Hồi ký Vũ Linh (Phần 2) – Gặp được quý nhân

Hồi ký Vũ Linh (Phần 2) – Gặp được quý nhân

21/06/2016
1251 Lượt xem

(CLV) – Đã biết được mình là ai, tôi đã phải trải qua biết bao đắng cay tủi nhục. Có những chuyện tôi không nhớ nữa, nhưng mỗi bước đi dò dẫm trong bóng tối,tôi đã may mắn gặp được những người tốt, những người thầy đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của tôi sau này…

Nếu không thế theo nghề hát, tôi sẽ là ai? Một đứa trẻ con nhà nghèo, không được học hành đàng hoàng thì lớn lên may mắn tôi cũng chỉ tìm được một công việc mưu sinh nhọc nhằn…

Những bước đi đầu tiên

Sau này tôi hay nghĩ, nếu không có sự kiên trì của má tôi, ắt hẳn không có ngày tôi dám bước chân vào nghề hát. Tôi cũng không ngờ má tôi trông dịu hiền, mềm yếu là thế, nhưng lại là người đàn bà hết sức cứng cỏi, đầy nghị lực. Bà luôn nhẫn nhục chịu đựng, không dám ra mặt chống đối ba tôi, nhưng việc gì bà quyết tâm làm là theo đuổi đến cùng… Sau cái lần bị ba tôi “khủng bố”, dù rất sợ, bà vẫn lén lút cho tiền cho tiền để tôi đi học ca. Thực ra má tôi cũng chẳng biết gì nhiều về cải lương. Có lẽ bà chỉ mơ hồ linh cảm bằng tình thương của người mẹ, đó là con đường sẽ đem đến cho tôi một tương lai tươi sáng hơn. Bởi nếu không theo nghề hát, tôi sẽ là ai? Với một đứa trẻ con nhà nghèo, không có tiền học hành đàng hoàng thì tôi lớn lên may mắn cũng sẽ chỉ tìm được một công việc mưu sinh nhọc nhằn nào đó, như ba tôi mà thôi.

Hồi ký Vũ Linh (Phần 2) - Gặp được quý nhân

NSƯT Vũ Linh

Tôi được tuyển chọn vào Bang Đồng ấu Hoa Thế Hệ. Các thầy cô Bạch Huệ, Bạch Phượng, Bạch Cúc rất quý mến tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi được lên TV đóng chánh một vở, tiếc là vở gì tôi không còn nhớ. Tối hôm đó nghe thầy nói Đài sẽ phát vở chúng tôi đóng, tôi mừng rỡ báo cho má tôi và anh Tư hay. Tội nghiệp má tôi làm công việc nhà thật sớm, bà thấp thỏm đi ra đi vào, đứng lấp ló xem từ xa, không dám lại gần TV vì sợ ba tôi hay được. Chương trình Đồng ấu Hoa Thế Hệ phát kéo dài hơn nửa tiếng. Tôi ngồi xem mà trong bụng như đánh lô tô thỉnh thoảng liếc nhìn ba tôi xem ông có phản ứng gì không. Ba tôi ngồi chăm chú yên lặng xem hết chương trình. Ông nhìn vào màn hình rồi nhìn ngay mặt tôi không nói câu nào. Cái nhìn của ông cho tôi biết rằng ông đã biết việc làm của tôi. Xem hết vở, ba tôi tủm tỉm cười, không nói lời nào. Tôi thở phào nhẹ nhõm nhìn sang má tôi đang cười sung sướng. Người hạnh phúc nhất không phải là tôi mà chính là má tôi.

Nghe tin tôi theo đoàn Đồng ấu Hoa Thế Hệ đi lưu diễn, má tất tả bỏ gánh hàng ngoài chợ đưa tôi đi. Tiễn tôi, má rưng rưng nước mắt, lòng không yên. Má không nói nhiều, chỉ khuyên tôi:

– Con ráng giữ mình cẩn trọng.

Nói xong má quay mặt đi để tôi không nhìn thấy những giọt nước mắt của má. Có lẽ má đã lờ mờ cảm nhận được một đoạn đời đầy vất vả, gian truân đang chờ đợi tôi ở phía trước. Tôi bước đi quay đầu lại vẫn còn thấy đôi vai gầy vất vả của má tôi trong bóng chiều chập choạng.

Năm ấy tôi vừa tròn mười bốn tuổi.

Trong đầu óc non nớt của một đứa trẻ, tôi không thể hình dung đi hát lại khổ cực vất vả đến thế. Lần má tôi xuống đoàn chơi khi tôi đang theo đoàn đi hát ở Mỹ Tho. Má tôi thấy tôi sống cực, nhếch nhác quá, người gầy ốm tong teo, bà nhìn tôi mà rớt nước mắt. Không an lòng, má tôi bỏ hết công việc buôn bán, xuống đoàn chăm sóc cho tôi. Có bao nhiêu vốn liếng má tôi đổ dồn vào đoàn hát. Hát được sáu, bảy tháng chẳng may đoàn hát bị thua lỗ, mất hết tiền bạc, ba tôi hay tin được, từ Sài Gòn xuống tận đoàn bắt hai má con về nhà. Ông cấm cửa không cho tôi đi hát nữa.

Đêm đêm nằm nghĩ đến bao cực khổ má tôi phải chịu đựng vì tôi, tôi lại càng quyết tâm theo nghề hát. Nhưng phải bắt đầu từ đâu đây?

Một bữa, má tôi đưa tôi đến gặp ông Thục – tôi chẳng hiểu vì sao má tôi quen được. Ông biểu tôi ca. Nghe tôi ca một đoạn, ông gật gù cười bảo với má tôi:

Thằng này có tương lai lắm đó.

Ông sốt sắng đưa tôi đến giới thiệu với cô Sáu Hoa, chị của bà bầu Kim Chưởng. Cầm tờ hợp đồng, tôi được ký một năm với đoàn của cô Sáu Hoa được 3000 đồng, má tôi mừng rỡ còn hơn là trúng số độc đắc. Tôi vẫn còn nhớ câu má tôi nói:

Con ráng mà học hỏi, đừng phụ lòng người ta.

Tôi bước vào nghề hát với một quyết tâm lớn. Không chỉ vì niềm yêu thích mà còn vì má tôi. Tuy tôi từng hát ở đoàn Hoa Thế Hệ nhưng qua đoàn “lớn”, tôi vẫn lóng ngóng vụng về như lần đầu tiên bước lên sân khấu. Nghề nghiệp vừa có chút tiến triển thì phim ảnh Hồng Kông tràn ngập làm các đoàn hát sống dở chết dở. Đoàn của cô Sáu Hoa cũng bị tan rã. Cái hôm tôi rời đoàn trở về nhà, trời mưa tầm tã, túi trống rỗng, hành lý nhẹ tênh, chỉ có vài bộ quần áo. Nhưng lòng tôi thì nặng trĩu, không biết còn có cơ hội trở lại sân khấu nữa không?

Hồi ký Vũ Linh (Phần 1) - Cậu bé nghèo bên hông chợ lớn - ảnh 1

NSƯT Vũ Linh

May mắn gặp… “Quý nhơn”

Đôi khi tôi nghĩ cuộc đời đã cho tôi thật nhiều may mắn. Cứ đến mỗi khúc quanh nghiệt ngã, tưởng chừng đã bế tắc thì cuộc đời lại mở rộng vòng tay với tôi. Má tôi hay bảo: “Số tôi có… quý nhơn phù trợ”. Có lẽ đó là do phúc đức của má đã để lại cho tôi. tôi vẫn nhớ cái duyên gặp được NS Diệu Hiền, năm ấy tôi khoảng mười sáu tuổi. Đang lang thang chưa biết tìm việc gì làm, tôi theo đứa bạn đi qua phà Bắc Mỹ Thuận. Đang đứng trên phà, bạn tôi chợt kêu lên:

Nghệ sĩ Diệu Hiền kìa!

Tôi nhìn theo tay thằng bạn không tưởng tượng được tôi sẽ gặp NS Diệu Hiền ở ngoài đời. Chẳng ai bảo ai, hai đứa tôi chen chân đến tìm cách trò chuyện với chị. Tôi như muốn nín thở khi chị mỉm cười với chúng tôi. Thằng bạn tôi khoe ngay:

Chị ơi, nó cũng từng đi hát đó. Giọng ca của nó được lắm.

Chị cười thật hiền, ngắm tôi hồi lâu, bất ngờ chị bảo tôi:

Em có gương mặt sáng đấy. Đừng nản lòng, chị sẽ giới thiệu em về đoàn chị hát.

Tất cả diễn ra cứ như một giấc mơ có lẽ tôi cũng không hình dung được cơ hội lại đến với mình tốt đẹp đến thế. Chị đã đưa tôi về với bà bầu đoàn Hoa Anh Đào – Kim Chưởng.

Suốt mấy tháng ròng, chị kèm cặp dạy tôi ca, dạy từ cách nhấn nhá, nhả câu, nhả chữ. Tánh tôi cũng ngẫu hứng, tôi ca cũng theo ngẫu hứng, chứ không chịu sắp nhịp cho chuẩn hay thả hồn theo lời ca tiếng nhạc. Cứ ca trật một nhịp, hay ca “lớt phớt” cho qua là chị lại gõ đầu tôi đau điếng. Sau này chị Trương Ánh Loan cũng “uốn nắn” tôi nghiêm khắc y như vậy, từ cách ca đến cách diễn. Chị hay la tôi:

Lời ca phải thốt ra từ đáy lòng, từ sự rung động của con tim thì ca mới có hồn, mới lay động được người nghe. Ca mà lạt như… nước ốc thì ai mà muốn nghe.

NSƯT Vũ Linh cùng NSƯT Diệu Hiền

NSƯT Vũ Linh cùng NSƯT Diệu Hiền

Càng nghĩ, tôi càng biết ơn sâu sắc hai người thầy đầu tiên trong đời đi hát của tôi. Đó là quãng đời cực khổ nhất nhưng nó đã cho tôi những bài học làm nghề vô giá. Tôi hiểu những mặt trái đằng sau sân khấu và tôi cũng hiểu hơn hết cái tình nghệ sĩ, dù không dễ tìm nhưng nó vẫn ngầm chảy giữa đủ mọi thứ chèn ép, giành giật trong bóng tối hậu trường sân khấu… Lúc về đoàn được vài tháng, soạn giả thường trực viết thêm một lớp ca cho tôi xuất hiện trong một vở mà bây giờ tôi chẳng còn nhớ tên tuồng. Chỉ nhớ đó là vai tên lính bị tướng giặc giết chết. Tôi vừa xuất hiện ca vài câu, khán giả vỗ tay tán thửơng thì tôi phải… “chết” và bị lôi xác đi. Lớp diễn chỉ có vài phút, “cái xác chết” là tôi vừa bị lôi vào hậu trường là lập tức bật dậy, ngồi xổm trong cánh gà xem hát. Đêm nào tôi cũng xem, vở nào, lớp nào tôi cũng thuộc. Bên cánh gà, tôi đã học được cá nét diễn, cách ca của từng loại vai… Cứ thế những “bài học diễn xuất” đã nhập vào tôi lúc nào cũng không hay. Vì tuồng nào tôi cũng thuộc nên mỗi khi có diễn viên nào bị bệnh hoặc trục trặc không diễn được là tôi lại được gọi thế vai. Cả đoàn gọi đùa tôi là kép “xơ-cua”. Tôi chẳng hề buồn mà trong bụng còn thầm mong có ai đó… bị bệnh để tôi được diễm phúc bước ra sân khấu.

Hồi ấy, chị Diệu Hiền hát chung với NS Điền Phong. Có lần anh Điền Phong bị bệnh, đoàn cho tôi tập thế vai. Tôi chẳng có chút tên tuổi, lại còn ốm nhom ốm nhách mà diễn kép đẹp nên có người thấy chướng mắt, tìm cách hạ nhục tôi. Đang tập với một cô đào, chẳng hiểu mắt tôi liếc “tình tứ” ra sao mà một anh diễn viên la lối.

Mày dám liếc tình vợ tao hả? Tao đập mày nát mặt bây giờ.

Vừa nói anh ta vừa hùng gổ xông vào tôi. Tôi sợ đứng chết trân, mặt xanh như tàu lá, chẳng nói được câu nào.

Chị Diệu Hiền đứng bật dậy, lần đầu tiên tôi thấy chị giận dữ la lớn :

Đừng thấy nó nhỏ, hiền không biết gì rồi ỷ thế bắt nạt. Nó còn con nít trân, biết gì mà nói.

Chị quay sang bảo tôi :

Từ nay, em xách mùng mền qua ở với chị.

Cũng từ đó, chị nhận tôi là em nuôi và hết lòng truyền nghề cho tôi. Và tôi cũng không còn bị anh em ở đoàn hiếp đáp như trước…


Hồi ký Vũ Linh (Phần 1) – Cậu bé nghèo bên hông chợ lớn

(CLV) – Lần giở từng trang ký ức có nhiều chuyện, tôi nhớ quên lẫn lộn. Nhưng những ký ức tuổi thơ, tôi vẫn nhớ như in. Nhớ nhiều...

Cháu gái tiết lộ trăn trở của nghệ sĩ Vũ Linh

(CLV) – Là khách mời trong chương trình Hạnh phúc ở đâu, ca sĩ Hồng Phượng bày tỏ niềm tự hào khi nhắc về người cậu ruột là NSƯT...

NSƯT Vũ Linh: Một lần ký tên được 5 đô, khán giả tưởng nghèo cho tiền đến 28 nghìn đô

(CLV) – “Tôi ký tên một cái được luôn 5 đô la, ký từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, vừa ký vừa bán đĩa. Tôi đứng ký...

5/5 - (4 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *