Làm gì để cứu cải lương khi khán giả ngày một quay lưng?

Làm gì để cứu cải lương khi khán giả ngày một quay lưng?

Chưa phân loại
13/04/2019
582 Lượt xem

Ðể cứu cải lương khi khán giả ngày một quay lưng, nhiều nghệ sĩ cải lương hai miền Nam – Bắc đã kết hợp để tìm lại “một thời vang bóng”.

Những tên tuổi cải lương miền Nam như soạn giả Hoàng Song Việt, NSND- Đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã kết hợp với một số nghệ sỹ cải lương tài danh phía Bắc như NSƯT Triệu Trung Kiên, nghệ sĩ Quang Khải của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Sự kết hợp này được cho là bước đột phá mới nhằm tìm lại khán giả và giữ lửa cho cải lương.

Năm 2018 sân khấu cải lương kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển bộ môn nghệ thuật Cải lương tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh cải lương đang xuống dốc, những người tổ chức đã không làm được nhiều cho tuổi bộ môn nghệ thuật có bề dày 100 tuổi này. Vài buổi diễn kỷ niệm, vài cuộc triển lãm hay sân khấu hoá trên phố đi bộ Nguyễn Huệ chưa xứng tầm với bộ môn nghệ thuật dân tộc đã từng có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.

Một cảnh trong vở Thầy Ba Ðợi - một vở diễn ghi nhận sự thành công của các nghệ sỹ cải lương 2 miền Nam - Bắc

Một cảnh trong vở Thầy Ba Ðợi – một vở diễn ghi nhận sự thành công của các nghệ sỹ cải lương 2 miền Nam – Bắc

Ngay cả Nhà hát Trần Hữu Trang – anh cả trong làng cải lương phía Nam cũng phải tới cuối năm 2018 mới có những hoạt động kỷ niệm. NSND Bạch Tuyết nói rằng những người làm cải lương chỉ làm cho có. “Với 100 năm cải lương thì lẽ ra tầm vóc của các hoạt động kỷ niệm phải lớn hơn nhiều, phải quy mô hơn nhiều, bởi nó gắn rất nhiều với những cột mốc quan trọng lịch sử Cách mạng và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhưng dường như ít ai nhìn ra điều đó” – NSND Bạch Tuyết chia sẻ.

Và sau mốc 100 năm, nghệ thuật cải lương dường như vẫn chưa có gì thay đổi. Các nghệ sỹ sau những ngày hoan ca với 100 năm quay lại với những trăn trở về nghề. Các đêm diễn ít sáng đèn và ít có khách đến xem. Nhiều nghệ sỹ vẫn phải quay qua những công việc khác hay có bám đuổi với nghề thì không phải ở những vở diễn trên sân khấu hoành tráng mà chỉ là tại những sân khấu nhỏ, thậm chí tại những tụ điểm hát với nhau.

Hy vọng một sự đột phá

Một điểm sáng trong các hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương là đã có một vở diễn gây được sự chú ý mạnh mẽ từ nhiều phía. Đó là vở diễn Thầy Ba Đợi (Kịch bản văn học PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; Soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương; Đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên và Lê Trung Thảo, Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu). Vở Thầy Ba Đợi gây chú ý không chỉ bởi nội dung kịch bản khắc họa chân dung của thầy Ba Đợi (tức nhạc quan – Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công lớn đối với quá trình hình thành và phát triển buổi đầu của nghệ thuật Cải lương) mà còn thông qua đó đem đến cho công chúng một cái nhìn vừa toàn cảnh vừa cụ thể về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Điều thú vị khác là vở Thầy Ba Đợi còn ghi nhận lần đầu tiên có sự hợp tác giữa các nghệ sỹ cải lương 2 miền Nam – Bắc trong việc dàn dựng vở. Với sự phối hợp giữa các tài năng của 2 miền, các đêm diễn từ Long An tới Sài Gòn rồi ra Hà Nội đều… cháy vé.

Đó là lý do mà chúng tôi muốn hợp tác để phát triển cải lương. Các nghệ sỹ mỗi miền đều có những ưu thế riêng và khi hợp tác với nhau, chúng tôi có thể dàn dựng được những vở diễn hay, hút khán giả bằng chất lượng. Nghệ thuật cải lương bên cạnh việc bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phải có những thay đổi, phù hợp với thị hiếu của đại bộ phận khán giả hiện đại và bắt kịp với các xu hướng sân khấu trên thế giới” – NSƯT Triệu Trung Kiên nói.

Trong thời gian tới, sân khấu cải lương Đại Việt sẽ dàn dựng 3 vở diễn là Đoạt hồn, Lôi vũ và Chuyện tình Khau Vai. Theo soạn giả Hoàng Song Việt, 3 vở diễn này sẽ được đầu tư kỹ lưỡng, dàn dựng chuyên nghiệp, chọn hướng thu hút khán giả bằng chất lượng của chính vở diễn. “Mọi khâu đầu tư, thiết kế cho vở diễn sẽ rất nghiêm túc. Chúng tôi đổi mới từ hình thức sáng tác kịch bản, dàn dựng sân khấu, đến ca diễn. Chúng tôi sẽ không đặt nặng vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu mà mong muốn qua các vở diễn, khán giả sẽ ghi nhận sự cố gắng cũng như chất lượng vở diễn để tìm lại với cải lương” – Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết.

NSƯT Quế Trân (Nhà hát Trần Hữu Trang) và NS Quang Khải (Nhà hát Cải lương Việt Nam) trong vở Thầy Ba Ðợi

NSƯT Quế Trân (Nhà hát Trần Hữu Trang) và NS Quang Khải (Nhà hát Cải lương Việt Nam) trong vở Thầy Ba Ðợi

Còn NSND – Đạo diễn Trần Ngọc Giàu, người giữ vai trò cố vấn cho Sân khấu Cải lương mới Đại Việt đánh giá đây là một sân khấu hết sức tử tế từ sáng tạo, từ biểu diễn đến cách quảng bá. “Với việc thành lập Sân khấu Đại Việt mà các nghệ sỹ 2 miền Nam- Bắc cùng tham gia, tôi cho đây là tâm huyết, hứa hẹn đền đáp tình cảm của khán giả dành cho sàn diễn cải lương” – đạo diễn nói.

Soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng các vở diễn của Sân khấu Ðại Việt sẽ được xây dựng với quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc đích thực. Một sân khấu cải lương mang yếu tố cải cách. Sân khấu này sẽ từng bước áp dụng những thử nghiệm nghệ thuật cần thiết với liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn nhằm làm mới sàn diễn cải lương, tuân thủ tiêu chí và đặc trưng của loại hình ngay từ buổi đầu hình thành.

TRỌNG THỊNH


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *