Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay

Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay

11/11/2019
1432 Lượt xem

(CLV) – Sáng 8-11, Hội Sân khấu TP HCM tổ chức tọa đàm “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương tại Sài Gòn – 1955-1975”. Các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nhà báo hiến kế, đóng góp ý kiến cho việc bảo tồn, phát triển cải lương trong thời đại mới.

Tham dự tọa đàm có các nghệ sĩ: NSND Trần Minh Ngọc, Trần Ngọc Giàu, Thanh Tuấn, NSƯT Kim Tử Long, tác giả Vương Huyền Cơ, nhạc sĩ Hồ Văn Thành, tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, nhà báo Nguyễn Chương, NSƯT Ca Lê Hồng, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, Đỗ Dũng, đạo diễn Thanh Hạp, soạn giả Đăng Minh, Đức Hiền, NSƯT Lê Tứ, Lê Trung Thảo, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, soạn giả Đức Hiền, nhà sưu tầm hơn 6000 dĩa hát xưa Nguyễn Lê Hiếu…

Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay - Ảnh 1.

NS Thanh Tú, cố NSƯT Út Bạch Lan, NSND Ngọc Giàu,NS Trang Bích Liễu từng gắn bó với đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga thập niên 60-70

Tọa đàm có hơn 10 tham luận xoay quanh những thành tựu vượt bậc của giai đoạn vàng son của cải lương tại Sài Gòn từ năm 1955-1975.

Các tham luận gồm: “Tổng kết bước đầu về nhân tố tạo thành tựu sân khấu cải lương Sài Gòn giai đoạn 1955-1975” (Huỳnh Quốc Thắng); “NSND Nguyễn Thành Châu – từ ‘thật và đẹp’ đến ‘tứ quý’ ” (Đỗ Quốc Dũng), “Điểm qua hoạt động và phong cách nghệ thuật của một số đoàn cải lương tiêu biểu tại Sài Gòn – 1955-1975” (Đăng Minh); “Vài dấu ấn ghi nhận trong tôn chỉ các đoàn hát” (Nguyễn Chương); “Hai trường phái biểu diễn của cải lương miền Nam – 1954 -1975” (Việt Thư); “Ông bầu Long và đại Công ty Kim Chung” (soạn giả Nguyễn Phương); “Các tác giả và tác phẩm nổi tiếng từ 1955 đến 1975” (Khổ Gia Trường); “Vai trò của dĩa hát trong sự phát triển cải lương” (Dương Kiều); “Từ vọng cổ nhịp 32 nghĩ về bài vọng cổ và nhớ về những tài danh vọng cổ cải lương” (Thanh Hạp)…

Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay - Ảnh 2.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung – Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM phát biểu tại tọa đàm

Các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cũng đã có nhiều hiến kế, đóng góp để tìm ra giá trị đích thực của nghệ thuật biểu diễn, sáng tác, điều hành tổ chức, phong cách và khuynh hướng nghệ thuật của cải lương giai đoạn này.

Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay - Ảnh 3.

“Đời cô Lựu” – một tác phẩm sân khấu nổi tiếng của tác giả Trần Hữu Trang

Nhà nghiên cứu – tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng nhận định: “Những tổng kết bước đầu từ nghiên cứu lịch sử sân khấu cải lương Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975 cho thấy ở trong bản thân sân khấu cải lương vẫn luôn tiềm tàng những khả năng tạo nên sức sống riêng của mình. Thực chất đó là những giá trị văn hóa có thật, từng minh chứng sức mạnh của nó. Khi được phát huy tốt, chắc chắn nó sẽ thu hút đông đảo công chúng đến với cải lương. Điều ấy trong chừng mức nhất định cho thấy rằng công chúng không quay lưng lại với sân khấu cải lương mà chỉ có thể do cải lương xa rời các giá trị đích thực của mình”.

Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay - Ảnh 4.

Cố NSUT Thanh Nga, ngôi sao sáng của đoàn Thanh Minh, Thanh Nga

Ông Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhấn mạnh: “Không thể phủ nhận một chặng đường hình thành và phát triển mạnh mẽ của sân khấu cải lương miền nam khi nhìn lại giai đoạn 1955 – 1975. Đây là thời điểm phát triển rực rỡ của sân khấu cải lương miền Nam khi xuất hiện nhiều đoàn cải lương khẳng định được thương hiệu”. Theo ông Cần, vấn đề quan trọng là phải kế thừa sáng tạo để cải lương có chỗ đứng trong giai đoạn hiện nay

Bàn về cải lương tại Sài Gòn giai đoạn 1955-1975, NSND Thanh Tuấn chia sẻ: “Khuynh hướng sáng tác và biểu diễn thời này là những vở tuồng cải lương khai thác những mối tình đẫm lệ, đầy trắc trở hoặc những vở tuồng hư cấu dựa theo truyện kiếm khách giang hồ của Kim Dung đang ăn khách tại Sài Gòn.

Các đoàn không chỉ biểu diễn tại Sài Gòn mà còn lưu diễn sân bãi ở các tỉnh thành miền Trung, miền Nam. Đa phần các vở có lời ca vàng vọt bi luỵ, sướt mướt, hoặc đánh trưởng giật gân, phục trang lộng lẫy. Điều này một phần ảnh hưởng đến khuynh hướng ca diễn của một số sân khấu hiện nay…”.

Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay - Ảnh 5.

NSND Lệ Thủy, Minh Vương – hai ngôi sao sáng của đoàn Kim Chung

Theo NSND Thanh Tuấn, đây là giai đoạn hoàng kim nghệ thuật cải lương. Cách làm từ khuynh hướng sáng tác, ca diễn cho đến cách tổ chức đã in sâu trong tâm trí những người sống với sân khấu cải lương.

Nhìn nhận khách quan, xu hướng chung của nghệ thuật diễn cải lương Nam giai đoạn 1955 -1975 là lối diễn hình thức, khoe giọng ca hay, khoe trang phục đẹp, chưa đi sâu vào tính nhân văn. Từ đó, những vở cải lương của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, Dạ Lý Hương và Hương Mùa Thu bắt đầu đi vào nghệ thuật diễn có nội tâm nhân vật, nội dung tác phẩm. Các đạo diễn, diễn viên chú ý ca diễn theo sát tình cảm tâm trạng nhân vật, diễn biểu hiện nội dung hiện thực tác phẩm.

Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay - Ảnh 6.

Bà bầu Thơ và cố NSUT Thanh Nga (đoàn Thanh Minh, Thanh Nga)

Chính nghệ thuật diễn sáng tạo đã ảnh hưởng đến khuynh hướng sáng tác, dàn dựng cho các đoàn hát sau 1975.

Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay - Ảnh 7.

Bà bầu Kim Chưởng và soạn giả Kiên Giang

Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay - Ảnh 8.

NSND soạn giả Viễn Châu – NSND Diệp Lang

Sự đổi mới nội dung sân khấu dẫn đến đổi mới nghệ thuật diễn của các diễn viên cải lương ngôi sao giai đoạn này đã cho thấy họ hướng đến phong cách diễn tinh tế, hành động nhanh, ca kỹ thuật ngọt ngào. Những đoàn cải lương chuộng đề tài xã hội như: Thanh Minh – Thanh Nga, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương đã chọn cách diễn hồn nhiên giản dị, ca diễn chậm rãi, kể chuyện tự nhiên. Những vở diễn của các đoàn này đã thể hiện rõ sân khấu kể chuyện, để lời ca, tiếng hát, lời thoại cứ tự nhiên ngấm vào công chúng. Hành động diễn xuất thời này không hoa mỹ, nói sao thì điệu bộ như vậy. Chính điều này đã chuyển hóa sâu sắc, để các đoàn nghệ thuật sau này học tập và vận dụng.

Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay - Ảnh 9.

Soạn giả Đăng Minh phát biểu tại tọa đàm

Phải khẳng định, chính những tiến bộ về vở diễn đề tài cuộc sống con người mới, nghệ thuật cải lương giai đoạn 1955 -1975 đã tạo ra ngôn ngữ hành động mới, ca diễn mang nội dung hiện thực tâm lý đí sâu vào tình cảm nhân vật.

Nghệ thuật ca diễn trên sân khấu thời đó là hình mẫu nghệ thuật, ngôn ngữ hành động, sự hoàn chỉnh nghệ thuật để từ sự chuyển hóa này, các đạo diễn của sân khấu cải lương hôm nay áp dụng cho việc đưa tính mỹ học vào trong trang trí, phục trang và âm nhạc sân khấu để phục vụ cho tổng thể vở diễn.

Từ cách làm của thế hệ đi trước, sự chuyển hóa đó đã tạo cho đạo diễn việc hình thành các nhân vật có chuỗi hành động hợp lôgíc từ đầu đến kết thúc số phận qua những việc làm của nhân vật. Mỗi vở cải lương đã có sự tổ chức hành động diễn có nhịp điệu, tiết tấu và không gian vở không bị chủ nghĩa tự nhiên, mà tạo tính cao trào trong kỹ thuật ca diễn, đây là sự đổi mới nghệ thuật các sàn diễn cải lương Nam sau ngày hoà bình thống nhất.

Ngày nay, học những ưu điểm của người làm cải lương giai đoạn 1955 – 1975, Hội Sân khấu TP HCM và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cần có những cuộc trao đổi, đúc kết phương hướng sáng tác, đạo diễn trên những ý kiến đóng góp từ cuộc tọa đàm này. Qua đó, mở rộng qui mô tổ chức để các đoàn nghệ thuật sân khấu xã hội hóa về cải lương tham gia, hướng đến sự chuẩn mực để sàn diễn cải lương sáng đèn với nhiều tác phẩm mới. “Đó chính là kỳ vọng của những người làm nghệ thuật cải lương hôm nay” – NSND Trần Minh Ngọc đã nói.

Ảnh: Huỳnh Công Minh – Thanh Hiệp – Cẩm Liên


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *