Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương – Kỳ 4: Vào nghiệp cầm ca

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương – Kỳ 4: Vào nghiệp cầm ca

09/05/2016
901 Lượt xem

(CLV) – Mọi chuyện lại thay đổi đột ngột vào mùa hè năm tôi 19 tuổi. Năm đó tôi thi rớt tú tài 2 – một kỳ thi trọng đại của đời học trò.

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 4: Vào nghiệp cầm ca - ảnh 1

Kim Cương (bìa phải) cùng xơ Bernadate nhà dòng cha Tam – Ảnh tư liệu gia đình

Điều đáng ngại với những học trò thi rớt là không hoàn toàn chắc năm sau mình có thể đậu. Tôi hụt hẫng và hoang mang.

Trong tâm trạng đó, tôi gói ghém đồ đạc đi thăm má mà không cần ai cho phép. Lúc đó má đang hát ở Châu Đốc…

Đêm định mệnh với Nụ cười sơn cước

Về thăm má là tôi được trở về đoàn hát, trở lại không khí sôi động một thời tôi từng quằn quại nhớ thương. Má tôi vui lắm. Má hát hay hơn, diễn nồng nhiệt hơn. Giống như cái thời má mang thai tôi. Nhưng cảm giác tôi lại khác xa.

Quen với cuộc sống chỉn chu, nề nếp ở nhà dòng, tôi đôi khi thấy khó chịu với những bát nháo ở đoàn hát. Những nhốn nháo tôi từng nhớ thương giờ trở nên quá lạ lùng.

Sau một tuần đoàn diễn ở Châu Đốc thì bỗng một hôm tôi thấy không khí có vẻ căng thẳng, nhốn nháo hơn mọi ngày. Tôi không hiểu lúc ấy tình hình chiến sự như thế nào, nhưng giữa suất hát bỗng nghe xa xa có tiếng súng nổ.

Ban đầu còn rời rạc nhưng càng lúc càng dữ dội. Một lát sau, đoàn hát được lịnh phải đóng cửa rạp lại để giữ khán giả khỏi ra ngoài, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Để mọi người không hoảng loạn, đêm diễn vẫn cứ tiếp tục. Tiếng súng từ xa vẫn ầm ĩ nổ, mỗi lúc một gần hơn, các diễn viên trong đoàn cũng cố hát to hơn, hay hơn để khán giả không để ý đến tình hình đang diễn ra bên ngoài.

Cuối cùng vở hát vẫn phải đến hồi chấm dứt nhưng súng thì vẫn còn tiếp tục nổ rền ngoài xa. Khán giả không thể ngồi mãi trong rạp được. Sự hỗn loạn chắc chắn sẽ xảy ra và kéo theo những đáng tiếc không thể lường trước.

Má tôi suy nghĩ một lúc rồi quyết định cho diễn viên lần lượt ra sân khấu, người hát vọng cổ, người ca tân nhạc, người diễn tấu hài để kéo sự chú ý của khán giả chờ cho tiếng súng kết thúc.

Các cô chú trong đoàn lần lượt ra sân khấu cho tới khi không còn ai có thể hát được nữa. Trong khi đó tình hình vẫn chưa được ổn định. Má nhìn tôi lo lắng.

Rồi má hỏi: “Con biết hát bài nào không?”. “Dạ con biết hát bài Nụ cười sơn cước.” Má ngập ngừng vài giây rồi cuối cùng quyết định: “Kim Cương ra đi con!”.

Sau hơn 10 năm xa sân khấu với nỗi nhớ dai dẳng ám ảnh suốt thời đi học, tôi đã trở lại sân khấu trong cái nhốn nháo của chiến tranh như thế đó. Lúc đó tôi nào hiểu mình đang vô tình bước chân vào một con đường mà nhiều năm nay má và má Năm đã cố tình đẩy tôi ra.

Tôi chỉ biết khán giả cần được thu hút, tiếng hát cần được cất lên. Phải là những lời ca hấp dẫn lôi cuốn. Vậy là tôi hát say sưa.

Có lẽ mọi người bị thu hút vì tự nhiên giữa những nghệ sĩ chuyên nghiệp son phấn lượt là lại xuất hiện một con nhỏ mặc cái đầm xanh đồng phục trường dòng.

Hình ảnh rất mới mẻ nên tạo một không khí bất ngờ đầy thú vị. Mọi người muốn tôi hát nhiều hơn, ở lại sân khấu lâu hơn. Tiếng yêu cầu cứ vang lên làm tôi phải hát liên tục ba bài.

Kỷ niệm đó diễn ra trong rạp Lạc Thanh ở Châu Đốc. Châu Đốc – một thị trấn biên giới nhỏ nhắn – đã gắn với hành trình tôi như vậy. Nơi bắt đầu nghiệp cầm ca một cách bất đắc dĩ, nơi đưa tôi về cái nôi mà cũng là về với bản chất của chính mình. Tôi sau này được ngang dọc thế nào, được thỏa thuê tung hoành ý tưởng ra sao đều nhờ cái đêm định mệnh đó.

Nếu không có đêm hát đó, có lẽ má sẽ không tạo điều kiện cho tôi trở lại với sân khấu và cũng không nhìn thấy được cái duyên sân khấu của tôi để rồi dắt tôi theo. Nếu không làm một nghệ sĩ, không băng mình qua những kịch bản, lăn lộn với những vai diễn, cái tâm tình nhạy cảm và nhiều mâu thuẫn của tôi chắc khó bề có chỗ dung chứa. Châu Đốc khơi trong tôi mối duyên truyền kiếp với sân khấu.

Ba mươi năm sau, chính Châu Đốc là nơi kết thúc chuyện tình cuối cùng của tôi, chuyện tình yêu tươi đẹp làm tôi hạnh phúc nhất, hi vọng nhất và đau đớn nhất.

Trừ Phan Thiết, nơi ba tôi trút hơi thở cuối cùng, chưa có nơi nào để lại dấu ấn với tôi nhiều bằng Châu Đốc. Cái xứ sở đó với tôi mang một duyên phận lạ kỳ. Và tôi đã nhập cuộc một cách dễ dàng như là sinh ra đã thế.

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 4: Vào nghiệp cầm ca - ảnh 2

Kim Cương năm 19 tuổi – Ảnh tư liệu gia đình

Bước qua lời nguyền

Tôi tiếp tục ở lại đoàn hát với má cho đến hết mùa hè như bao nhiêu kỳ nghỉ hè của những đứa học trò khác. Đúng lúc đó, đoàn của má cũng tới chu kỳ trở về thành phố biểu diễn.

Theo lệ của những đoàn hát, khi có vở hay thường diễn ở thành phố trước. Diễn hết các rạp ở Sài Gòn rồi sẽ đem vở đi lưu diễn khắp các tỉnh. Khi diễn xong ở các tỉnh, đoàn hát phải về thành phố dựng vở mới. Khán giả Sài Gòn rất sành điệu và khó tính.

Mỗi lần về phải có vở tuồng độc đáo, phải có khám phá đặc sắc mới mẻ nào đó ra mắt thì đoàn hát mới giữ được tên tuổi của mình. Tất cả các đoàn hát đều phải như thế và cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Má tôi đang muốn tìm một nhân tố mới cho những vai tuồng lạ. Đào hát thì nhiều nhưng tìm một người nổi bật để tạo đột phá thì không bao giờ dễ kiếm. Lần này, nhìn thấy tôi trên sân khấu với một sức sống tươi tắn, hồn nhiên, được khán giả chào đón nồng nhiệt, má dường như quên bẵng đi những phũ phàng mà nghề hát đem đến, không còn quan tâm những hoạch định tương lai như một lời nguyền tôi phải thoát nghề hát.

Má nghĩ nên khai thác gì đó ở cái nét hồn nhiên non trẻ của tôi. Vậy là má bàn với soạn giả Duy Lân viết riêng cho tôi một vở. Không lâu sau, soạn giả Duy Lân cho ra đời vở Giai nhân và ác quỷ, được đo ni đóng giày riêng cho tôi.

Tuồng hát phù hợp với lứa tuổi và tâm hồn của một cô gái mới lớn. Cô thương cha và muốn cứu cha. Nhân vật cô gái nhỏ bé nhưng tấm lòng lại thật lớn lao. Cô đã hi sinh tất cả mơ ước hạnh phúc tương lai để cứu cha, kế đó là để cứu một người có hình hài ác quỷ.

Tôi thích những người tốt được phước báo, thích những người lương thiện được cuộc sống an lành. Chính vì vậy tôi thích câu chuyện trong Giai nhân và ác quỷ.

Tôi đã hát bằng tâm trạng của một cô gái ngây thơ trong trắng, giàu yêu thương. Sự đồng cảm với tâm hồn nhân vật cô gái cùng năng khiếu con nhà nòi, cộng với tính ham học ham diễn đã chắp cánh cho tôi bay bổng trong vai tuồng của mình.

Tôi diễn trong trạng thái thăng hoa hồn nhiên mà không hề nghĩ vở diễn sẽ đưa tôi lên vị trí ngôi sao.

Ngay lập tức vai diễn của tôi nổi đình nổi đám trong giới cải lương. Tôi mang đến cho cải lương một không khí mới vô cùng sinh động. Không phải bằng những vai trẻ con nhí nhảnh thời Na Tra lóc thịt mà lúc này tôi chính thức trở thành đào thương son phấn lượt là, chính thức bước vào nghiệp cầm ca bằng hình ảnh một giai nhân.

Báo chí hoan nghênh tôi hết lời, khen ngợi tôi như một hiện tượng. Họ nhìn thấy tôi có một tương lai sáng rực trong sự nghiệp cải lương, có mấy ai được như tôi thành danh ở tuổi 19 với một bản lĩnh diễn xuất vững vàng.

Trên tờ báo Tiếng Dội, ký giả Nguyễn Ang Ca ưu ái đặt cho tôi biệt danh “kỳ nữ”, ý muốn ám chỉ là một thiếu nữ có tài năng kỳ lạ. Cái tên tôi dường như không thể thiếu trong đoàn hát của má. Vậy là tôi ở lại với đoàn hát, từ giã các xơ thân yêu, bỏ lại ngày khai giảng tôi hằng dự định suốt những ngày hè.

Đi một quãng đời thật xa, ngồi nhìn lại tôi chợt thấy cuộc đời tôi sao luôn có những khúc ngoặt định mệnh quá ngỡ ngàng. Trừ thoại kịch, môn nghệ thuật tôi phải vượt đủ thứ để theo thì mọi thứ đến với tôi ngoài tầm kiểm soát.

Lúc nhỏ đang tung tăng với đoàn hát tưởng đâu mãi mãi mình lang thang như gió như mây, thì đùng một cái bị đưa vào nhà dòng, vào với những khuôn khổ nghiêm ngặt tưởng như ngột ngạt, sắp chết cứng tới nơi.

Rồi khi đã quen môi trường nhà dòng với quá nhiều giáo lý đạo nghĩa cuộc đời, quá nhiều những chân lý sâu xa của nhân loại, quen với tiếng chuông ngân mỗi sáng, với một cuộc sống êm đềm, tôi lại nhảy phóc một cái trở về sân khấu đầy sóng gió với những cuộc cạnh tranh.


Sân khấu cải lương đã gọi tên một kỳ nữ. Vinh hoa đã chờ sẵn trên con đường nghệ thuật tông nòi bốn đời lừng lẫy, nhưng Kim Cương lại nuôi một giấc mơ khác, thèm khát một con đường mới của riêng mình…


Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương – Kỳ 5: Làm điều không tưởng

Trong tận cùng mong muốn, tôi thèm một cái gì đó của riêng tôi mà cả má Năm và má tôi đều không thể dạy được. Chẳng ai thấy,...

Hồi ký kỳ nữ Kim Cương – Kỳ 1: “Chưa nói đã diễn”

(CLV) – Có những chia lìa bây giờ mới có thể nói cho tường tận, có những nỗi đau đã mấy mươi năm gói chặt chôn sâu, có những...

Hồi ký kỳ nữ Kim Cương – Kỳ 2: “Đêm trắng Thất Ngàn”

(CLV) – Mấy chục năm lăn lộn với nghề, ba tôi vẫn hãnh diện là đã lấy ánh đèn sân khấu làm lý tưởng của mình nhưng khi nhắm...

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương – Kỳ 3: Ba tôi – Người hậu tổ

(CLV) – Ba tôi là ông Nguyễn Ngọc Cương, trong giới sân khấu thường gọi bằng cái tên thân thương ông bầu Cương hay là anh Tư Cương. Theo...

5/5 - (5 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *