Năm Phỉ – Phượng hoàng của sân khấu cải lương

Năm Phỉ – Phượng hoàng của sân khấu cải lương

07/12/2015
682 Lượt xem

(CLV) – Cách Sài Gòn 70 km, dọc theo bờ sông Tiền là thành phố Mỹ Tho. Những vòm cây ăn trái xòe bóng mát quanh năm.

Từ cuối thế kỷ XIX có gia đình ông Công, họ Lê sinh được 11 người con. Cách đặt tên con của ông cũng ngộ, ngoài tên Công của ông đứng đầu thì ta sẽ đọc thành câu: “Công thành danh toại chỉ phỉ nam nhi bia truyền tạc để“.

Dù ông có ghét cay ghét đắng chuyện “đào kép hát hò”, nhưng về sau có những người con của ông sẽ trở thành những nghệ sĩ tiên phong, những tên tuổi sáng chói trên sân khấu cải lương miền Nam. Trong số đó, nổi bật nhất vẫn là nghệ sĩ Năm Phỉ, tên thật Lê Thị Phỉ, sinh năm 1906.

Khi mới lên mười bà đã đi theo tiếng gọi của sân khấu với sự đồng tình của người mẹ. Thế là từ đó, ông Công xem như đứa con gái thứ năm của mình đã chết từ lúc mới lọt lòng; trong nhà không ai được phép nhắc đến tên Năm Phỉ nữa. Dù vậy, bước đi của bà đã ảnh hưởng sâu sắc đến những người em – sau này cũng nổi tiếng không kém là NSND Bảy Nam, Chín Bia và Mười Truyền.

Khi ông anh Hai kiểm tra bài vở của cô em thứ Bảy chỉ thấy chép… toàn bài ca, giận lắm, bèn cột chân mà thả xuống giếng sau chùa Mỹ Tho rồi hỏi: “Mày thích đi học hay đi hát!” Dù đang toòng teng dưới giếng, nhưng cô gái mới 11- 12 tuổi đầu cũng rắn rỏi nói vọng lên: “Đi hát!”.

Về cuối đời, khi đã được công nhận là NSND, nếu hỏi bà ai là thần tượng thì bà không ngần ngại nói ngay đó là chị ruột của mình: Năm Phỉ.

Đánh giá sự nghiệp của bà, NSND Ba Vân phải thốt lên: “Theo tôi, cô Năm là thiên tài trong lĩnh vực cải lương, một tấm gương sáng trong việc rèn luyện và sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói cô là người dẫn đầu trong nghệ thuật diễn xuất thật không quá đáng.

Mỗi khi nhận vai tuồng, cô Năm thường suy nghĩ rất nhiều về cách diễn, nghiên cứu từng bước đi, ngồi đứng, di động trên sân khấu làm sao cho mỗi động tác đều thể hiện rõ và đúng tâm trạng của nhân vật. Với vóc dáng mảnh mai và một giọng ca tuy không phong phú lắm nhưng rất đặc biệt thuộc loại giọng hiếm có, hơi khàn khàn nghe rất thảm, rất thích hợp với những vai đào thương.

Với cách diễn thiên về nội tâm và giọng nói, hơi ca thật tình cảm, cô Năm đã thu hút được trọn vẹn khán giả mỗi lần xuất hiện trên sân khấu, hầu hết những vai tuồng của cô đã đọng lại trong lòng người xem”. Nhà giáo nhân dân, GS Hoàng Như Mai khẳng định: “Nữ nghệ sĩ Năm Phỉ là nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của sân khấu cải lương”.

Số phận của bà Năm Phỉ thật lạ lùng. Do theo nghề hát quá sớm nên bà không được học hành, chỉ biết ký mỗi tên của mình. Không biết chữ, nhưng bà lại có trí nhớ khó ai sánh kịp. Mỗi lần tập vở diễn, người ta đọc cho bà nghe, chỉ nghe qua một lần là bà đã nhớ như in. Có lẽ tình yêu sân khấu đã tạo cho bà có được trí nhớ tuyệt vời như vậy chăng?

Theo nhiều người kể lại, trong đó có NSND Bảy Nam thì mỗi lúc tiếp khách, miệng nói với khách nhưng tai bà vẫn lắng nghe người ta đang đọc vở tuồng. Sau khi khách ra về thì phần bà đã thuộc lời thoại của vở diễn mới.

Bà Năm Phỉ bấy giờ hát cho gánh Nam Đồng Ban ở Mỹ Tho, diễn chung với những tên tuổi lừng lẫy như Tám Danh, Ba Du… Gánh hát này do ông Hai Cu và ông Hai Quản làm thợ bạc thành lập. Con trai của ông Hai Cu là nghệ sĩ Hai Giỏi, người chuyên đóng những vai chính rất “ăn ý” với Năm Phỉ trong các vở Tham phú phụ bần, Ơn đến oán trả, Thiện ác hữu báo, Bội thê thiên xử, Chí Thiện- Chí Hiếu…

Mối tình đầu của nghệ sĩ Năm Phỉ – một cô đào thanh sắc vẹn toàn đã diễn ra trong thời gian này. Nhắc lại chuyện tình của bà với nghệ sĩ Hai Giỏi, qua đó ta thấy bà Năm Phỉ đã để lại những vai diễn thật xuất sắc, đến nay vẫn chưa có người sánh kịp.

Theo NSND Ba Vân thì Hai Giỏi: “Dáng người nho nhã thư sinh, môi son đỏ thắm, đã đẹp trai mà còn ca hay nổi tiếng, nhiều người lớp sau anh có tên tuổi lớn vẫn xem anh là bậc thầy trong nghề ca”; còn NSND Sĩ Tiến đánh giá: “Đây là kép độc nhất vô nhị của sân khấu cải lương Nam Kỳ. Người đã chiếm được trái tim cô Năm Phỉ lần đầu tiên và dẫn dắt cô trở nên một cô đào hát có tiếng tăm lừng lẫy”.

Tình yêu đã giúp họ cùng tiến xa trên con đường phụng sự nghệ thuật, cả hai bổ sung cho nhau khi đóng cặp các vai chính.

Có thể nói, nghệ thuật diễn xuất của nghệ sĩ Năm Phỉ đã đạt đến một sự mẫu mực hiếm có. Dù là đóng vai nào trong vở tuồng Tàu, tuồng xã hội hay tuồng Tây phóng tác thì bà cũng đều để lại những dấu ấn khó quên.

Nghệ sĩ Năm Phỉ - Ảnh tư liệu

Chân dung cô Năm Phỉ

Con đường nghệ thuật đang mở ra thênh thang trước mắt, thì người bạn tình, bạn diễn ưng ý nhất của bà đột ngột qua đời! Nghệ sĩ Hai Giỏi về cõi thiên thai lúc mới đôi mươi, lúc tài năng rực rỡ nhất.

Sau cái chết của nghệ sĩ Hai Giỏi, ông Hai Cu vì thương con cũng dẹp luôn gánh hát Nam Đồng Ban (sau ông lại lập gánh Tái Đồng Ban). Bà Năm Phỉ sang hát cho gánh Văn Hí Ban của thầy Mười Vui (Chợ Lớn) diễn chung với những nghệ sĩ Tô Ngọc Diêu, Tư Dậu, Hai Tỷ, Tư Để…

Sau bà sang hát cho gánh Phước Cương. Chính nơi đây, bà đã phát huy hết khả năng thiên phú. Thiên hạ còn nhớ đến nhiều vai mà bà đã đóng trong các vở Lan và Điệp, Sắc đẹp giết người, Vì đâu nên nỗi hoặc Phụng Nghi Đình…

Trong Hồi ký 50 mê hát, học giả Vương Hồng Sển cho biết: “Năm 1926, gánh Phước Cương lên hát rạp Sài Gòn: kép Bảy Nhiêu làm Tống Chơn Tôn, cô Năm Phỉ thủ vai Bàng Quý Phi hay đến nỗi Chính phủ gởi cả đôi sang Pháp diễn tại Paris dịp đấu xảo năm 1931, ăn khách suốt mấy tháng trường, tuy khán giả Lang sa không hiểu nổi một câu bịn rịn hay câu vọng cổ mùi và chỉ hiểu qua màu bộ tịch của đào kép”. Chuyến đi “mang chuông sang đánh xứ người” này không hổ thẹn cho nữ giới Việt Nam.

Báo Phụ nữ tân văn số 91 ra ngày 16-7-1931 cũng tường thuật khá chi tiết sự kiện này. Với đầu đề Cô Năm Phỉ được tiếng khen ở Paris, bài báo viết: “Ai cũng biết nhân cuộc đấu xảo thuộc địa ở Paris mà gánh hát Phước Cương và cô Năm Phỉ được chính phủ bên này cho qua, phô bày cái nghệ thuật diễn kịch của ta cho thiên hạ bên ấy biết. Cách đây vài tuần lễ, bạn đồng nghiệp Công Luận đăng tin rằng cô Năm Phỉ được báo giới ở Paris khen ngợi lắm”.

Theo tài liệu của Nguyễn Phúc Nghiệp thì chỉ riêng lần lưu diễn này bà đã nhận được 4 huy chương, 186 bức thư và 1.008 danh thiếp của khán giả, 167 kiểu ảnh chụp, 42 bài báo ca ngợi và 230.000 đồng tiền thù lao (thời đó tương đương hàng ngàn lạng vàng (báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 31-7-1993).

Không chỉ hoạt động sôi nổi trong lãnh vực nghệ thuật, bà Năm Phỉ còn có mặt trong phong trào yêu nước. Năm 1936, Mặt trận Bình dân thắng thế ở nghị trường Pháp, mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho tình hình chính trị tại các nước thuộc địa. Đảng Cộng sản đã chớp thời cơ để hình thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, rồi sau đó tổ chức Đông Dương đại hội. Nghệ sĩ Năm Phỉ đã có mặt trên chiến tuyến của những người trí thức yêu nước.

Ngày 1-5-1938, cùng với hàng ngàn người lao khổ và công nhân Pháp tham gia cuộc mít-tinh công khai tại rạp Đội Có (Phú Nhuận) do Ban công đoàn của Đảng Cộng sản tổ chức, bà Năm Phỉ là người được thay mặt giới nghệ sĩ và Hội Ái hữu Cải lương bước lên diễn đàn kêu gọi đấu tranh đòi tự do nghiệp đoàn, áo cơm, dân chủ.

Những lúc ấy, mọi người thấy bà xuất hiện và phát biểu thật đĩnh đạc. Tuy có cầm giấy như đang đọc, nhưng thật ra nội dung ấy bà đã thuộc lòng. Do đó, lối diễn thuyết của bà đã gây được hiệu quả nhất định trước công chúng.

Năm tháng trôi qua, trên sàn diễn và sự nghiệp của bà càng chói lọi và bà là một những nghệ sĩ đầu tiên được nhiều huy chương. Chẳng hạn vua Bảo Đại tặng bà Huy chương Kim Tiền, khi lưu diễn sang Lào, Thái Lan, Campuchia… bà cũng đều được các nước tặng Huy chương, v.v…

Những gánh hát nào có trương tên bà, nhưng đêm ấy vì lý do gì đó bà không xuất hiện thì lập tức thiên hạ nhốn nháo đòi trả lại vé! Rất lạ là một nghệ sĩ tài danh như bà nhưng lúc học tuồng mà đã nhớ sai một chữ hoặc một câu thì không sửa được.

Có lần ở gánh Đại Phước Cương, người chuyên đờn cho bà là nghệ sĩ Chín Trích, hai người này “ăn ý” với nhau không khác gì cặp đờn ca Sáu Tửng – Phùng Há. Thế nhưng, lúc bà đã ca sai một câu thì sửa mãi không được nên cuối cùng Chín Trích phải sửa bằng cách… đờn sai theo bà!

Tưởng vậy là “êm”, là ổn thỏa, nào ngờ có lần tự nhiên bà lại… ca trúng! Vậy là đờn đi một đàng, lời ca đi một nẻo! Hát xong vào hậu trường, bà hỏi: “Sao anh lại đờn kỳ vậy”. Chín Trích trả lời tỉnh queo: “Tại lần này chị… ca trúng”. Ai nấy biết chuyện đều cười xòa vui vẻ.

Theo hồi ký Trôi theo dòng đời (NXB phụ nữ, 1993) của NSND Bảy Nam: “Có lần chị Năm tôi tâm sự: “Cuộc đời chị, trời ơi lên sân khấu hồi 10, 11 tuổi, khổ ơi là khổ, đến ngày nay mấy chục năm trôi qua rồi mà vẫn chưa có cái nhà cái cửa như người ta. Lập gánh hát ra thì cứ lo hát, lo chạy nợ, lo bữa nào dàn thưa trả vé. Cuộc đời sao mà nó u tối quá, rồi tài nghệ sao phát triển được. Nhiều lần chị dự định xin Pháp lập một cái trường, quy tụ các anh em lại, dạy mấy đứa nhỏ cho chúng nó nối nghiệp mà cũng không biết đường nào mà xin. Đêm nào cũng hát khan tiếng, mệt đừ rồi chạy nợ. Hát đông thì không nói gì, còn hát thưa sắm tuồng rồi mà không biết phải trả vé lúc nào. Cho nên một khi có vài ông lớn đòi lập gánh trả lương tháng thì chị nhận lời ngay”.

Dù mộng ước tốt đẹp ấy đã không thực hiện được, nhưng thời xuân sắc bà đã cùng các nghệ sĩ tâm huyết với sân khấu làm được một việc rất có ý nghĩa. Nếu nghệ sĩ Phùng Há có công đầu trong việc lập Nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp, thì bà Năm Phỉ cũng có công lớn khi cùng anh em nghệ sĩ đứng ra thành lập Hội Ái hữu Sân khấu tại đường Cô Bắc – gần cầu Ông Lãnh.

Con đường hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Năm Phỉ chấm dứt vào lúc bà đang ở trên đỉnh cao của danh vọng: Năm 1952, sau khi diễn vai Lan trong tuồng Lan và Điệp (phỏng theo tác phẩm Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan) tại rạp Thuận Thành (Tân Định), Năm Phỉ không diễn nữa.

Đó là lần cuối cùng người ta thấy bà xuất hiện trên sân khấu với vai Lan 18 tuổi, mặc dù bà đã qua tuổi 46 – cũng là vai diễn “để đời” của bà. Nếu nghệ sĩ Thanh Tao với vai Điệp, “hớp hồn” khán giả qua giọng ca, thì bà lại “mê hoặc” người xem bằng động tác diễn “xuất thần”…

Hai năm sau, 1954, Năm Phỉ cùng người bạn đi xem hát ở rạp Nam Quang. Xem nửa chừng, bà bị xỉu phải đưa vào bệnh viện Grall, nằm tại đây được một hôm thì bà mất vì đứt mạch máu não, lúc đó bà mới 48 xuân.

Tấm gương hoạt động nghệ thuật không mệt mỏi của bà Năm Phỉ có ảnh hưởng rất sâu sắc đến nhiều thế hệ. Nhớ ơn người thầy, người chị của mình, nghệ sĩ Bảy Nam đã lấy tên chị và tên con gái để lập gánh hát Năm Phỉ – Kim Cương. Còn giới sân khấu miền Nam năm 1954 cũng tổ chức trọng thể lễ truy điệu tài danh Năm Phỉ.


Kỳ tài cải lương Năm Phỉ: Sự nghiệp vinh quang, đường tình cay đắng

(CLV) – Là bậc kỳ tài của sân khấu cải lương, nghệ sĩ Năm Phỉ từng sang Pháp diễn và nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt, nhưng đường...

Nghệ sĩ Năm Phỉ: Danh tài cải lương không danh hiệu

(CLV) – Cố nghệ sĩ cải lương Năm Phỉ (1906-1954) là hiện tượng kỳ lạ trên sân khấu cải lương miền Nam tại Mỹ Tho. Bà có phận đời...

Năm Phỉ và những vai diễn huyền thoại

(CLV) – Nói đến nghệ sĩ cải lương nổi tiếng người ta hay nhắc những cái tên như: Phùng Há, Bảy Nam, Kim Cương… chứ ít ai nói đến...

5/5 - (4 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *