Khi sân khấu về cơ sở

Khi sân khấu về cơ sở

Chưa phân loại
10/06/2020
480 Lượt xem

Từ giữa tháng 5 đến nay, các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các buổi biểu diễn về cơ sở, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, công nhân các khu công nghiệp.

Một cảnh trong vở cải lương Công lý và niềm tin do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn phục vụ cơ sở. Ảnh: L.Na

Một cảnh trong vở cải lương Công lý và niềm tin do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn phục vụ cơ sở. Ảnh: L.Na

Bên cạnh những chương trình ca múa nhạc đặc sắc, các đơn vị còn đẩy mạnh hình thức sân khấu hóa, đưa vào công diễn các tiểu phẩm, trích đoạn cải lương… nhằm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền gắn với đời sống thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

Đưa đời sống thực tiễn lên sân khấu

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết, hiện tại nhà hát đã và đang đi biểu diễn phục vụ cơ sở với 3 vở cải lương: Tiếng gọi, Ngàn thu gương nữ liệt và Công lý và niềm tin do NSND Giang Mạnh Hà đạo diễn. Khán giả thấy thích thú khi được tiếp cận những thông điệp mang tính thời sự thông qua hệ thống nhân vật, lời thoại gần gũi, hài hước. Các vở diễn dễ hiểu và mang tính giải trí, phản ánh đời sống xã hội hiện đại và mang ý nghĩa giáo dục cao.

Từ nay đến ngày 30-6, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở VH-TTDL sẽ tăng cường các buổi biểu diễn lưu động về các xã, phường, thị trấn phục vụ dịp hè. Theo đó, có hơn 100 buổi diễn nghệ thuật được các đơn vị dàn dựng công phu để phục vụ miễn phí nhân dân.

Nếu như Tiếng gọi kể câu chuyện của những người trẻ trên hành trình chung sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới thì vở Niềm tin và công lý đề cập về vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong công việc và cuộc sống gia đình, niềm tin vào công lý, vào tình người. Riêng vở diễn Ngàn thu gương nữ liệt (thuộc mảng đề tài lịch sử), cảnh trí được sắp đặt khá đơn giản, đan xen cùng những lớp vọng cổ đặc trưng của cải lương. Chính nét giản dị đó lại giúp khán giả tập trung hơn vào câu chuyện, không bị phân tán mà càng hứng khởi theo dõi.

Bên cạnh việc đưa sân khấu chuyên nghiệp về cơ sở, sân khấu không chuyên cũng đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa. Theo đó, Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh đưa kịch bản sân khấu Cám dỗ vào chương trình tuyên truyền lưu động. Cám dỗ kể câu chuyện về tình trạng nhận hối lộ để làm giả giấy chứng nhận tâm thần nhằm thoát tội trước pháp luật và đạo đức nghề y. Với thời lượng 30 phút, Cám dỗ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời thoại dí dỏm với các hoạt cảnh, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, thế nên ai cũng hào hứng.

Cùng với Cám dỗ, Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh đã xây dựng kịch bản Không phải chuyện đùa xoay quanh phong trào xây dựng nông thôn mới đã và đang làm cho nhiều vùng quê khởi sắc. Thông qua nhân vật Ba Tín – một người nông dân chân chất đã hiến hàng ngàn mét vuông đất trong phong trào xây dựng nông thôn mới, làm giàu đẹp thêm quê hương. Nhưng tấm bằng khen của tỉnh tặng cho ông về thành tích hiến đất do một vị lãnh đạo ký, sau này vị lãnh đạo đã biến chất, tham nhũng và bị kỷ luật.

Hằng ngày, nhìn tấm bằng khen cùng với những lời dị nghị, dèm pha vào ra của một số người, trong đó có cả người con gái đã làm ông Ba Tín đứng ngồi không yên, muốn đổi tấm bằng khen… Không phải chuyện đùa là vở hài kịch đề cao trách nhiệm và sự hy sinh của người nông dân, vì lợi ích chung mà không hề toan tính thiệt hơn. Đồng thời, cũng kỳ vọng ở những cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo phải thực sự gương mẫu, liêm chính, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Đặt thẳng vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình, tiểu phẩm Lầm lỡ của Trung tâm Văn hóa – thông tin và thể thao H.Trảng Bom kể về câu chuyện người con trai trưởng trong gia đình nghèo ở nông thôn. Sau khi cha mất, anh ta sống buông thả và lao vào các tệ nạn xã hội để rồi gây ra bạo lực với mẹ, vợ và em gái. Câu chuyện được tác giả kịch bản Nguyễn Cao Thép viết trong một chuyến đi thực tế về các xã vùng sâu của H.Trảng Bom.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng

Giám đốc Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, sân khấu hóa các hình thức tuyên truyền bằng cách đưa cải lương truyền thống hay xây dựng các vở kịch ngắn, tiểu phẩm đưa về phục vụ cơ sở là việc làm thường xuyên của các đơn vị nghệ thuật. Hoạt động này đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, vừa gần gũi vừa nâng cao trình độ, nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần tích cực trong việc phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến gần với nhân dân.

Chị Nguyễn Thị Dung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 2, xã Suối Nho (H.Định Quán) cho rằng, bản thân chị và người dân cũng rất thích xem các vở cải lương, các vở kịch ngắn, kịch vui khi các đoàn nghệ thuật về công diễn. Mỗi vở diễn hay trích đoạn sân khấu đều kể một câu chuyện hay về cuộc sống, ẩn chứa một vài bài học sâu sắc, đầy tính nhân văn. Từ đó, mọi người hình thành ý thức, nếp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Trong xu thế công nghệ giải trí phát triển rộng khắp, đưa nghệ thuật phục vụ cơ sở ngoài việc làm mới chương trình phù hợp với thực tiễn cần đầu tư nhiều vào chiều sâu. Sân khấu hóa trong tuyên truyền chỉ thực sự sinh động, hấp dẫn người dân khi làm đúng, trúng vấn đề mà họ đang quan tâm. Có như vậy mới phát huy hiệu quả, đưa nghệ thuật sân khấu trở thành món ăn tinh thần của người dân ở mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Ly Na


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *