Hơn 40 năm, “Lan và Điệp” vẫn trẻ trung, ngọt ngào

Hơn 40 năm, “Lan và Điệp” vẫn trẻ trung, ngọt ngào

Chưa phân loại
19/08/2019
515 Lượt xem

Vở cải lương “Lan và Điệp” công diễn tối 17 và 18-8 đã làm hài lòng người mộ điệu. Hơn 40 năm, “Lan và Điệp” vẫn trẻ trung và ngọt ngào như mới hôm qua.

Thật sự không ít người lo lắng trước giờ mở màn, bởi kịch bản “Lan và Điệp” ngày xưa chỉ là bản thu âm chứ không phải vở diễn trên sân khấu, nay trở thành tác phẩm có nghe lẫn xem thì không đơn giản chút nào. Thêm nữa, từ 90 phút ngày xưa thành 180 phút hôm nay lấy gì lấp cho đầy? Không ngờ, đạo diễn kiêm ông bầu Gia Bảo đã giải quyết tất cả một cách êm đẹp. Trong đó, có vai trò không nhỏ của cố vấn nghệ thuật là nghệ sĩ Thanh Điền.

Cốt lõi vẫn là câu chuyện đau lòng của cô Lan và anh Điệp do nghệ sĩ Thanh Kim Huệ và nghệ sĩ Chí Tâm thủ vai. Người ta say mê câu chuyện này, ái mộ đôi nghệ sĩ tài năng và có thể thuộc lòng từng câu từng chữ mà soạn giả Loan Thảo tài hoa đã viết. Thanh Kim Huệ có những lớp diễn quá giỏi, nhất là lớp lúc hấp hối tái ngộ cùng Điệp, thời gian không hề làm mất đi phong độ của chị, tưởng chừng đó vẫn là cô gái 14 tuổi lần đầu đóng vai chánh, một vai quá lớn như thế. Nhưng chính cái chất hồn nhiên trong trẻo ấy làm nên thành công rực rỡ. Sau này, tôi đã nghe nhiều người hát những bài trong tuồng cải lương này nhưng không ai có được cái chất trong trẻo hồn nhiên như vậy. Cả khán phòng lặng im dõi theo Thanh Kim Huệ, trái tim run rẩy bởi bài “Tứ đại oán” tuyệt vời. Pháo tay vang dậy suốt 3 giờ.

Hơn 40 năm, Lan và Điệp vẫn trẻ trung, ngọt ngào - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Chí Tâm và Thanh Kim Huệ trong vở “Lan và Điệp”

Tất nhiên, người xem vỗ tay cho tất cả nghệ sĩ của đêm diễn. Chí Tâm vẫn chừng mực, hiền lành, giọng ca ngân rung độc đáo của anh sánh vai cùng cô Lan bước vào cõi nhớ. Đúng là người ta nhớ từng nét ca, từng cái nhấn nhá của “thần tượng”, yêu đến độ lưu giữ ký ức sâu sắc đến từng chi tiết. Vỗ tay cho cả Thanh Điền, Thanh Hằng, Hồng Đào, Hồng Nga, Trọng Phúc… Hồng Đào vốn dân kịch nói nhưng vào vai Thúy Liễu rất duyên, may là vai này không cần ca nhiều, chỉ diễn thôi thì Hồng Đào dư sức. Đặc biệt cây hài Minh Nhí trong vai anh bếp đã tung tẩy một cách ngoạn mục, giúp vở diễn vừa dài ra vừa vui vẻ, làm điểm nhấn tươi tắn vô cùng.

Ấn tượng nữa là lớp độc diễn của Tú Sương, để cô Lan trải thêm nỗi lòng sau cánh cửa nhà chùa và bài vọng cổ “Lan và Điệp” do Vũ Luân hát quá hay. Thêm vài bài tân nhạc “Lan và Điệp” 1, 2, 3, 4 chen vào, thêm một màn đố vui có thưởng dành cho người sành điệu cải lương, là đủ kéo thời gian ra 3 giờ mà khán giả vẫn không thấy lê thê, dư thừa. Đạo diễn Gia Bảo đã khéo léo như vậy, quả thật không hổ danh hậu duệ của dòng dõi Thanh Minh – Thanh Nga!

Chỉ tiếc một chút là thiết kế sân khấu còn khá thô sơ. Những vở trước Gia Bảo làm khá công phu. Có lẽ làm gọn nhẹ như thế để còn đưa đi lưu diễn tại Đà Nẵng?

Bài và ảnh: Hoàng Kim


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *