Lưu giữ nghệ thuật truyền thống qua artbook song ngữ

Lưu giữ nghệ thuật truyền thống qua artbook song ngữ

05/10/2021
622 Lượt xem

(CLV) – Xuất phát từ sự yêu thích, niềm đam mê nghiên cứu các loại hình nghệ thuật diễn xướng và dân gian, nhóm bạn trẻ sống tại TP. HCM đã cho ra đời dự án artbook song ngữ Việt – Anh “Gánh hát lưu diễn muôn phương”.

Hành trình tìm về nguồn cội

Cuốn sách ảnh Gánh hát lưu diễn muôn phương do tác giả Thảo Hồ biên soạn nội dung, Ngô Mỹ Triều Giang biên dịch và họa sĩ Nguyễn Hoàng Tấn minh họa. Qua cuốn sách, nhóm tác giả đã giới thiệu 30 loại hình nghệ thuật diễn xướng và 6 lễ hội dân gian Việt Nam dưới hình thức artbook song ngữ Việt – Anh. Dự án này được ra mắt vào ngày Giỗ Tổ sân khấu và nhóm xem đây là một “món quà” tri ân các nghệ sĩ đã cống hiến hết mình vì nghệ thuật.

Dự án còn giới thiệu một số loại hình nghệ thuật được liệt vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp vì không được thực hành thường xuyên và ít được khán giả đại chúng quan tâm như: Ca trù, hát dô, hát đúm, hát then… Nhóm nhận thấy nếu không gìn giữ những giá trị văn hóa này thì tương lai có thể sẽ không còn cơ hội để nhắc tới các loại hình nghệ thuật diễn xướng.

Lưu giữ nghệ thuật truyền thống qua artbook song ngữ ảnh 1

Tác giả Thảo Hồ (sinh năm 1992) bộc bạch: “Từ nhỏ, mình đã rất thích xem cải lương. Thần tượng lúc ấy của mình là chú Vũ Linh và cô Ngọc Huyền. Mỗi lần có đoàn văn nghệ về tỉnh, mình đều xin mẹ đi xem trực tiếp”. Khi trưởng thành, Thảo có cơ duyên đi công tác nhiều nơi và cô bạn thường quan tâm đến các lễ hội hay loại hình diễn xướng đặc trưng của từng vùng miền. Thảo nhận ra sự độc đáo, thú vị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam và ấp ủ việc thực hiện một dự án để quảng bá nét đẹp văn hóa này. Cách đây hai năm, Thảo đã ngỏ lời hợp tác với họa sĩ Nguyễn Hoàng Tấn để minh họa cho dự án.

Nhóm khẳng định sản phẩm này không có tính nghiên cứu khoa học vì đây là kết quả của hành trình tìm về cội nguồn để tự khám phá và cảm nhận. Chia sẻ về những trở ngại trong quá trình thực hiện, họa sĩ Nguyễn Hoàng Tấn (sinh năm 1997) cho biết: “Chúng mình có hơn một năm để lên ý tưởng và nghiên cứu thông tin về những loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam. Đối với mình, khó khăn lớn nhất là phải xác thực độ chính xác của từng loại hình nghệ thuật bởi vì tư liệu rất ít. Có khi mình phải đè từng pixel của clip tư liệu để xem những họa tiết nhỏ trên chiếc khăn quấn đầu”.

Lưu giữ nghệ thuật truyền thống qua artbook song ngữ ảnh 2

Dự án đã giới thiệu một số loại hình nghệ thuật tiêu biểu như đờn ca tài tử, chèo, hát xẩm, nhã nhạc cung đình.

Qua lăng kính của người trẻ

Theo Hoàng Tấn, điểm đặc biệt của dự án chính là sự trải nghiệm văn hóa theo một cách riêng thông qua lăng kính của người trẻ. Nhóm bạn trẻ đã “thổi” một luồng “sinh khí” vào những tư liệu đang dần bị lãng quên bằng hình thức minh họa. Ngoài ra, nhóm mong muốn có thể mang nét đẹp dân tộc đến với bạn trẻ trong và ngoài nước để họ phát huy, gìn giữ những giá trị truyền thống này.

Hoàng Tấn cho biết mình đã thực hiện hơn 35 bức tranh trong cuốn sách ảnh này. Hai bức vẽ công phu nhất của cậu bạn là “Chầu văn” và “Nhã nhạc cung đình” vì Tấn phải tìm hiểu sâu và cập nhật liên tục kiến thức về tín ngưỡng, số lượng nhạc cụ, trang phục đặc trưng của các loại hình này. Cậu bày tỏ: “Đây là dự án ý nghĩa nhất mà mình từng tham gia. Mình cảm thấy may mắn vì được vẽ và truyền tải được những thông điệp hay đến với mọi người mà không cần dùng nhiều từ ngữ”.

Lưu giữ nghệ thuật truyền thống qua artbook song ngữ ảnh 3

Qua cuốn sách, nhóm tác giả đã giới thiệu 30 loại hình nghệ thuật diễn xướng và 6 lễ hội dân gian Việt Nam dưới hình thức artbook song ngữ Việt – Anh.

Trong quá trình biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, nhóm bạn trẻ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đối chiếu tư liệu. Ngô Mỹ Triều Giang (sinh năm 1993) cho biết: “Mình gặp nhiều vấn đề trong việc biên dịch các thuật ngữ dân gian như “đào”, “kép”, “trống chầu” hay các loại nhạc cụ chỉ có ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc chọn tên tiếng Anh cho cuốn sách cũng khiến mình mất khá nhiều thời gian suy nghĩ”.

Lưu giữ nghệ thuật truyền thống qua artbook song ngữ ảnh 4

Cuốn sách ảnh “Gánh hát lưu diễn muôn phương” do tác giả Thảo Hồ biên soạn nội dung, Ngô Mỹ Triều Giang biên dịch và họa sĩ Nguyễn Hoàng Tấn chịu trách nhiệm minh họa.

Trong tương lai, nhóm bạn trẻ mong muốn sẽ lan tỏa được giá trị nhân văn của cuốn sách tới nhiều người và đưa dự án lên nhiều nền tảng khác nhau. Vào ngày Giỗ Tổ sân khấu năm sau, nhóm hứa hẹn sẽ kết hợp cùng tác giả Nguyễn Trường để cho ra mắt bộ board game có luật chơi dựa trên nội dung của cuốn sách này.

Hương Nhu


5/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *