Khán giả lại khóc vì Lan và Điệp sau tròn 45 năm

Khán giả lại khóc vì Lan và Điệp sau tròn 45 năm

Chưa phân loại
18/08/2019
665 Lượt xem

Không chỉ đào, kép chính, mỗi nghệ sĩ diễn trong vở “Lan và Điệp” tối 17/8 đều tỏa sáng – như cái cách họ làm nên diện mạo của nghệ thuật cải lương thuở vàng son.

Tối thứ Bảy ngày 17/8, bất chấp thời tiết xấu, khán giả nô nức đến nhà hát Bến Thành để xem Gia Bảo làm gì với vở tuồng “Lan và Điệp”. Nhiều khán giả lớn tuổi, có những người không thể tự đi lại nhưng vẫn cố gắng đến nhìn ngắm cặp đôi Lan và Điệp bằng xương bằng thịt lần đầu tiên đứng trên sân khấu. Vì 45 năm trước, vở “Lan và Điệp” từng gây sóng gió làng văn nghệ miền Nam chỉ dừng lại ở bản thâu. Đáng lưu ý, rất nhiều người trẻ cũng đến rạp và cùng khóc, cười với “Lan và Điệp”.

Màn tái ngộ 45 năm của những ‘bảo đao’

Mở đầu vở diễn, Gia Bảo ‘khoe’ mình vừa tròn 10 năm làm bầu cải lương. Câu ‘khoe’ của anh là sự tự hào cũng như nhìn lại hành trình dài đồng hành cùng bộ môn bị cho là đang hấp hối này. Vở “Lan và Điệp” chính là điểm nút, đánh dấu hành trình 10 năm ấy và đã đạt được kỳ vọng, hay những gì mà khán giả ở nhiều thế hệ muốn xem, muốn nghe.

Về tác phẩm “Lan và Điệp” của cố soạn giả Loan Thảo, Gia Bảo hứa không sửa một chữ và anh đã giữ đúng tuyên bố của mình. Khán giả đến rạp, nghe những câu ca não lòng của các nghệ sĩ, sẽ chia làm hai nhóm: một nhóm liên tục hồi tưởng, so sánh với bản thâu năm 1974; và nhóm lần đầu nghe. Nhóm khán giả nào cũng có thể thưởng thức sự mùi mẫn của các câu ca theo cách riêng.

Nhưng nếu bản dựng chỉ có vậy thì có thể chưa đủ kéo khán giả ra rạp, vì nội dung câu chuyện tình sầu của Lan và Điệp đã quá cũ, ai cũng thuộc làu. Vì vậy, Gia Bảo có những sáng tạo riêng cho bản dựng, mà hàm chứa trong đó, là sự am hiểu tâm lý thị trường. Anh mời những ca sĩ tân nhạc như Phương Thanh, Hoài Lâm, Mai Tiến Dũng, Hamlet Trương và danh hài Minh Nhí, Hồng Đào tham gia.

Chưa cần biết những nghệ sĩ này tham gia vở diễn với vai trò gì, khán giả có thể đến rạp vì tò mò, hoặc đơn giản hơn, là tìm sự thú vị của những điểm nhấn trẻ đẹp trên một sân khấn toàn nghệ sĩ lứa U60 – 70.

Thanh Kim Huệ – Chí Tâm là cặp đào kép chính, nhiều đất diễn nhất, nhận được nhiều sự trông đợi nhất nên dĩ nhiên có những lợi thế lớn để tỏa sáng. Song, dàn bao gồm nghệ sĩ Hồng Nga, Thanh Điền, Trọng Phúc, Thanh Hằng… đều vượt xa yêu cầu của vai. Nói không quá, mỗi nghệ sĩ đều là những ngôi sao và tự mình tỏa sáng như cái cách họ làm nên diện mạo của nghệ thuật cải lương thuở vàng son.

Khán giả lại khóc vì Lan và Điệp sau tròn 45 năm

Thanh Kim Huệ diễn vai Lan lần đầu tiên và cũng có thể là cuối cùng.

Kỹ thuật hát cũng là điểm nhấn đáng lưu ý, tạo cho người xem cảm giác những nghệ sĩ đứng trên sân khấu được ‘đo ni đóng giày’ cho vai diễn. Vì nghệ thuật cải lương bị chững lại trong những thập niên gần đây nên không nhiều khán giả còn nhớ những ngôi sao cải lương gạo cội đều có một bí quyết riêng để thành danh.

Đơn cử, Thanh Kim Huệ ở tuổi 63, dù giọng Kim nhưng cô hát không còn sáng như năm 19 tuổi. Song, kỹ thuật ca hơi dài từng làm nên tên tuổi của Thanh Kim Huệ vẫn còn nguyên vẹn. Trong vở diễn dài 4 tiếng đồng hồ, cô chỉ ca không chuẩn một câu ở cảnh tiễn Điệp đi tỉnh. Còn lại, những câu hơi dài của Thanh Kim Huệ luôn làm khán giả vô thức vỗ tay tán thưởng.

Chí Tâm trong 2 màn tỏ ra khá lép vế trước bạn diễn đặc biệt Thanh Kim Huệ. Nhưng kể từ cảnh gặp Lan nói lời xin lỗi, Chí Tâm ca, thoại đều xuất thần. Anh thoại từng câu nức nở mà cột hơi, phát âm đều chính xác. Nhiều năm ở hải ngoại, vắng bóng trên sân khấu Việt, Chí Tâm vẫn là một ‘bảo đao chưa cũ’.

Như đã nói, kỹ thuật hát và màu giọng của các nghệ sĩ như ‘đo ni đóng giày’ cho từng nhân vật. Trọng Phúc dù là thế hệ đàn em nhưng vai ông tú không kém gì các nhân vật phụ khác. Anh ca nửa hơi mà tiếng vẫn rõ, làn hơi nhẹ nhàng như phản ánh tính cách điềm đạm của nhân vật.

‘Má’ Hồng Nga khiến nhiều người khóc từ mỗi câu thoại, câu hát. Từ giai đoạn đầu của cải lương, Hồng Nga theo nghề bằng màu giọng sân khấu, cho đến tận bây giờ, giọng bà vẫn là giọng chuẩn sân khấu. Và trong vở diễn tối 17/8, màu giọng của Hồng Nga vẫn tuyệt vời như mấy mươi năm trước. Những cái run vai, đôi chân nhiều lần sắp khuỵu… của nghệ sĩ 73 tuổi làm người xem khóc nức nở.

Tương tự, giọng Thanh Điền vẫn vang sảng. Tiếng thở, ánh mắt của nam nghệ sĩ lão làng như ướm vào nhân vật quan tỉnh. Vai ông phủ của Thanh Điền, cũng như bao lần ông đóng vai quan, bá hộ… trong sự nghiệp, đều để lại ấn tượng riêng, ngay cả khi chỉ là vai nhỏ.

Vở “Lan và Điệp” là màn tái ngộ của những tài danh nhiều thế hệ mà ở đó, người ta không phân cao thấp, hơn thua. Vũ Luân, Tú Sương và Bình Tinh, đều là những giọng cải lương nổi danh nhưng sẵn sàng đảm nhận vị trí nhỏ để các nghệ sĩ khác tỏa sáng.

Chương trình đã làm khán giả khóc nhiều lần trong 4 tiếng biểu diễn. Trong hậu trường, những nghệ sĩ, ca sĩ tân nhạc cũng khóc nức nở, dõi theo từng diễn biến tác phẩm

Khán giả lại khóc vì Lan và Điệp sau tròn 45 năm

Những cảnh không thể có ở cải lương “Lan và Điệp” nếu chỉ nghe bản thâu.

Những điểm chưa trọn vẹn

Âm thanh là một trong những rào cản người xem thưởng thức chương trình ‘Tài danh đất Việt’ tối qua. Nếu như những nghệ sĩ thực sự tỏa sáng thì chất lượng âm thanh hạn chế của nhà hát khiến những câu ca bị giảm ít nhiều tính truyền tải, chưa kể những lỗi mất tiếng xảy ra nhiều lần.

Không nằm ngoài dự đoán, các ca sĩ tân nhạc phụ trách việc hát chuyển màn. Sự xuất hiện của Phương Thanh đúng hoàn cảnh nên ca khúc đặc biệt của cô hòa hợp với vở diễn. Tuy nhiên, không rõ lý do gì mà các bản tân nhạc “Lan và Điệp” đều để tone nữ cho ca sĩ nam hát. Vì vậy, Hoài Lâm và Mai Tiến Dũng phải hát thấp xuống 1 quãng tám hết sức chật vật, ngay cả khi đây là 2 giọng ca trẻ có thực lực.

Hai nghệ sĩ hài chuyên nghiệp là Hồng Đào và Minh Nhí đều là điểm sáng của vở diễn. Hồng Đào vào vai đào độc Thúy Liễu. Với kinh nghiệm và tuổi đời của mình trong nghề, cô làm tròn vai dù không phải dân chuyên cải lương. Minh Nhí vào vai Sạt – đầu bếp nhà quan phủ cũng rất duyên dáng. Có thể, vì tác phẩm quá bi thương mà Gia Bảo mời anh vào diễn hài, chọc cười khán giả. Tuy vậy, có một số câu thoại của nhân vật Sạt chưa phù hợp với bối cảnh tác phẩm. Đất diễn của Minh Nhí cũng chiếm nhiều thời lượng khiến một số đoạn bị loãng.

Về trang phục, nhân vật Điệp của Chí Tâm thuộc tầng lớp trí thức trẻ, đang học ở tỉnh nên tạo hình mặc áo dài chưa thật sự phù hợp.

Ngoài ra, việc chuyển cảnh mất gần gấp đôi thời gian trung bình của một lần chuyển cảnh ở các sân khấu kịch, sân khấu tối đèn khá lâu cũng là một điểm dễ làm tuột cảm xúc của người xem.

Tuy còn những chi tiết nhỏ chưa trọn vẹn nhưng vở “Lan và Điệp” hoàn toàn xứng đáng với tên chương trình ‘Tài danh đất Việt’. Ở đó, khán giả có thể nhìn thấy nhiều hơn của một vở diễn, là sự hồi sinh của một tác phẩm sau 45 năm, là sự tỏa sáng của những cái tên ở độ tuổi xế chiều và giao thoa của những thế hệ. Tổng thể tác phẩm như một nét phác thảo lại diện mạo của thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương miền Nam một thuở.

Vở “Lan và Điệp” vẫn còn diễn một suất vào tối 18/8 tại nhà hát Bến Thành, TP. HCM.

Gia Bảo


Đánh giá bài viết

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *