Kể chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ cải lương
Chưa phân loại
11/08/2018
724 Lượt xem
Sau thành công với các vở diễn mang đề tài lịch sử, Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở diễn “Người đi tìm minh chủ”. Vở diễn kể về cuộc đời của chí sĩ Ngô Thì Nhậm đã tái hiện một giai đoạn lịch sử rối ren của dân tộc thời Lê -Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn…
Nhân dịp này, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với NSƯT, đạo diễn Triệu Trung Kiên- Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam.
PV: Xuất phát từ lý do nào ông lại chọn nhân vật Ngô Thì Nhậm để dựng vở?
Đạo diễn Triệu Trung Kiên: “Người đi tìm minh chủ” là vở diễn do Bộ VHTTDL đặt hàng Nhà hát năm 2018. Khi đọc kịch bản này của tác giả, PGS.TS Trần Trí Trắc, tôi đã thấy kịch bản rất thuận và có nhiều “đất” cho sân khấu cải lương. Đặc biệt, một thuận lợi lớn cho vở diễn nữa là lịch sử hiện đại đã góp phần làm sáng tỏ nên thân thế, sự nghiệp của Ngô Thì Nhậm, trong khi về mặt sử cũ vẫn đang có nhiều đánh giá khác nhau. Lịch sử đã nhìn ông rất rõ ràng, mạch lạc, đem lại công bằng cho ông, không để ông phải chịu những oan khuất trong lịch sử. Bên cạnh đó, cũng đã nhiều vở diễn đề cập đến nhân vật Ngô Thì Nhậm. Tuy nhiên, đây vừa là thuận lợi nhưng đồng thời là khó khăn với chúng tôi. Vì vậy, mình phải có cách lý giải thuyết phục và ngôn ngữ nghệ thuật hấp dẫn để khán giả đón nhận. Cùng với đó, trong nhiều năm nay nhà hát ưu tiên cho đề tài lịch sử bởi nhu cầu của khán giả về đề tài này rất lớn.
Vậy thông điệp mà vở diễn muốn gửi đến khán giả là gì, thưa ông?
– “Người đi tìm minh chủ” có cách nhìn rất riêng khi lý giải những uẩn khúc về nhân vật lịch sử Ngô Thì Nhậm. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt toát lên chính là nỗi niềm của nhân vật khi vật vã đi tìm minh chủ cho mình với quan điểm: “Người chính nhân phải biết coi vua chúa không bằng quốc gia, dân tộc. Kẻ quân tử chỉ biết thờ quốc gia dân tộc, chứ không thờ chúa, thờ vua”.
Cũng bởi quan điểm ấy mà cuộc đời Ngô Thì Nhậm cứ mải miết đi tìm minh chủ để cống hiến cuộc đời mình vì quốc thái, dân an và chịu nhiều thăng trầm, oan khuất. Vở diễn thể hiện cái chất của nhân vật là ở cương vị nào ông cũng chứng tỏ sự quang minh, chính đại, không màng lợi lộc, tất cả vì quốc gia và dân tộc, đồng thời đóng góp cho sự nghiệp lẫy lừng của vua QuangTrung. Cuộc đời Ngô Thì Nhậm lóe sáng như “cá gặp nước” khi đầu quân về nhà Tây Sơn, phục vụ vua Quang Trung, chỉ tiếc là sự loé sáng ấy chỉ được 2 năm thì vua Quang Trung qua đời… Với góc nhìn của con người đương đại, vở diễn đã chuyển tải những thông điệp những cách nhìn khách quan nhất nhằm xoá nhoà những nghi vấn lịch sử, hoá giải những oan khiên mà Ngô Thì Nhậm phải hứng chịu, làm nổi bật những công lao to lớn của ông đối với quốc gia, dân tộc.
Vốn “mát tay” với các vở diễn lịch sử, tuy nhiên đây cũng là đề tài được đánh giá khá “khô và cũ” với sân khấu. Ông có nghĩ mình đang đi theo lối mòn?
– Nhìn chung các tác phẩm lịch sử khi dựng cải lương sẽ phát huy được lợi thế của loại hình nghệ thuật này bởi đề tài này phù hợp với thủ pháp nghệ thuật của sân khấu truyền thống đó là sử dụng ngôn ngữ ước lệ tả ý. Một thế giới xưa và huyền thoại được hiện lên thông qua ngôn ngữ nghệ thuật thì dễ truyền tải hơn so với các câu chuyện quá hiện thực làm cho tác phẩm duy lý nhiều hơn, trong khi loại hình nghệ thuật truyền thống như nghệ thuật cải lương lại thiên về sân khấu duy cảm…
Còn việc có đi theo lối mòn hay không theo tôi mỗi tác phẩm đều có nhiệm vụ riêng. Áp lực duy nhất là quá trình sáng tạo của mình có đem lại hiệu quả cho vở diễn hay không, và vở diễn có tạo được ấn tượng cho người xem hay không? Kịch bản “Người đi tìm minh chủ” cũng là kịch bản khó, không phải là kịch bản dễ và ta phải xử lý thế nào, sáng tạo thế nào để cho tác phẩm khi công diễn đem lại những cảm nhận, những cảm xúc tốt đẹp cho người xem. Vở diễn có nhiều vấn đề mà tác giả gửi gắm tâm tư, ở đó, nổi bật lên là hình tượng những người tài trong xã hội, người tài giữa những giai đoạn lịch sử đầy biến động. Họ sống và cống hiến như thế nào? Và số phận của người tài trong những giai đoạn lịch sử đó như thế nào? Đó cũng là câu chuyện đặt ra đối với người tài trong xã hội ngày hôm nay…
Sau hàng loạt vở diễn lịch sử được dàn dựng, trong thời gian nhà hát sẽ quảng bá các tác phẩm ra sao?
– Trước mắt là từng vở cải lương phải hay, phải tốt phải thu hút được khán giả, phải đem lại sự thú vị, lôi cuốn đối với khán giả. Nếu ta cứ làm đi làm lại mà không đem lại cảm nhận mới cho khán giả thì sẽ không thể lôi cuốn. Mỗi một tác phẩm, đặc biệt với cải lương thì ít nhiều phải có sự đổi mới và thử nghiệm.Chẳng hạn từ tác phẩm trước đến tác phẩm sau đã phải có những đổi mới nhất định, không được để có sự trùng lặp hoặc lặp lại những sáng tạo hoặc làm khán giả nhàm chán vì nó “na ná” một tác phẩm nào đó. Như vậy, mỗi tác phẩm phải đi tìm một chìa khóa riêng, tìm một cách thức truyền tải riêng.
Với vở diễn “Người đi tìm minh chủ” tôi cũng đang có ý tưởng đưa vở ra biểu diễn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nôi) nhằm tận dụng tối đa khung cảnh thực của Khuê Văn Các làm sân khấu, giúp cho người xem co cảm giác sống lại trong không khí của giai đoạn lịch sử. Nhà hát cũng đang lên kế hoạch huy động các nhà tài trợ cùng chung tay quảng bá nghệ thuật cải lương đến với đông đảo du khách, đồng thời, tạo làn gió mới cho nghệ thuật cải lương trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang gặp nhiều khó khăn về thị trường khán giả và nguồn kinh phí hoạt động. Cách khai thác đề tài lịch sử, lối dàn dựng kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và đương đại, khả năng diễn và ca rất tốt của dàn nghệ sĩ, chắc chắn những vở diễn về đề tài lịch sử như Người đi tìm minh chủ sẽ được khán giả yêu quý đón nhận.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Quân (thực hiện)
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.134512 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98825 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95639 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94084
Để lại một bình luận