Làm cải lương một cách tử tế, được không?
Chưa phân loại
26/03/2019
750 Lượt xem
Trưa ngày 25/3/2019, tại Hội sân khấu TP.HCM 5B Võ Văn Tần, soạn giả Hoàng Song Việt cùng đạo diễn NSUT Triệu Trung Kiên đã tuyên bố chính thức ra mắt sân khấu cải lương tư nhân Đại Việt.
Ngay thời điểm này, NSND Trần Ngọc Giàu dưới tư cách là cố vấn sân khấu Đại Việt cho biết: “Những gì tôi có thể nói một cách ngắn gọn nhất về sân khấu Đại Việt đó là các bạn đang bắt đầu một hành trình nghệ thuật đầy lãng mạn. Tôi quý các bạn vì tinh thần làm cải lương một cách tử tế”.
Đầu tư chuyên nghiệp
Hai chữ “tử tế” mà NSND Trần Ngọc Giàu – một nghệ sỹ lão thành, am hiểu trong ngành cải lương dùng khiến mọi người đặt ra một câu hỏi: Phải chăng bấy lâu nay nghệ sỹ cải lương không làm nghề một cách “tử tế”?.
Thực ra thì câu chuyện cải lương hấp hối, sa sút đã được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Trong bối cảnh đầy bi quan ấy, vẫn còn vài đơn vị nhà nước lẫn tư nhân đau đáu với nghề. Họ tìm đủ mọi cách để xoay sở nhằm cứu vản tình hình ngày càng trở nên nguy kịch. Thế nhưng nghệ sỹ thì vẫn là một người bình thường cần mưu sinh để tồn tại. Nếu họ bỏ hết tâm huyết làm nghề giống như thời điểm hoàng kim cải lương từ thập niên 1950-1980, chắc chắn họ sẽ không tồn tại.
Chính vì vậy, nghệ sỹ phải xoay sở bằng cách đi hát show các kiểu để kiếm cơm. Thỉnh thoảng các nghệ sỹ mới có dịp tụ về diễn một vở tuồng dài đúng nghĩa. Thế nhưng cả đoàn nhà nước lẫn đoàn tư nhân chỉ diễn vài suất thì xếp kho. Một vở tuồng mà lâu lâu mới đem ra diễn một lần nên nghệ sỹ quên thoại, quên lời ca (nghệ sỹ nên được thông cảm vì một tuồng cải lương có rất nhiều chữ mà một nghệ sỹ phải ghi nhớ, khác hẳn với ca nhạc chỉ cần nhớ hơn trăm từ). Bên ngoài diễn mà bên trong nhắc tuồng phải làm việc đổ mồ hôi hột. Ca diễn mà không nhớ lời, không nhớ thoại thì làm sao thăng hoa. Về sự đầu tư về vật chất, hiện tại đã là năm 2019, nhưng thiết bị âm thanh, ánh sáng, cảnh trí dành cho cải lương còn thua những năm 1950-1960.
Cái vòng lẩn quẩn đó. Cái hoàn cảnh khắc nghiệt đó buộc dân làm cải lương rơi vào tình trạng làm nghề một cách không tư tế đúng nghĩa. Giờ đây, trong bối cảnh đầy bi quan ấy, sân khấu tư nhân Đại Việt bỗng dưng xuất hiện. Soạn giả Hoàng Song Việt, ông bầu sân khấu Đại Việt, cho biết: “sân khấu cải lương mới Đại Việt được ra đời với khát vọng bằng thái độ làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao của tất cả các thành phần sáng tạo (nhà quản lý, tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, diễn viên, công nhân kỹ thuật, hậu cần…), với việc xây dựng các tác phẩm vừa đảm bảo các tiêu chí nghệ thuật chuyên nghiệp, vừa thỏa mãn các nhu cầu thưởng thức và giải trí của công chúng; học hỏi, áp dụng các công nghệ, phương thức hoạt động mới… các vở diễn hy vọng sẽ tạo nên sức hút mới đối với các tầng lớp khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ”.
Cụ thể hơn, sân khấu Đại Việt được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp. Kịch mục sẽ đảm bảo lịch diễn ổn định và lâu dài. Trong năm 2019, sân khấu trình diễn 3 vở mới gồm Chuyện tình Khâu Vai, Đoạt hồn, Lôi Vũ. Thành phần diễn viên nồng cốt gồm NSUT Quế Trân, NSUT Lê Tứ, Võ Minh Lâm, NSUT Phượng Loan, Hà Như, Lê Thanh Thảo… Tuy nhiên, tùy mỗi vở diễn mà sân khấu sẽ mời thêm nhiều nghệ sỹ ngôi sao khác. Do kịch mục đã được chuẩn bị từ trước nên nghệ sỹ nào được mời tham gia sẽ thu xếp các hoạt động khác để tập dượt kỹ càng, trình diễn tận tâm chứ không được qua loa đại khái.
Về mặt dàn dựng, đạo diễn sẽ thổi vào các vơ diễn sắc thái mới thông qua sự chuyên nghiệp của âm thanh, ánh sáng, và sự kết hợp của các ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật khác. Ngoài nội dung, sân khấu có hẳn một êkip chuyên về online marketing để kích cầu, và một bộ phận chuyên tìm tài trợ cũng như tìm kiếm hợp đồng trình diễn cho sân khấu.
Câu trả lời còn chờ tương lai
NSUT Lê Tứ cho biết: “Là nghệ sỹ, chúng tôi luôn khát khao được hát trong một vở tuồng được đầu tư đến nơi đến chốn. Sở dĩ phải chạy show nhỏ lẻ là vì cuộc mưu sinh. Chính vì vậy, khi nghe qua phương cách hoạt động ổn định và có hoạch định như Đại Việt, chúng tôi rất mừng vui. Với kịch mục đã định sẵn, chúng tôi có cơ hội được diễn đều đặn hơn. Đây là dịp tốt để nghệ sỹ chúng tôi được làm nghề đúng như mong ước”.
Dẫu vậy, khi được hỏi sân khấu đã chuẩn bị nguồn vốn như thế nào cho một hành trình dài hơi, cả hai ông bầu Hoàng Song Việt và Triệu Trung Kiên đều cho rằng khởi đầu là móc tiền túi ra làm. Nếu khán giả ủng hộ mới có khả năng tính đường dài. Riêng việc tìm kiếm tài trợ thì chưa chắc chắn nhưng có hy vọng. Bên cạnh đó, sân khấu cũng chưa khẳng định được phương thức khả thi nhất để thu hút đối tượng khán giả mới đến rạp. Tựu trung lại, họ cũng giống như các ông bà bầu tư nhân đang hoạt động, lao vào cải lương với một niềm đam mê bất tận. Họ không thể khoanh tay đứng nhìn cải lương chết dần mòn, vì vậy, họ phải gánh vác. Thành hay bại đều không nằm trong sự toan tính chắc chắn.
Để trả lời cho điều này, NSND Trần Ngọc Giàu bộc bạch: “Chúng tôi nghĩ đơn giản thế này, sân khấu Đại Việt tạo ra sản phẩm để phục vụ công chúng. Qua từng sản phẩm phía sân khấu sẽ lắng nghe ý kiến góp ý của khán giả để ngày càng hoàn thiện. Trong bối cảnh khó khăn như thế này, có được những người nặng lòng với cải lương như thế, tôi thấy rất trân trọng và nên ủng hộ”.
Nguyễn Huy
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.134869 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98829 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95647 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94089
Để lại một bình luận