Nghệ sĩ cải lương và câu chuyện bám nghề
Tại hội thảo Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật Cải lương Nam Bộ do Khoa Kịch hát dân tộc, Trường ĐH SKĐA TP.HCM tổ chức mới đây, rất nhiều ý kiến đã nêu ra những khó khăn và thách thức của nghệ thuật cải lương trong bối cảnh đời sống xã hội hiện đại, nhất là công tác tuyển sinh – đào tạo.
Cũng tại Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi quy định xét tặng NSND, NSƯT do Bộ VHTTDL tổ chức, một lần nữa câu chuyện bất cập trong việc phát triển nghệ thuật cải lương lại được xới lên với những suy tư, trăn trở của các địa phương vốn là cái nôi của loại hình nghệ thuật này.
Danh hiệu – động lực để theo nghề
Ông Ngô Quốc Khánh, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Cao Văn Lầu, Bạc Liêu tâm tư, hiện nay những quy định trong việc phong tặng NSND, NSƯT đối với nghệ sĩ cải lương là rất khó khăn, điều này đã khiến cho diễn viên nản, không muốn theo nghề. “Hầu hết các bạn được tuyển vào đoàn được đào tạo chủ yếu thông qua hình thức truyền nghề. Đơn vị có điều kiện mới cho các em đi học lấy bằng cấp, rồi ít ra 5 năm sau mới được thi biên chế. Nếu theo quy định hiện tại, tính thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc được ký hợp đồng lao động, thì 15 năm sau mới được xét NSƯT là quá khó đối với các đơn vị nghệ thuật phía Nam”, ông Khánh bày tỏ và cho hay, “Đoàn chúng tôi bây giờ thực sự rất thiếu diễn viên. Ngay cả con cháu chúng tôi cũng không theo nghề dù chúng diễn hay ca giỏi. Chính vì vậy mà đối với các nghệ sĩ trong cánh phía Nam này, điều duy nhất chúng tôi mang ra “dụ” để anh em bám nghề là các danh hiệu, rằng “ráng theo nghề đi các em, rồi sẽ được phong NSƯT”, nói thật là bây giờ chỉ còn biết lấy điều đó làm động lực thôi, bởi lương bổng có được bao nhiêu đâu”.
Cùng những trăn trở như vậy, ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ nêu ví dụ cụ thể về nghệ sĩ Hồng Thủy của đơn vị ông: “Nếu nghệ sĩ lớn tuổi được đặc cách (thiếu huy chương nhưng đủ thời gian cống hiến) thì không biết có đặc cách cho các bạn trẻ không? Đoàn tôi có đào chính Hồng Thủy, 24 tuổi em tốt nghiệp Trung cấp và được nhận vào đoàn, công tác 8 năm thì đoạt được 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc toàn quốc, đã dư chuẩn huy chương để xét NSƯT so với quy định, nhưng lại chưa đủ thời gian công tác. Em năm nay đã 34 tuổi và vẫn phải ngồi đợi thêm 7-8 năm nữa mới được xét tặng danh hiệu. Nghệ sĩ thì thanh sắc cũng có giới hạn, đợi được NSƯT em cũng đã già, không còn bao nhiêu thời gian cống hiến”. Cũng theo ông Khánh, đoàn tỉnh suất hát không nhiều, lại có quy định thù lao mỗi suất diễn theo thành tích, ví dụ: có huy chương bạc được trả 400.000 đồng, huy chương vàng 600.000 đồng, NSƯT 800.000 đồng, NSND 1 triệu đồng. Vì vậy, việc có thêm danh hiệu ngoài vinh dự còn được hỗ trợ thêm vật chất để động viên anh em bám trụ với nghề…
Nguồn tuyển ngày càng khan hiếm
NGND Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM cho biết: “Vấn đề của sân khấu hôm nay là việc đào tạo đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp. Với trường, trước mắt cần chú trọng đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công. Công tác đào tạo cũng cần phối hợp giữa cách dạy truyền nghề và phương pháp sư phạm khoa học, giảng dạy chuyên sâu. Hơn thế, cần suy nghĩ phương cách tuyển sinh đầu vào để có thể đào tạo ra những tài năng thực sự”. Không thể phủ nhận thực trạng lực lượng diễn viên tuy đông đảo nhưng người giỏi, tâm huyết với nghề không nhiều. Không ít giọng ca hay vừa trải qua một hai cuộc thi tài năng đã vội “chạy sô” để kiếm sống, không đầu tư phát triển nghề, âu cũng bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Trong khi đó, nguồn tuyển sinh của trường lại không thu hút được các bạn trẻ có năng khiếu về học tập, rèn luyện, dù trường có chế độ ưu đãi dành riêng cho khoa Kịch hát dân tộc. Công tác tuyển sinh cũng gặp khó vì cho dù có giọng ca hay nhưng không đủ bằng cấp theo quy định nên nhiều em không thể vào trường học, nguồn tuyển vì thế ngày càng khan hiếm…
Cùng chung nỗi trăn trở này, chia sẻ của NSND Thanh Hải khiến những người tâm huyết với nghệ thuật cải lương thêm lo lắng: “Đối với công tác đào tạo, đầu vào quan trọng, đầu ra còn quan trọng hơn. Chúng ta nên mời thêm nghệ sĩ giỏi nghề về giảng dạy để thu hút thí sinh. Giảng viên cũng nên suy nghĩ cách thức nào đó để truyền dạy có sức hấp dẫn, mới mẻ. Công tác đào tạo đạo diễn sân khấu hiện nay cũng đáng lo khi nhiều đạo diễn không am hiểu âm nhạc cải lương”.
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu cải lương trong thời hội nhập là điều mà các thế hệ nghệ sĩ tâm huyết trăn trở. Hiện nay, hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị thiếu hụt diễn viên và nhạc công, đó là một thực tế đáng buồn. NGND Hà Quang Văn cho rằng, việc giải tán các đoàn cải lương ở các tỉnh – thành, sáp nhập với các trung tâm văn hóa là vô cùng sai lầm. “Chính sự sáp nhập đó đã khiến cải lương mất đi tính chuyên nghiệp”, ông khẳng định. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các cơ sở đào tạo, trong đó có Khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH SKĐA TP.HCM không tuyển đủ chỉ tiêu, không phải không có đội ngũ tài năng và tâm huyết, nhưng những thách thức, bất cập hiện tại chính là rào cản khiến những tài năng này có xu hướng đổi nghề, không tiếp tục theo đuổi đam mê. Việc thiếu học viên có chất giọng tốt là mối nguy lớn của công tác đào tạo diễn viên cải lương trước mắt và nhân lực cho nền nghệ thuật sân khấu về lâu dài. Do đó, chính sách thu hút nhân lực cùng với những chế độ đãi ngộ phù hợp, xứng đáng sẽ là cơ sở và động lực để diễn viên cải lương nói riêng và những người tâm huyết với nghệ thuật dân tộc bám trụ với nghề.
THÙY TRANG
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.127127 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98753 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95543 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93976
Để lại một bình luận