Khúc tuyệt tình
“Tuyệt tình là khúc thê lương, người thương ơi hỡi thấu lòng ta chăng. Vì đâu mà rẽ chia đôi mình, ai ở giang đầu, ai cuối bờ sông tương. Đường mây mình chắp cánh bay, về nơi vô tận xa rồi thế nhân. Đường mây mình chắp cánh bay, về nơi vô tận xa rồi thế nhân.”
“Khúc Tuyệt Tình” nghe tựa thôi là thấy nó buồn đến dường nào rồi. Buồn như chuyện tình của Thạch và Thảo vậy.
“Má anh kể là, hồi đó lúc hai má có mang anh và em, hai má phải lăn cục đá này từ trên sườn núi xuống đây. Rồi hai má lặn lội leo lên núi, tìm giống cỏ mịn này đem về trồng xung quanh phiến đá. Vậy thì ý của hai má là: cuộc đời của chúng ta phải luôn có nhau, anh và em phải như phiến đá này, thảm cỏ này không thể lìa nhau.”
Có lẽ mọi chuyện đều do ông trời sắp đặt từ trước, để rồi khi nghịch cảnh xảy ra người ta chỉ có thể đổ lỗi cho định mệnh.
Thạch từ lúc mới chào đời thì đã không biết mặt cha. Còn Thảo thì cha mất khi còn đỏ hỏn. Cả hai lớn lên nhờ tình yêu thương nuôi dưỡng của hai bà mẹ đơn thân, trong sự đùm bọc của bà con hàng xóm. Từ nhỏ, Thạch và Thảo đã khăng khít với nhau như cây liền cành, chim liền cánh. Chỉ cần một trong hai vắng nhau một tý, thì người còn lại thấp thỏm lo âu, đứng ngồi không yên.
Phải chăng đây cũng chính là định mệnh, nên hơn hai mươi năm trước, khi Diệu – mẹ Thạch, vì tình yêu ngang trái, đành bỏ đất liền ra đảo, thì gặp được bà ngoại Thảo và Tâm (mẹ Thảo) hết lòng giúp đỡ, rồi xem nhau như chị em ruột. Nên chuyện hai trẻ thương nhau như định mệnh đã an bài từ muôn kiếp trước. Thầy giáo Tín thường đến nhà dạy Thạch và Thảo biết chữ, biết viết. Ngoài tình thương hai trẻ, thầy còn một nỗi niềm riêng. Thầy Tín thương cô Tâm từ rất lâu, đến khi cô Tâm góa bụa, thầy vẫn chờ đợi cô mà không tiếc gì cái đời của thầy. Cô Tâm cũng thương thầy Tín, nhưng nghĩ mình trọn vui, mà cô Diệu phải đơn lẻ thì không cam. Nên cô Tâm nhờ thầy Tín đi Cần Thơ hỏi xem tin tức cha mẹ của cô Diệu như thế nào, nếu cô Diệu sum họp được với người thân, thì cô mới yên tâm hưởng hạnh phúc riêng.
Cũng chuyến đi này của thầy Tín mà cuộc đời của hai trẻ bị đảo lộn. Thầy Tín sẵn vào đất liền, nên đến thăm người anh em cô cậu với mình là cậu Hai Lễ. Thầy Tín thuật lại mọi chuyện cậu Hai Lễ mới nhận ra người xưa. Cậu Hai Lễ và thầy Tín tức tốc quay trở ra đảo cha con, chồng vợ sum họp, nụ cười hòa nước mắt hạnh phúc. Thạch lưỡng lự, không muốn về đất liền, anh không muốn xa những người thân yêu ở đây và nhất là xa em Thảo. Cô Tâm và Thảo hết lời khuyên, Thạch mới chịu theo cha về đất liền. Anh cũng nuôi chí ăn học thành tài, làm bác sĩ vì Thảo của anh rất yếu hay bệnh.
Có lẽ đây chính là quyết định, mà sau này khiến cho Thạch hối hận nhất. Cậu Hai Lễ là người độc tài, độc đoán, vì muốn Thạch an tâm học hành, nên mọi thư từ từ ngoài đảo gởi vào cậu đều giấu nhẹm (Vì có lần Thảo bệnh, Thạch hay tin liền quay ra ngoài đảo, sau đó ở suốt không chịu về).
Thảo – tên như người, mong manh, yếu đuối. Từ ngày xa Thạch, Thảo càng ít cười, sầu muộn. Thạch đi rồi như đem theo cả trái tim của Thảo, ngay cả thở cô cũng thấy khó khăn. Thảo cố giấu nỗi buồn vào trong nhưng làm sao giấu được. Nhìn thấy con ngày càng héo hắt cô Tâm đau trong dạ mà chẳng biết làm gì. Chuyện càng đẩy lên cao trào khi Ngọc Bích – người bạn duy nhất của Thạch ở đất liền ra đảo. Ngọc Bích thương Thạch, cô hiểu lầm Thảo là em gái của Thạch nên lén anh ra đảo thăm Thảo, để chị em thân thiết. Ngọc Bích thì vô tư kể, còn Thảo thì để tâm từng chữ.
Linh tính của bà mẹ làm cô Diệu cảm thấy bất an trong lòng, muốn ra đảo thăm mẹ con cô Tâm, nhưng cậu Hai Lễ cứ tìm cách trì hoãn, không cho mẹ con cô Diệu đi. Đến khi thầy giáo Tín vào báo tin Thảo bệnh nặng, bây giờ mọi người mới vỡ lẽ, thư từ của hai trẻ gởi nhau cậu Hai Lễ đều giấu hết, khiến một người khổ sầu, một người héo hon. Thạch nghe tin dữ liền quay ra đảo, trời như thử thách lòng người, tàu mắc cạn, Thạch liền nhảy xuống bơi vào bờ. Nghe tin Thạch về, Thảo ra tận bến chờ đón nhưng chờ hoài chờ mãi chẳng thấy bóng dáng Thạch đâu, lo sợ Thạch không về nên Thảo ngất xỉu.
Tháng ngày chờ đợi héo hon đã cướp đi lần hồi sinh mạng của Thảo. Đến lúc Thạch về đến chỉ kịp cho Thảo nhìn mặt lần cuối. Câu nói xé lòng của Thảo “Anh không bỏ em, anh về rồi đó hả…. Anh ơi, đi đâu anh cũng cho em đi theo nghen anh” – lời nói của Thảo như ngàn mũi tên tẩm độc xoáy sâu vào tâm khảm Thạch “Ờ, anh hứa từ nay đi đâu anh cũng dẫn em theo…” những lời nói này, giờ Thảo có còn nghe được nữa đâu. Thạch ôm xác em mà nước mắt lăn dài, anh gào thét gọi tên Thảo, rồi cứ ngồi mãi như thế ôm xác Thảo như người hồn xiêu lạc phách. Thảo chết rồi, Thạch cũng chỉ còn lại cái xác. Suốt mười ngày liền, anh không ăn không ngủ cứ ôm lấy mộ của Thảo mà khóc than, ai oán:
“Em đi về cõi trời xa
Để anh ôm bóng trăng ngà năm canh
Vò vò ngọn cỏ còn xanh
Hồn hoa chôn chặt dưới vành trăng thanh”
Thử hỏi giữa sanh ly và tử biệt cái nào đau đớn hơn? Có lẽ đối với Thạch và Thảo dù sanh ly hay tử biệt cũng khiến cả hai tím ruột bầm gan. Nhìn cảnh tình Thạch cứ ôm lấy mộ em mà sầu não, ai nhìn thấy cũng không khỏi chạnh lòng, không khỏi xót thương cho một mối tình đau khổ. Ông Hai Nhân – ông nội của Thạch, đích thân ra đảo khuyên can nhưng giờ đây Thạch còn nghe thấy gì nữa đâu. Trong anh bây giờ chỉ là đau khổ, dằn vặt, hối hận. Anh tự trách mình, Thảo đã từng nói cô không thể sống xa anh, vậy mà anh không nghe, anh bỏ cô vào đất liền, để rồi cô chết. Là tội của anh, là lỗi của anh. Anh đã xa Thảo một lần rồi, giờ anh quyết không thể để Thảo một mình bơ vơ, lạc lõng bên kia miền âm cảnh. Thạch sanh ra ảo giác….. hay thật chăng là tiếng Thảo đang ở giữa sóng nước mênh mông gọi tên anh. Thạch không suy nghĩ gì, cứ đi theo tiếng gọi đó, anh nhìn thấy Thảo, anh thấy Thảo cười với anh, bất giác trên môi Thạch cũng nở nụ cười hạnh phúc hòa nước mắt khổ đau.
Cô Diệu, cậu Hai Lễ, Ngọc Bích muốn ngăn cản ý định của Thạch, nhưng ông Hai Nhân đã ngăn cản mọi người. Cảnh người tóc bạc khóc tiễn kẻ đầu xanh ông làm sao không đau lòng cho được. Nhưng ông hiểu nếu giữ Thạch sống được ngày hôm nay cũng không giữ được anh qua ngày mai. Số phận của Thạch và Thảo đã vậy thì hãy để cho hai trẻ giữ trọn câu “Sống Thác Với Tình”.
Nhìn cảnh Thạch từ từ bước ra biển, miệng không ngừng gọi tên Thảo, rồi sau đó là sóng nước mênh mông.
“Ai về hòn đảo thăm tình, mà nghe nơi đó vương khúc buồn thương thương. Rừng xanh tình mãi xanh muôn đời, đôi trẻ lạ dòng chung nhau sớt bầu sữa thơm. Vì đâu trời nỡ cách ngăn, vì đâu đôi mình đôi đường đôi nơi. Thề không thể sống xa nhau, thề con sóng bạc ta nguyền sắt son.”
(TB: lần đầu tiên coi cảnh Thảo chết mà khóc như chưa từng được khóc, khóc tức tưởi, khóc nghẹn ngào)
Trả lời