Liên hoan Cải lương toàn quốc: Huy chương “mặt trận”, nghệ sĩ mất vui

Liên hoan Cải lương toàn quốc: Huy chương “mặt trận”, nghệ sĩ mất vui

Chưa phân loại
22/09/2018
606 Lượt xem

Giá trị tôn vinh nghệ sĩ ở Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 phần nào bị ảnh hưởng khi có tới 49 HCV, 66 HCB được trao theo kiểu… “mặt trận” cho “cả làng đều vui”

Lễ bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 đã diễn ra tại Nhà hát Cải lương Long An, tỉnh Long An đêm 19-9. Năm nay, dù ban tổ chức cho biết là đã rất hạn chế nhưng vẫn có tới 49 HCV, 66 HCB được trao cho diễn viên. Nghệ sĩ nhận huy chương lắm người buồn hơn vui.

NSƯT Phượng Loan và Nhơn Hậu tại lễ bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018

NSƯT Phượng Loan và Nhơn Hậu tại lễ bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018

Trong đêm trao giải, NSƯT Kim Tử Long được tôn vinh với HCV vai Nguyễn Trãi trong vở “Rạng ngọc Côn Sơn”. Dù vậy, anh tỏ ra kém vui trước “cơn mưa huy chương” được trao theo kiểu “mặt trận”.

“Có nghệ sĩ hát đâm hơi, ca chinh dây đờn; có nghệ sĩ không thuộc tuồng, đi liên hoan chuyên nghiệp mà vẫn đeo máy nhắc tuồng…, thế mà họ vẫn được chấm HCV, HCB. Tôi cho rằng cứ cái kiểu “mặt trận hóa” cho cả làng đều vui thì không thể chấp nhận. Đã gọi là đi thi, tranh tài thì hiệu quả nghệ thuật phải được đặt lên hàng đầu” – NSƯT Kim Tử Long thẳng thắn.

NS Hồng Thủy (Nhà hát cải lương Tây Đô) mong rằng sau liên hoan, vở diễn sẽ được tổ chức biểu diễn thêm nhiều suất để phục vụ khán giả yêu cải lương tại TP Cần Thơ và các tỉnh.

Qua trao đổi với nhiều nghệ sĩ, họ đều cho rằng có thể đây sẽ là liên hoan cuối cùng, vì sau chuyến đi này nhiều đoàn cải lương các tỉnh ĐBSCL sẽ sáp nhập, không còn tính chất tranh tài tập trung như liên hoan năm nay. Khi sáp nhập với các lãnh vực ca, múa, nhạc, xiếc, rối…thì sẽ có những liên hoan được tổ chức với hình thức khác.

Chính điều này làm cho phần lớn nghệ sĩ các đoàn tỉnh bùi ngùi, dù họ lãnh huy chương cho nghề nghiệp nhưng vẫn không vui hết mức vì trước mắt họ cải lương còn nhiều trăn trở.

NSƯT Vũ Luân và NS Trinh Trinh đoạt HCV cá nhân

NSƯT Vũ Luân và NS Trinh Trinh đoạt HCV cá nhân

Gần 1.000 diễn viên trên cả nước trong 15 ngày qua đã mang đến TP Tân An và TP HCM những vai diễn, vở diễn để chào mừng ngày hội nghề nhộn nhịp. Tuy nhiên, NS Bảo Anh (Ban Chủ nhiệm Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Cà Mau) nhận xét: “Trên thực tế, người làm nghề xem nhiều hơn còn khán giả vẫn còn quá ít. Sự quảng bá của liên hoan còn yếu quá”.

Các nghệ sĩ sau lễ bế mạc liên hoan cải lương 2018

Các nghệ sĩ sau lễ bế mạc liên hoan cải lương 2018

Với soạn giả Đăng Minh – cha đẻ tác phẩm “Anh hùng di hận” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, đơn vị đoạt giải HCV – liên hoan lần này không có nhiều kịch bản hay, nhiều sáng tác chưa mới. “Một số đoàn vẫn phải dựa vào số kịch bản đã có từ nhiều năm và đau nhất là phải dựa nhiều vào kịch bản văn học của kịch nói, rồi chuyển thể, làm mất đi nét dung dị đáng có của cải lương. Việc thiếu vắng những kịch bản lớn, mang tầm tư tưởng và thời đại với những trăn trở của cuộc sống hôm nay đã làm cho diện mạo sân khấu cải lương đứng ngoài đà phát triển chung của nhiều loại hình nghệ thuật” – soạn giả Đăng Minh nhấn mạnh.

NSƯT Lê Chức (bên trái) và đạo diễn Lê Trung Thảo chúc mừng NSƯT Phượng Loan

NSƯT Lê Chức (bên trái) và đạo diễn Lê Trung Thảo chúc mừng NSƯT Phượng Loan

Theo đánh giá của NSƯT Vũ Luân, xuyên suốt 15 ngày diễn ra liên hoan, có đến 2/3 trong số 32 vở diễn của 25 đơn vị là phục dựng. Vũ Luân chia sẻ: “Cục Nghệ thuật biểu diễn đã không tạo được những buổi hội thảo, bàn luận về chuyên đề đổi mới từ các khâu sáng tạo như: kịch bản, đạo diễn, tác giả, họa sĩ thiết kế, âm nhạc và diễn xuất… để chúng tôi được học hỏi, trau dồi nghề nghiệp”.

NSƯT Thanh Tuấn chúc mừng các nghệ sĩ đoạt HCV

NSƯT Thanh Tuấn chúc mừng các nghệ sĩ đoạt HCV

Nói đến một số mặt hạn chế khác trong liên hoan lần này, trong phát biểu tổng kết liên hoan, NSƯT Lê Chức, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, nêu rõ: “Diễn viên gánh vai quá sức mình về hình thể và khả năng ca diễn, ca lỗi nhịp, thiếu màu, chưa tròn vành rõ chữ, thiếu sự nền nã giản dị và chắc chắn của các âm tiết. Vẫn có một số nghệ sĩ mắc những lỗi cơ bản rất đáng tiếc, như: không thuộc lời thoại và ca từ, khán – thính giả nghe thấy cả tiếng nhắc tuồng từ 2 bên cánh gà vọng xuống khán phòng; có diễn viên không bật micro hoặc bật một cách tùy tiện; có diễn viên lại để rơi râu, rơi mũ, tạo hình thiếu ý thức thẩm mỹ…”.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *