Hồi ký Vũ Linh (Phần 3) – Gian nan trên đường lập nghiệp

Hồi ký Vũ Linh (Phần 3) – Gian nan trên đường lập nghiệp

22/06/2016
736 Lượt xem

(CLV) – Tôi cảm thấy mắc nợ những ân tình khán giả dành cho tôi…

Vì sao có tên…Linh?

Hồi nhỏ, tôi có tật… đoán mò mà lạ là đoán hay trúng nên cả nhà tôi bảo: “Cái thằng này… linh thiệt“. Lớn lên đi hát cũng thế, có bữa tôi bất chợt bảo: “Tối nay, coi chừng trời mưa hát không được“. Dù lúc đó trời đang rất đẹp, vậy mà tối đó trời bỗng dưng đổ mưa tầm tã, đoàn bán vé không được. Mấy bà cự nự tôi, sau này tôi hổng dám đoán mò lung tung nữa.

NSƯT Vũ Linh

NSƯT Vũ Linh

Nhưng cũng từ chuyện đoán mà tôi có cái tên Linh. Tôi họ Võ – Võ Văn Ngoan. Nếu đặt là Võ Linh nghe hơi kỳ nên tôi đổi chữ Võ thành Vũ. Và cái tên Vũ Linh cũng bắt đầu từ đó.

Nhiều tháng theo đoàn, tôi cũng chẳng có vai hát. Đến khi vừa mới được thế vai thì có kép mới về và vai của tôi lập tức bị cắt, giao cho anh kép đó. Tôi vừa tủi thân, vừa ấm ức y như cái cảm giác mình bị “phản bội”. Đêm đó đoàn chuyển bến ra chợ Chồm Hổm, đi qua bến phà Bắc Mỹ Thuận, tôi nhìn lên trời, hằng hà vì sao nhỏ nhấp nháy như muôn vàn con mắt đang nhìn vào tôi. Tự nhiên tôi bật khóc và thầm vái:

Con đi hát cực khổ mà mấy ổng nhẫn tâm cắt vai không cho con hát. Con vái cho mấy ổng bị…”Tào Tháo” rượt chạy hết.

Lúc đó, tôi chỉ muốn cho mấy ông bị “quả báo” cho bỏ ghét cái tội “vắt chanh bỏ vỏ”… Sáng ra, tôi cũng quên mất lời thầm vái đêm qua. Tối hôm đó đoàn mở màn hát ở bến mới, khán giả kéo đến rất đông. Vãn hát mấy ông rủ nhau đi nhậu thịt rắn. Ai dè bị trúng độc sao đó hay là lời vái của tôi… linh thiệt mà từ sáng hôm sau ông nào ông nấy… chạy thẳng cò đến xanh lướt người. Lúc đó tôi mới chợt nhớ tới lời vái ở bến phà và cười thầm trong bụng một cách khoái trá.

Hồi ký Vũ Linh (Phần 3) – Gian nan trên đường lập nghiệp

NSƯT Vũ Linh và NSƯT Diệu Hiền

Sau này, từng trải rồi tôi thấy mình thật quá trẻ con. Làm sao người ta có thể tin tưởng giao vao cho một “thằng nhóc” chưa biết gì như tôi.

Nói đến kỷ niệm buổi đầu đi hát thì nhiều lắm. Nhưng tôi nhớ vai quan trọng nhất lần đầu tiên tôi được đóng, đó là vai… bay trên sân khấu. Thời đó những trò bay trên sân khấu rất được khán giả cổ vũ nên hầu như vở nào cũng có các màn bay. Tôi còn nhớ tên vở là “Kim Long Thần Chưởng”. Thú thực tánh tôi rất nhát gan, cứ tưởng tượng cái cảnh tôi bị treo lơ lửng trên không, bay lên bay xuống là tôi đã sợ mất cả hồn vía. Chưa kể lại còn vừa bay vừa đấu kiếm… Dù rất sợ, tôi cũng ráng theo chị Diệu Hiền tập cách bay, múa kiếm, đấu võ… bởi nếu bỏ vai thì chẳng ai cho tôi diễn nữa. Chị Diệu Hiền biết tôi rất sợ nên đêm diễn khai trương vở,chị nói nhỏ với tôi:

– Nếu sợ quá, em cứ nhắm mắt lại, đừng nhìn xuống phía dưới. Lần đầu tiên bay, chị cũng sợ lắm nhưng riết rồi cũng quen thôi.

Biết thế nhưng ra diễn trong bụng tôi cứ như đánh lô tô. Tôi chẳng còn tâm trí đâu để ý gì đến ca diễn. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác bị treo ngược trên cao, tay chân quờ quạng, ruột gan lộn tùng phèo chẳng còn biết gì nữa. Chưa kịp hoàn hồn thì bất ngờ sợi dây bay kéo cái rẹt… thân người tôi bay xẹt qua bên kia sân khấu. Phải cố dằn lắm, tôi mới không nôn ra trên sân khấu. Đêm nào cũng diễn, đêm nào cũng bay, tôi cũng không quen được với nỗi sợ hãi bị treo lơ lửng, bị té xuống đất… Mỗi lần nghe diễn viên nào đó bị đứt dây bay, té xuống sàn sân khấu là tôi lại hồi hộp lo sợ… Cái nghề diễn viên, dù sợ dù chẳng có ai bảo hiểm tính mạng, cũng vẫn phải diễn. Đến lúc đó tôi mới thấm thía được cái câu chị Diệu Hiền thường nói: “Cuộc đời diễn viên cũng như làm dâu trăm họ”. Dù gặp phải chuyện buồn cũng phải hát, phải cười, phải đóng trọn vai tuồng, làm hài lòng khán giả.

Hồi ký Vũ Linh (Phần 3) – Gian nan trên đường lập nghiệp

NSƯT Vũ Linh

Thằng gù nổi tiếng…

Người ta thường bảo, mỗi bước đi, mỗi bước học. Tôi may mắn đã gặp được những người nghệ sĩ hết lòng chỉ bảo cho tôi. Họ không chỉ dạy tôi cách ca, cách diễn, dạy tôi cách đối nhân xử thế,họ còn dạy tôi những bài học về cái tâm làm nghề.

Tôi nhớ nhất cách cư xử của chị Diệu Hiền với những diễn viên không tên tuổi. Thời đó chị đã là một cô đào sáng giá, có đêm vì diễn viên chánh đóng chung với chị bị bệnh đột xuất, đoàn phải đưa một diễn viên chưa có tên đóng chung với chị. Lần đầu tiên đóng chánh với một cô đào đã có tên tuổi,ntâm lý ai mà chẳng bị khớp. Đêm đó anh kép lúng túng đến nỗi chẳng nhớ nổi câu ca, lại còn ca sai nhịp đến cả chị Diệu Hiền cũng không ca đựơc. Khán giả la ó phản đối, đoàn phải đóng màn, còn anh kép sợ quá, trốn mất không dám giáp mặt chị Diệu Hiền. Vậy mà chính chị lại là người cho anh kép đó được ở lại đòan…. Sau này cũng giống như chị, khi đã thành danh, tôi vẫn hát chung với cả thế hệ em, cháu của mình. Bởi không ai là không phải trải qua những bước đi đầu tiên. Nếu như cuộc đời luôn có nhiều cánh tay nâng đỡ, luôn có những tấm lòng rộng mở thì mọi cánh cửa sẽ mở ra cho bất cứ ai có thực tài, có thực tâm…

Khi chị Diệu Hiền rời đòan, tôi bị hụt hẫng một thời gian rất lâu. Bởi đối với tôi, chị giống như một điểm tựa để tôi phấn đấu vươn lên. Rất may tôi đã gặp được nghệ sĩ Trương Ánh Loan. Chị không kèm cặp tôi nghiêm khắc như chị Diệu Hiền mà chị lại hết sức mềm mỏng, nhỏ nhẹ. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp chị Trương Ánh Loan, tôi như bị hớp hồn vì vẻ đẹp của chị. Có lúc tôi buột miệng bảo “Chị có đôi mắt đẹp mà buồn quá”. Chị cười bảo “Đời đào hát, ai chẳng buồn hở em”. Tự dưng tôi đã cảm nhận một cái gì đó rất mong manh trong câu nói, đôi mắt ướt như có lệ của chị.

Hồi ký Vũ Linh (Phần 3) – Gian nan trên đường lập nghiệp

Ảnh Cố Nghệ sĩ Trương Ánh Loan

Vừa nghe đòan tập vở mới “Mặt trời đêm”, tôi đã khấp khởi mừng thầm, hy vọng tôi sẽ được giao một vai kha khá nào đó. Đến khi phân vai, ai cũng có vai, chỉ riêng vai “thằng gù” xấu xí là chẳng ai chịu nhận.

Một anh diễn viên chợt chỉ tôi:

Thằng Linh nhỏ con, cái tướng đi cũng hơi gù, chẳng cần hóa trang, nó cũng đóng được vai thằng gù mặt nám….

Anh em cười ngất, có người còn nói ác:

Cái số của nó chỉ làm được thằng gù thôi.

Tôi tức đến phát khóc, nhưng cũng chẳng dám từ chối. Bởi vì nếu tôi không nhận thì chẳng có ai giao vai gì cho tôi nữa. Dù sao được lên sân khấu hát cũng còn đỡ hơn là thất nghiệp. Nghĩ thế nhưng tôi vẫn thấy tủi thân làm sao. Tôi lủi vào góc tối hậu trường và suy nghĩ mông lung, không lẽ suốt đời mình chỉ là “thằng gù” trên sân khấu?

Một bàn tay ấm áp, nhè nhẹ đặt lên vai tôi. Thì ra là chị Trương ánh Loan đứng bên tôi từ lúc nào. Chị mỉm cười bảo:

Em khóc vì vai thằng gù hả?

Không đợi tôi trả lời, chị nhẹ nhàng phân tích:

Em để ý đến những lời chế giễu của họ làm gì. Họ không hiểu được vai thằng gù là một vai tính cách rất hay. Cuộc đời diễn viên được đóng những vai tính cách là hạnh phúc đó em. Chị đã đọc kịch bản và rất thích vai thằng gù. Tiếc là chị không thể đóng. Nhưng chị sẽ giúp em đóng thật tốt vai này.

Và suốt một tháng, chị đã chỉ dạy, phân tích cho tôi từng tâm trạng, từng hành động, cử chỉ và cả cách xử lý câu ca của một vai mang đầy bi kịch thì không thể nào ca như bình thường được. Có lẽ suốt đời tôi cũng không quên những bài học của chị. Không chỉ trong lúc tập mà bất cứ ở đâu, có mặt chị, chị cũng bắt tôi đi đứng y như thằng gù thật sự. Tôi mắc cỡ không chịu tập, chị la tôi :

Diễn phải như thật, người xem mới có xúc cảm. Nếu em không thấy thương nhân vật, không tập nhuần nhuyễn các động tác, y như chính mình bị gù thì em sẽ không cảm được sự bất hạnh của một người bị khinh rẻ là như thế nào. Diễn viên phải yêu nhân vật như chính một phần đời mình đã trải qua thì mới diễn cho hay được.

Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của chị mà tôi cảm thấy rất tự tin. Hôm công diễn vở “Mặt trời đêm”, vai thằng gù của tôi được khán giả bàn tán xôn xao. Thấy tôi ở đâu là họ kêu tôi là “thằng gù”, tôi thấy lòng sung sướng hơn bao giờ hết.

Cho đến bây giờ tôi đã đi qua nhiều nấc thang thành công. Những vinh quang tột đỉnh tôi cũng từng nếm trải…Vai thằng gù có lẽ cũng chỉ là một vết mờ xa hút nhưng với tôi nó lại lưu giữ quá nhiều kỷ niệm. Nhớ thật nhiều người chị yêu qúy đã đi rất xa….Nhớ cả những tháng năm cơ cực đã cho tôi một con đường sang. Ngày đó nếu có nằm mơ, tôi cũng không thể nghĩ “thằng gù” là tôi sẽ được thành danh như bây giờ, sân khấu đã cho tôi quá nhiều. Tôi cảm thấy mình mãi mãi mắc nợ những ân tình mà khán giả đã dành cho tôi hơn cả những gì tôi đáng được hưởng….


Hồi ký Vũ Linh (Phần 1) – Cậu bé nghèo bên hông chợ lớn

(CLV) – Lần giở từng trang ký ức có nhiều chuyện, tôi nhớ quên lẫn lộn. Nhưng những ký ức tuổi thơ, tôi vẫn nhớ như in. Nhớ nhiều...

Hồi ký Vũ Linh (Phần 2) – Gặp được quý nhân

(CLV) – Đã biết được mình là ai, tôi đã phải trải qua biết bao đắng cay tủi nhục. Có những chuyện tôi không nhớ nữa, nhưng mỗi bước...

5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *