xe là nằm nguyên băng ghế sau. Và chiếc xe là nhà của tôi, đủ thứ mền gối, thuốc men, cơm nước… đem theo”.
NSƯT Thanh Kim Huệ tuổi đã hơn 60 mà trông vẫn trẻ khỏe, cũng chạy suốt mùa Vu lan với một chiếc ô tô do cháu chị lái. Chị cười hi hi đúng chất giọng ngày xưa không hề già đi: “Mệt thì có mệt nhưng vui nhiều hơn. Đi hát mới thấy dân miền Tây mình còn mê cải lương dữ lắm”.
Thường khi hát chùa, khán giả không cần tuồng tích gì nhiều, chỉ cần nghệ sĩ ca vọng cổ là đủ, hoặc thỉnh thoảng có thêm một trích đoạn là đã hài lòng. Lệ Thủy nói: “Tôi hát bài vọng cổ về tình mẹ của sư Minh Toàn, sau đó hát mấy bài lý trong cuốn Đố vui Phật pháp của tác giả Hoàng Kim nói về quy y, ngũ giới là khán giả vỗ tay. Đôi khi thầy giảng thì người ta quên bài học, chứ khi nghệ sĩ hát thì người ta nhớ dễ hơn, lâu hơn”. NSƯT Thanh Kim Huệ cho biết: “Tôi có bài tủ là Mục Liên tìm mẹ, chỉ cần ca lên là người ta rơm rớm nước mắt”. Nhưng thỉnh thoảng khán giả vẫn yêu cầu chị hát trích đoạn Lan và Điệp hoặc Ngao Sò Ốc Hến. Nhà chùa cũng không khe khắt gì, cứ để chị hát thoải mái.
Hát chùa thì vẫn có thù lao, bởi khi tổ chức đêm diễn thì nhà chùa đã có sự tài trợ của phật tử. Ai cũng biết nghệ sĩ đi hát phải tốn tiền xăng xe, rồi thuê tài xế, son phấn, trang phục, ăn uống, thuốc men… Nhưng tế nhị ở chỗ nghệ sĩ không bao giờ “ra giá” mà cứ để chùa tùy tâm bỏ phong bì. Lệ Thủy nói: “Như tôi thì được vài triệu mỗi lần hát. Chùa nào có vẻ khó khăn hoặc ở vùng sâu thì có khi tôi cúng dường lại một phần, chỉ lấy đủ tiền xăng thôi”.
NSƯT Phượng Loan tâm sự: “Chúng tôi không gọi là thù lao hay cát sê, mà gọi đó là lộc chùa. Bởi cuối cùng, được hát mới là hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ”.
Hoàng Kim
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.130223 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98791 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95586 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94028
Để lại một bình luận